Mở cửa hoạt động năm 2005, thời điểm đỉnh cao, HNX có 102 công ty chứng khoán thành viên, nay còn 80 công ty chứng khoán làm thành viên của Sở

Mở cửa hoạt động năm 2005, thời điểm đỉnh cao, HNX có 102 công ty chứng khoán thành viên, nay còn 80 công ty chứng khoán làm thành viên của Sở

Khi thước đo thứ bậc là thị phần và uy tín

(ĐTCK) Lần đầu tiên tại TTCK Việt Nam, hoạt động bình chọn CTCK thành viên có dịch vụ môi giới tốt nhất và dịch vụ tư vấn tốt nhất đã được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thực hiện, nhân dấu mốc 10 năm hoạt động. 

Dư luận mới chỉ biết đến việc xếp hạng CTCK theo thị phần, biết đến một số hoạt động vinh danh CTCK do một số tổ chức nước ngoài thực hiện, thì nay, có thêm một cách “xếp hạng” CTCK mới, từ bước khởi đầu do HNX tạo nên.

Niềm vui sau những tháng ngày thăng trầm

Nếu như Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM chính thức khai mở TTCK Việt Nam vào tháng 7/2000 thì 5 năm sau đó, vào ngày 8/3/2005, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hà Nội (nay là HNX) mới chính thức mở cửa hoạt động. Mở đầu bằng việc tổ chức đấu giá cổ phần của DNNN, đến ngày 14/7/2005, phiên giao dịch đầu tiên trên thị trường thứ cấp tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội chính thức được thực hiện với 6 DN niêm yết và 12 công ty chứng khoán thành viên.

Sau hơn 10 năm hoạt động, HNX đạt đến 102 công ty chứng khoán thành viên vào năm 2010. Đây cũng là thời kỳ CTCK hiện diện đông đủ nhất với tổng tài sản 107.275 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 38.903 tỷ đồng và quản lý giao dịch khoảng 1 triệu tài khoản. Sau một giai đoạn phát triển quá nóng, quy mô hoạt động của các CTCK thành viên bắt đầu đối diện với nhiều khó khăn, bộc lộ những yếu kém trong công tác quản lý, nhất là khi kinh tế vĩ mô có nhiều tác động tiêu cực đến TTCK Việt Nam, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh.

Trước thực trạng này, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án tái cấu trúc TTCK, xác định cần cơ cấu lại các CTCK theo hướng tăng dần về chất lượng, giảm về số lượng. Từ đây, các CTCK đã phải trải qua quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ bằng việc tự làm mới mình, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc ngưng hoạt động một số nghiệp vụ để bảo toàn vốn.

Là chủ thể trong ngành được ví như “phong vũ biểu” của nền kinh tế, kết quả hoạt động của khối CTCK, cho dù còn rất nhỏ trong bức tranh chung của trên 500.000 DN Việt Nam, nhưng luôn phản ánh khá tương đồng với sự thăng trầm của TTCK, cũng như nền kinh tế Việt Nam.

Những CTCK khỏe mạnh hơn tập trung vào việc nâng cấp hệ thống giao dịch, chú trọng phát triển các hoạt động quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ để nâng cao chất lượng phục vụ nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo hoạt động môt cách an toàn trên thị trường quá nhiều biến động và ảnh hưởng không chỉ từ nội tại nền kinh tế Việt Nam, mà còn là các biến cố trên toàn cầu.

Theo thống kê của HNX, tính đến tháng 9/2015, số lượng các thành viên trên Sở còn lại 80 công ty, trong đó có 1 công ty bị đình chỉ hoạt động và 79 công ty đang hoạt động bình thường. Tổng tài sản của khối DN này đạt 74.734 tỷ đồng, tổng vốn chủ sở hữu tăng lên đến 41.621 tỷ đồng.

Là chủ thể trong ngành được ví như “phong vũ biểu” của nền kinh tế, kết quả hoạt động của khối CTCK, cho dù còn rất nhỏ trong bức tranh chung của trên 500.000 DN Việt Nam, nhưng luôn phản ánh khá tương đồng với sự thăng trầm của TTCK, cũng như nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2010, tổng doanh thu của 102 công ty chứng khoán đạt 15.886 tỷ đồng và kể từ năm 2011 - 2014, tổng doanh thu của các CTCK đều đạt thấp hơn so với năm 2010, trong đó thấp nhất là năm 2013 với chỉ 7.284 tỷ đồng.

Về lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế năm 2010 của toàn khối CTCK đạt 1.811 tỷ đồng, đến năm 2011 chịu lỗ đến 2.184 tỷ đồng do chi phí hoạt động kinh doanh tăng mạnh vì phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. Từ năm 2012, các CTCK thực hiện tái cấu trúc, tổ chức lại hoạt động, tăng cường hoạt động kiểm soát nội bộ và quả trị rủi ro, nhờ đó, kết quả kinh doanh được cải thiện.

Năm 2012, lợi nhuận khối CTCK đạt 1.205 tỷ đồng, năm 2013 đạt 2.098 tỷ đồng và năm 2014 là 3.300 tỷ đồng. Dù đã tăng với tốc độ khá nhanh trong 3 năm qua, nhưng lợi nhuận của toàn khối CTCK hiện vẫn chưa bằng lợi nhuận của 1 ngân hàng thương mại cỡ vừa tại Việt Nam. Thực tế này cho thấy, so về quy mô, ngành dịch vụ chứng khoán còn khoảng cách xa so với ngành dịch vụ ngân hàng.

80 CTCK trụ lại được sau 3 năm tái cấu trúc, đang tạo ra một tỷ suất sinh lời tăng dần qua từng năm, nhưng không lớn. Cụ thể, theo thống kê của HNX, năm 2014, hệ số ROA (thu nhập trên tổng tài sản) của khối CTCK đạt 5,15%, tăng hơn 2 lần so với năm 2010, hệ số ROE (thu nhập trên vốn chủ sở hữu) bình quân đạt 8,58%, tăng 84% so với năm 2010.

Điều đáng nói là, các CTCK hiện nay có sự phát triển không đồng đều, có những cái tên vượt trội, khẳng định uy tín trong cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước như SSI, HSC, nhưng cũng có rất nhiều công ty gần như ngưng hoạt động, doanh thu chỉ vài chục, đến vài trăm triệu đồng.

Xét trên tổng quan thị trường thì khối CTCK là một trong bốn chủ thể trụ cột để vận hành TTCK Việt Nam cùng với 3 thành phần khác là nhà quản lý, DN niêm yết và nhà đầu tư. Khích lệ các CTCK vươn lên và tiếp tục nỗ lực tạo dựng thị trường là việc nhà quản lý, đặc biệt là HNX, HOSE thực hiện trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, để vinh danh CTCK tiêu biểu trên hiện trạng thị trường còn non trẻ là công việc không dễ dàng, bởi xét trên tiêu chí gì thì việc bình chọn cũng chỉ là tương đối. Nhà quản lý phải dám nghĩ, dám làm mới có thể thực thi.

Tại HNX, kể từ năm 2013, bên cạnh việc công bố xếp hạng thị phần các CTCK hàng quý, Sở đã thực hiện bình chọn và vinh danh các thành viên tiêu biểu.

Tiêu chí chung nhất để Sở xem xét, đánh giá và chấm điểm các CTCK căn cứ theo 5 yếu tố: đó là tỷ lệ an toàn tài chính (từ 180% trở lên); thị phần môi giới, thị phần tạo hàng trong TOP đầu; tuân thủ tốt nghĩa vụ thành viên và có sự phối hợp tổ chức các sự kiện hướng đến TTCK. Năm 2015, HNX vinh danh 12 CTCK tiêu biểu (xem bảng). Cùng với đó HNX cùng các CTCK đã “mạnh dạn” bình chọn để tìm ra và vinh danh 2 danh hiệu mới: CTCK có dịch vụ môi giới tốt nhất và CTCK có dịch vụ tư vấn tốt nhất (xem bảng).

Dù không có cuộc bình chọn nào là trọn vẹn thỏa đáng, nhưng nỗ lực vinh danh những CTCK là điểm sáng trên TTCK của nhà quản lý đã và đang là một điểm tựa để CTCK tăng uy tín, tăng nhiệt huyết xây dựng thị trường.

Khi thước đo thứ bậc là thị phần và uy tín ảnh 2

CTCK mong đợi gì ở nhà quản lý?

Là một trong những thành viên tiêu biểu tại HNX 2015, trong góc nhìn của Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt, ông Nhữ Đình Hòa, điều CTCK cần nhà quản lý hỗ trợ năm nay và năm tới chính là công tác đào tạo. “TTCK phái sinh sắp ra đời, CTCK cần rất nhiều sự chuẩn bị, nên đây là thời kỳ nhà quản lý cần quan tâm, hỗ trợ đặc biệt cho các CTCK đủ điều kiện tham gia thị trường này”, ông Hòa nói.

Cũng theo ông Hòa, bản chất của CTCK là cung cấp các dịch vụ chứng khoán, nên lợi ích chỉ có được nếu các sản phẩm mới được nhà đầu tư đón nhận. “Chúng tôi cần nhà quản lý phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, thêm những chỉ số ngành để thị trường phong phú, đa dạng hơn, nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn và CTCK có nhiều không gian để cung ứng dịch vụ”, ông Hòa cho biết.

Ý kiến từ bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc tài chính SSI thì cho biết, vài năm trước, để giữ an toàn hệ thống, quy định pháp lý không cho phép CTCK được thực hiện repo hợp đồng cổ phiếu OTC, trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên nền tảng thị trường rộng mở hơn, hiện đại hơn, nhiều CTCK có chất lượng quản trị rủi ro tốt hơn rất nhiều, nhà quản lý nên sớm “phục hồi” sản phẩm này để CTCK có thêm không gian kết nối các dòng tiền trên thị trường.

Một hoạt động khác cũng được CTCK kiến nghị nới rộng là margin cổ phiếu. Theo ông Nguyễn Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt, chỉ nói riêng quy định cổ phiếu mới lên sàn sau 6 tháng mới đuợc margin là quá chặt. CTCK đã kiến nghị nhiều, nhưng vẫn chưa có quy định mới của nhà quản lý.

Ngoài kiến nghị nên rút ngắn thời gian cho cổ phiếu mới niêm yết được margin, ông Nguyễn Hiếu cũng cho rằng, nhà quản lý nên cho phép các cổ phiếu trên sàn UPCoM cũng được giao dịch ký quỹ… Việc chọn lựa mã nào, tỷ lệ cho vay bao nhiêu trong phạm vi cho phép của nhà quản lý sẽ do các CTCK tự quyết định dựa trên tiềm lực tài chính của mình và uy tín của nhà đầu tư…

Còn nhiều kiến nghị khác các CTCK đã chia sẻ tại Hội nghị thành viên mới đây của HNX, nhưng tựu chung lại là mong muốn, nhà quản lý sẽ tiếp tục đối thoại, tiếp tục lắng nghe, hỗ trợ và khích lệ khối DN non trẻ này vươn lên, phát triển.

Mong sẽ đến ngày không xa, khối CTCK không chỉ tạo ra hàng chục nghìn việc làm trong nền kinh tế, góp sức tạo dựng TTCK Việt Nam trở thành kênh huy động vốn chủ lực, mà còn xác lập vị trí cụ thể trong đóng góp sức mình vào tăng trưởng GDP của đất nước hàng năm.

Tin bài liên quan