Chỉ bán được 1 triệu CP cho cổ đông hiện hữu, HQC quay sang chào bán 62 triệu CP còn lại cho NĐT riêng lẻ

Chỉ bán được 1 triệu CP cho cổ đông hiện hữu, HQC quay sang chào bán 62 triệu CP còn lại cho NĐT riêng lẻ

Khi phát hành đại chúng “biến” thành… riêng lẻ

(ĐTCK) Không phát hành được cho cổ đông hiện hữu, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã và đang xoay sang bán số cổ phiếu ế ẩm cho một số tổ chức, cá nhân. Phát hành đại chúng đang biến thành riêng lẻ trong giai đoạn doanh nghiệp lũ lượt tăng vốn.

Chuyển hướng phát hành riêng lẻ

Nhiều doanh nghiệp rầm rộ lên kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu, nhưng sau đó phải chuyển hướng thành phát hành riêng lẻ khi vấp phải thực tế cổ đông hiện hữu không mua. Mới đây, CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) chào bán 63 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, nhưng chốt lại, chỉ có hơn 1 triệu cổ phiếu được phân phối. Với gần 62 triệu cổ phần chưa có chủ, HĐQT HQC thống nhất sẽ phân phối cho 9 cổ đông cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức là CTCP Quản lý quỹ Thăng Long (TLCF).

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo HQC cho biết, kế hoạch của Công ty là phát hành cho cổ đông hiện hữu và đã được ĐHCĐ thông qua. Tuy nhiên, tại thời điểm phát hành, thị giá cổ phiếu HQC là 6.000 đồng/CP, thấp hơn hẳn mức giá phát hành (10.000 đồng/CP), nên việc nhiều cổ đông hiện hữu từ chối mua cũng là điều có thể hiểu được.

Trước ý kiến cho rằng, liệu có phải doanh nghiệp đang mượn danh phát hành cho cổ đông hiện hữu để phát hành riêng lẻ cho một số cổ đông, đại diện HQC cho biết, Công ty thực hiện theo đúng Nghị quyết ĐHCĐ và việc nhiều cổ đông sẵn sàng chấp nhận mua cổ phiếu với mức giá cao hơn thị giá là do họ nhìn thấy được tiềm năng dài hạn của Công ty. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đặt câu hỏi về lý do đằng sau việc các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức sẵn sàng mua lượng cổ phiếu của HQC trong đợt phát hành vừa qua với giá cao hơn trên sàn và lại bị hạn chế về thời gian chuyển nhượng.

HQC cũng vừa thông báo kết quả chào bán 135 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu với các đơn vị liên kết, bao gồm CTCP Tư vấn Thương mại  Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận, CTCP Đầu tư Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ, CTCP Cảng Bình Minh và CTCP Đầu tư Phát triển bất động sản Đông Dương với tỷ lệ hoán đổi được xác định là 1:1. Trong đó, có 17 nhà đầu tư cá nhân thực hiện hoán đổi 132 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 96,35% tổng số cổ phiếu được phép phát hành.

Trước HQC, HĐQT CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG) thông qua danh sách 10 nhà đầu tư cá nhân sẽ tham gia mua hơn 6,7 triệu cổ phần không chào bán hết trong đợt phát hành thêm gần 21 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, với giá chào bán 10.000 đồng/CP.

Nhìn nhận về hiện tượng này, ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán cho rằng, xét ở góc độ doanh nghiệp, việc phát hành để huy động vốn là điều cần thiết trong nhiều trường hợp. Khi doanh nghiệp phát hành cho cổ đông hiện hữu, nhưng cổ đông không đăng ký thì doanh nghiệp phải tìm kiếm các cổ đông bên ngoài và điều này hoàn toàn không sai luật. Tuy nhiên, thị trường dễ có cảm giác doanh nghiệp đang “mượn danh” cổ đông hiện hữu để phát hành riêng lẻ.

“Cổ đông thường có tâm lý dễ dàng bỏ phiếu thông qua phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu hơn so với phát hành riêng lẻ. Bởi cổ đông lo ngại việc chào bán riêng lẻ với khối lượng lớn dễ phát sinh rủi ro, khó có thể giám sát dòng vốn. Bản thân các cổ đông đại chúng khó  được biết thực tế số tiền thu về sẽ được dùng vào đâu”, ông Lân phân tích. 

Phát hành nhiều, ế cũng nhiều

CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) vừa công bố kết quả của đợt phát hành tăng vốn mới đây. Theo đó, trong tổng số 50,11 triệu cổ phiếu đăng ký phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP, chỉ có mua 867 cổ phiếu được cổ đông của SCR mua vào. Sau khi phân phối cho cổ đông hiện hữu bất thành, SCR đã quyết định phân phối 20 triệu cổ phiếu cho 3 cổ đông cá nhân là ông Võ Trọng Hữu, ông Nguyễn Ngọc Lượng và ông Lê Văn Vinh. Như vậy, sau 2 đợt chào bán, Sacomreal vẫn còn "ế" 30,11 triệu cổ phiếu và Công ty quyết định hủy bỏ hơn 30 triệu cổ phiếu nói trên.

Trước đó, CTCP Đầu tư Thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) cũng công bố chào bán 40 triệu cổ phần trong tổng số gần 54,6 triệu cổ phiếu ế của đợt chào bán vừa qua. Đã có 20 nhà đầu tư tham gia mua 40 triệu cổ phần này với giá 10.000 đồng/CP và 14,6 triệu cổ phần còn lại sẽ được hủy bỏ.

Tình trạng doanh nghiệp phải hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu không phải là hiếm trong thời gian qua. Điều này xuất phát từ thực tế là thời gian gần đây, các doanh nghiệp ồ ạt công bố phát hành cổ phiếu tăng vốn, với số lượng rất lớn. Việc dội cung cổ phiếu trên thị trường đang khiến kế hoạch huy động vốn của các doanh nghiệp khó khăn hơn.  

Tin bài liên quan