Khi DN niêm yết “làm ngơ” với giá cổ phiếu

Khi DN niêm yết “làm ngơ” với giá cổ phiếu

(ĐTCK) Không ít cổ phiếu của các công ty có hoạt động kinh doanh ổn định, cổ tức khá tốt, nhưng thanh khoản rất thấp. Khi DN làm ngơ với giá cổ phiếu, rất có thể phía sau đó là việc nhiều cổ đông nội bộ đã mua lại phần lớn cổ phiếu của công ty mình và nắm giữ như một khoản đầu tư dài hạn.

Cổ phiếu SC5 của CTCP Xây dựng số 5 từng “vang bóng một thời” về thanh khoản, nhưng vài năm gần đây, giao dịch của SC5 chỉ loanh quanh vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Vẫn là công ty đại chúng với vài trăm cổ đông, nhưng 60% cổ phần SC5 đang tập trung trong tay một nhóm cổ đông. Vào thời điểm SC5 bị thị trường định giá rất thấp, các cổ đông này đã mua gom và nắm giữ cổ phiếu, hưởng cổ tức tiền mặt 20%/năm. Ông Trần Quang Mỹ, Chủ tịch HĐQT SC5 từng chia sẻ với cổ đông, với mảng xây lắp và các dự án chung cư đang triển khai, SC5 đủ khả năng duy trì cổ tức tiền mặt 20% hàng năm.

Một cổ phiếu khác đáng chú ý là VKC của CTCP Cáp nhựa Vĩnh Khánh. Với số vốn điều lệ 130 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2015 dự kiến vượt kế hoạch 16 tỷ đồng và cổ tức cam kết cao hơn lãi suất ngân hàng từ 3 - 5%/năm, thị giá của VLP chỉ ở mức 8.300 đồng/CP với thanh khoản vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên. Nguyên nhân là cổ đông nội bộ và đối tác làm ăn đã sở hữu hơn 60% cổ phần của Công ty.

Một cổ phiếu khác được thị trường quan tâm gần đây vì thị giá chỉ 6.000 đồng/CP, nhưng phát hành được 40 triệu cổ phiếu tăng vốn cho cổ đông bên ngoài với giá 10.000 đồng/CP là HAR. Với 40 triệu cổ phiếu phát hành tăng vốn từ hơn 500 tỷ đồng lên hơn 900 tỷ đồng, NĐT bên ngoài đã sở hữu tỷ lệ khá lớn vốn cổ phần của HAR và cũng cao hơn nhiều tỷ lệ sở hữu mà cổ đông sáng lập đồng thời là lãnh đạo Công ty đang nắm giữ. Như vậy, khi các cổ đông hiện hữu liên tục bỏ quyền mua cổ phiếu trong hai đợt phát hành vừa qua, tỷ lệ sở hữu của HAR đã tập trung vào các cổ đông bên ngoài Công ty.

Quan sát trên thị trường có thể thấy, rất nhiều trường hợp DN niêm yết gần như không có thanh khoản, như cổ phiếu PAN, với một danh mục đầu tư giá trị, nhưng PAN không có thanh khoản vì các cổ đông nội bộ nắm giữ gần hết lượng cổ phiếu. Hay cổ phiếu VPS của CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam vừa niêm yết cũng không có thanh khoản, vì các cổ đông nội bộ nắm giữ để hưởng cổ tức từ 18-20% tiền mặt mỗi năm.

Trải qua nhiều sóng gió của thị trường, nhiều công ty niêm yết chỉ còn là hình thức, khi mà bản thân công ty không có nhu cầu huy động vốn, cũng không quan tâm đến thị giá và thanh khoản trên thị trường. DN đại chúng, khi đó chỉ là cái vỏ, cho những khoản sở hữu lớn của các “đại gia”.

Tin bài liên quan