Mỗi nhà đầu tư hãy tin vào bản thân mình, 
vì sau khi quyết định, họ không thể bắt đền… "chuyên gia" được.

Mỗi nhà đầu tư hãy tin vào bản thân mình, vì sau khi quyết định, họ không thể bắt đền… "chuyên gia" được.

Khi "chuyên gia" chứng khoán dự báo

(ĐTCK) Chuyên gia chứng khoán (CGCK) là cụm từ không còn xa lạ trên TTCK và chẳng ai biết cụm từ này chính thức xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết rằng, những cái tên Lê Thẩm Dương, Huy Nam, Nguyễn Ngọc Trường Chinh… đi liền với cụm từ "chuyên gia chứng khoán" như một điều hiển nhiên trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Người không coi đó là danh hiệu thì cho rằng, CGCK cũng chỉ là người đại diện cho nhiều tiếng nói, được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, có cơ hội được phát ngôn chính thức. Còn những ai thực sự coi trọng nó thì cho rằng, cần đưa ra tiêu chí rõ ràng cho danh hiệu CGCK giống như danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nhà giáo nhân dân… vậy.

Trong tiết Xuân mới gõ cửa từng nhà, không quá đi sâu vào tiêu chí bình xét, bài viết chỉ tản mạn đôi điều về chuyên gia chứng khoán, bởi lẽ vẫn thường nghe nói chuyên gia bóng đá, chuyên gia ẩm thực… mà đã chắc có một tiêu chí rõ ràng nào.

Chuyên gia chứng khoán là gì?

Hiểu theo nghĩa thông thường, chuyên gia chứng khoán là người chuyên về chứng khoán. Nhưng theo ông Đào Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán (SRTC), nếu hiểu như vậy thì riêng số người đã và đang làm việc tại cơ quan quản lý TTCK được phong danh hiệu "chuyên gia" cũng khó mà đếm hết. Theo ông Minh, ngay cả với những người ở cương vị lãnh đạo, nếu gọi đúng nghĩa cũng chỉ là nhà quản lý, còn cán bộ đào tạo tại SRTC gọi là giảng viên, nhà nghiên cứu, chứ gọi chuyên gia… nghe khách sáo quá.

Trên báo đài, có một hiện tượng khá phổ biến là sau những cái tên mới tinh của những người thuộc bộ phận phân tích tại CTCK là chức danh CGCK. Cách đây vài tháng, bạn đồng nghiệp bên truyền hình bảo tôi đến trường quay nhân buổi ghi hình với "chuyên gia chứng khoán" để tranh thủ phỏng vấn. Hăm hở chạy đến, nhưng vị "chuyên gia chứng khoán" của bạn tôi là một nhân vật rất trẻ, mới vào nghề. Cũng chỉ là "lời nói, gió bay", nhưng việc lạm dụng cụm từ "chuyên gia" một cách tràn lan đang cho thấy tính thiếu chuyên nghiệp, xác thực của báo chí trước công chúng đầu tư. Liệu đã đến lúc cần cân nhắc trước khi gọi ai đó là "chuyên gia chứng khoán" bởi hình ảnh của họ gắn liền với những cảm nhận, dự báo thị trường?

Trên các diễn đàn của các website như www.vietstock.vn  hay www.traitimonline.vn,  phản ứng của NĐT với dự đoán của các chuyên gia chứng khoán thật dữ dội. Qua trao đổi, nhà đầu tư Nguyễn Văn Việt, sàn chứng khoán ACBS thất vọng nói: "thật không tiện khi điểm mặt chỉ tên từng bác chuyên gia chứng khoán, song có để ý mới thấy, dự đoán của mấy bác ấy hoặc là không đúng hoặc là chỉ mang tính cực ngắn". Chị Nguyễn Thu Hồng, nhà đầu tư sàn SSI thì than thở: "úi dào, lạy mấy bác chuyên gia cả nón, dự đoán gì mà đúng ít, sai thì nhiều, 10 câu sai 9…".

Vậy có nên hay không tiếp tục sử dụng chức danh CGCK tại Việt Nam? Thế giới không có chức danh CGCK, chỉ có chiến lược gia (strategy) hay nhà đầu tư tài chính. Ở Việt Nam, những người nghiên cứu chứng khoán lâu năm như ông Huy Nam cũng chỉ khiêm nhường nhận mình là "chuyên viên phân tích" trong các ấn phẩm mang tên tác giả này. "Sự thật mất lòng", việc phong tặng chức danh "chuyên gia" không đúng chỗ khiến người được coi là CGCK chắc chẳng vui gì. Với những người tự trọng, họ thậm chí có thể ngại báo chí bởi ngại sự dễ dãi và đánh đồng kiểu… chuyên gia.

Và các phân tích, dự báo

Công ty Chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam - BVSC mặc dù đã 2 lần điều chỉnh dự báo thị trường cuối năm 2008, lần 1 cho rằng, VN-Index đạt 550-600 điểm (30/6/2008) và lần 2 xuống còn 417-540 điểm (20/10/2008), song xem ra dự báo vẫn chỉ là dự báo khi VN-Index khép lại năm 2008 với 315,62 điểm.

Ngân hàng toàn cầu HSBC với các bộ phận nghiên cứu khác nhau cũng đưa ra nhiều dự báo về VN-Index của năm 2008: trên 1.000 điểm (tháng 1), 600 điểm (tháng 4/2008), 450 điểm (tháng 10), nhưng tất cả đều… trật khấc. Những tổ chức tài chính, chứng khoán hàng đầu như vậy còn khó có thể dự báo chuẩn xác thì việc một cá nhân, dù là chuyên gia hay chuyên viên phân tích gì đó, dự báo sai cũng là điều bình thường. Nhưng dự báo là quyền của mỗi người, vấn đề nằm ở cái tâm và cái tầm của người dự báo. Vụ tranh cãi giữa Công ty Chứng khoán HSC và CTCP Đầu tư & Công nghiệp Tân Tạo (ITA) vừa qua liên quan đến báo cáo phân tích cổ phiếu ITA đã cho thấy còn một khoảng cách xa trong mối quan hệ giữa nhà phân tích với DN, giữa nhà phân tích với thị trường.

Cuối cùng, với mỗi nhà đầu tư, việc đầu tư chứng khoán có thành công hay không vẫn do mình là chính, không thể đổ lỗi cho "chuyên gia" và cũng không thể bắt đền… "chuyên gia" được. Nhà đầu tư nổi tiếng Jesse Livermore đã từng nói: "Hãy tin vào bản thân mình và những phán đoán của mình, đây là điều sống còn trên thị trường".