Theo quan sát của ĐTCK, rất nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình có nhu cầu gọi vốn, thực hiện M&A; không ít công ty dịch vụ tham dự nhằm tìm kiếm khách hàng tiềm năng; các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính đến tìm hiểu thông tin về các doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2015, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, chương trình Kết nối đầu tư lần này thu hút đông đảo các đơn vị tham gia so với năm 2014 khi chương trình lần đầu được tổ chức. Đặc biệt, chương trình năm nay có sự tham gia của 4 trung tâm xúc tiến đầu tư của các tỉnh, thành miền Trung là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định để chia sẻ các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn. Nhiều NĐT tổ chức đã thăm các bàn thông tin của 4 tỉnh, thành này nhằm tìm hiểu các lĩnh vực tiềm năng cũng như chính sách thu hút đầu tư.
Tại hội thảo, bên mua, bên bán và bên trung gian đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi sôi nổi. Các bàn thông tin của các tập đoàn, tổng công ty như Tổng công ty Cảng hàng không, Tổng công ty Xây lắp dầu khí, Tập đoàn Novaland… được nhiều khách tham dự ghé thăm.
Trong đó, bên bán là các doanh nghiệp đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược hoặc NĐT đầu tư cho dự án. Chẳng hạn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hiện có 5 lĩnh vực hoạt động chính gồm: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp khí; chế biến dầu khí, sản xuất điện và dịch vụ kỹ thuật dầu khí.
Trong các lĩnh vực trên, Tập đoàn đang có kế hoạch gọi thêm vốn để đầu tư, cũng có lĩnh vực tìm kiếm đối tác để thoái bớt vốn.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó trưởng phòng Xúc tiến đầu tư PVN cho biết, trong lĩnh vực khí, Tập đoàn đang có Dự án LNG Sơn Mỹ ở Bình Thuận, do PV Gas làm chủ đầu tư, hiện đang được kêu gọi đầu tư.
Trong lĩnh vực chế biến dầu khí, Tập đoàn dự kiến thoái vốn đầu tư tại dự án xơ sợi, dự án xăng sinh học tại Bình Phước, thoái bớt vốn tại CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM) và kêu gọi đầu tư Dự án Nhà máy chế biến Condensate Cái Mép.
Trong lĩnh vực sản xuất điện, hiện Tập đoàn có 12 nhà máy điện lớn với tổng công suất 9.000MW, trong đó 7 nhà máy đã hoàn thành với công suất gần 4.200MW, đang tiếp tục đầu tư 5 nhà máy, tổng công suất 4.850 MW. Trong lĩnh vực sản xuất điện, Tập đoàn có 8 dự án đang kêu gọi đầu tư, chủ yếu là các dự án thủy điện và dự án điện than.
Bà Hoàng Thị Kim Thoa, Giám đốc Đầu tư, CTCP Vinamit đến Diễn đàn M&A với kỳ vọng sẽ tìm được đối tác đến từ Nhật Bản, Mỹ đầu tư vào dự án trung tâm thu mua nguyên liệu nông sản ở Hải Dương.
Trong vòng 3 năm tới, Vinamit đặt mục tiêu thâm nhập mạnh mẽ thị trường Mỹ và Nhật Bản bằng chính nhãn hiệu của Vinamit, thay vì làm gia công như trước đây để tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“Chúng tôi kỳ vọng, đối tác đến với Vinamit có sự tương đồng về sản phẩm, tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Nếu có hợp tác sản phẩm thì sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam. Trong năm nay, chúng tôi đang mở cơ hội cho nhà đầu tư đến với dự án ở Hải Dương để phát triển dự án này thành trung tâm logistics của Vinamit ở thị trường phía Bắc”, bà Thoa nói.
Với bên mua, đại diện FLC chia sẻ nhu cầu rót vốn đầu tư, M&A các dự án, với tiêu chí quan trọng là các dự án phải hoàn thiện, ưu tiên dự án đã có giấy phép xây dựng nhằm tiết kiệm thời gian và có thể chớp được cơ hội đầu tư. Tập đoàn đang quan tâm đến các dự án khu vực quanh Hà Nội, nhất là nơi có thể mở được các resort, sân gôn.
Cũng đến Diễn đàn để tìm kiếm cơ hội đầu tư là KV ASIA Capital - một quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào các công ty chưa niêm yết ở Đông Nam Á, hiện mới chỉ đầu tư vào Singapore và Malaysia.
Ông Lee Gan Ping, Giám đốc KV ASIA Capital cho biết, Việt Nam là một trong những địa chỉ được Quỹ hướng đến, bởi những năm gần đây, Việt Nam có các chính sách đầu tư thông thoáng. Nếu tìm kiếm được cơ hội tốt, KV ASIA Capital dự kiến rót khoảng 25 - 75 triệu USD vào thị trường Việt Nam.
Các lĩnh vực mà Quỹ quan tâm gồm hàng tiêu dùng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bởi đây là những lĩnh vực có tiềm năng phát triển, nhất là với dân số đông như Việt Nam. Ngoài ra, những lĩnh vực này được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang ký kết, cũng như khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập. Tùy vào từng doanh nghiệp, Quỹ có thể xem xét mua lại toàn phần, một phần, hoặc trở thành đối tác chiến lược.
Nhận định về thị trường M&A Việt Nam, ông Richmond Mayo-Smith III, Giám đốc Indochina Capital cho rằng, thị trường M&A Việt Nam đã có sự phát triển nhanh với nhiều nỗ lực từ phía Chính phủ. Năm 1995, số thương vụ M&A chỉ là 50, thì năm 2014 đã có 339 thương vụ.
Bên bán trở nên chuyên nghiệp hơn, có sự nhất quán hơn trong cả thương vụ, hướng đến mục tiêu cùng thắng (win-win) cho các bên. Gần đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại Việt Nam, một số quỹ đầu tư nước ngoài có lãi khiến NĐT ngoại quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam.
Ông Richmond Mayo-Smith III nhận định, trong vòng 10 năm tới là giai đoạn rất tốt cho thị trường M&A của Việt Nam và thời điểm hiện tại là khởi đầu tốt để thực hiện M&A.