Cầu nội đang trở thành bệ đỡ cho các đợt đấu giá cổ phần lần đầu (IPO)

Cầu nội đang trở thành bệ đỡ cho các đợt đấu giá cổ phần lần đầu (IPO)

IPO: Cầu nội áp đảo!

(ĐTCK) Một nhà đầu tư cá nhân mua hàng chục triệu cổ phần, toàn bộ cổ phần chào bán được các nhà đầu tư trong nước đăng ký mua hết… Những thông báo như trên đã trở thành phổ biến trong các phiên đấu giá gần đây trên HOSE và HNX.

Cầu nội, trong đó tập trung ở các nhà đầu tư tư nhân, đang trở thành bệ đỡ cho các đợt đấu giá cổ phần lần đầu (IPO).

Liên tiếp tin vui

Đợt IPO mới nhất diễn ra ngày 11/12 của Công ty TNHH Một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau diễn ra thành công, 129 triệu cổ phần được mua hết, trong đó tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua được 7 triệu cổ phần.

Trước đó, ngày 10/12, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn cũng bán thành công 11,5 triệu cổ phần tại CTCP Đô thị Du lịch Cần Giờ. Số lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 11,5 triệu đơn vị, giá khởi điểm 12.000 đồng/CP. Tham gia đấu giá là 2 cá nhân, trong đó có lệnh đặt mua toàn bộ 11,5 triệu cổ phần, giá đặt mua cao nhất là 12.100 đồng/CP, giá đấu thành công thấp nhất là 12.000 đồng/CP. Tổng giá trị bán được là 138 tỷ đồng.

Ngày 9/12, 5,93 triệu cổ phần của Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Du lịch Bến Thành - Bến Thành Tourist được đem ra đấu giá. Kết quả, toàn bộ số cổ phần đã được bán hết với giá bình quân 21.482 đồng/CP, hơn gấp đôi giá khởi điểm là 10.500 đồng/CP. Tổng giá trị cổ phần bán được là 127,4 tỷ đồng. Phiên đấu giá có 48 nhà đầu tư tham gia, đăng ký mua 50,5 triệu cổ phần, bằng 8,5 lần so với lượng đấu giá. Chỉ có 4 nhà đầu tư trúng giá (2 tổ chức và 2 cá nhân) với mức giá trúng nằm trong khoảng từ 21.000 đồng đến 21.500 đồng/CP. Nhà đầu tư nước ngoài không mua được cổ phần nào.

Phiên đấu giá ngày 8/12 của Công ty Phục vụ Mặt đất Sài Gòn - SAGS còn nóng hơn khi lượng cổ phần đặt mua gấp gần 15 lần lượng đấu giá, giá đấu bình quân đạt 44.693 đồng/CP, bằng 3,6 lần giá khởi điểm. Trong số 254 nhà đầu tư đăng ký tham gia, có nhiều nhà đầu tư đặt mua ở mức tối đa 2,7 triệu cổ phần. Kết quả, chỉ có 7 nhà đầu tư trúng giá, trong đó không có nhà đầu tư nước ngoài nào, tổng giá trị cổ phần bán được là 120,9 tỷ đồng.

Không chỉ các đợt đấu giá tổ chức tại HOSE, HNX sôi động, nhiều phiên đấu giá tổ chức tại các CTCK cũng thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Đơn cử, gần đây CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đã tổ chức đấu giá thành công 21 triệu cổ phần của Nhà nước tại Cienco 4. Hiện SHS đang tiếp tục thực hiện các thủ tục chào bán toàn bộ vốn nhà nước tại Cienco 1. Hầu hết nhà đầu tư tham gia mua cổ phần đều là cá nhân và tổ chức trong nước. 

Hấp dẫn nhờ đâu?

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Alphanam cho biết, Công ty ông trong vài năm qua liên tục đổ vốn cho các thương vụ M&A và xác định đây vẫn là một trong những mũi trọng tâm trong thời gian tới. Với con mắt tinh nghề, DN này chấp nhận mua cả những công ty lỗ lớn, song có một điểm chung, đó là danh mục tài sản, nhất là quyền sử dụng đất tại các đô thị rất lớn.

Mua cổ phần DN với tỷ lệ chi phối chính là một cách thâu tóm các dự án tiềm năng của đơn vị đó. Bến Thành Tourist với tài sản lớn nhất là 2 khách sạn Viễn Đông và Ngân Hà tại TP. HCM có lẽ là lý do hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Sau cổ phần hóa, DN có thể lập phương án cải tạo, chuyển đổi dự án với những khu đất trên. Với thực tế đã diễn ra ở nhiều DN, điều này không quá khó.

Còn CTCP Đô thị Du lịch Cần Giờ lại hút nhà đầu tư ở dự án Khu đô thị du lịch biển Saigon SunBay được xây dựng tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, cách trung tâm TP. HCM chỉ 50 km về phía Đông Nam. Với tổng diện tích 600 héc-ta, Saigon SunBay được xem là một trong những dự án lấn biển lớn nhất Việt Nam hiện nay. Dự án hiện đang trong quá trình xây dựng.

Với những DN tự thân hoạt động tốt như  SAGS, IPO là cơ hội hiếm có để các nhà đầu tư bỏ vốn, xét cả trong ngắn hạn và dài hạn. Hoạt động chính của SAGS là cung cấp các dịch vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất như phục vụ hành khách, dịch vụ hành lý, phục vụ kỹ thuật sân đỗ máy bay… Nửa đầu năm 2014, Công ty đạt 237 tỷ đồng doanh thu và 43 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn nhà nước ở mức rất cao, đạt 42%. Chính bởi lẽ đó, rất nhiều tổ chức trong nước như CTCP Đầu tư khai thác Cảng,  CTCP Hàng không Vietjet -Vietjet Air, CTCP Đầu tư & Thương mại Hoàn Lộc Việt đều đăng ký mua cổ phần chiến lược tại SAGS.

IPO DNNN diễn ra hàng ngày, những DN có nền tảng tốt, tiềm năng tăng trưởng trong tương lai vẫn đang là con mồi được nhiều thợ săn theo đuổi. 

Tin bài liên quan