Ông Lê Hải Trà phát biểu tại hội thảo về Chỉ số Phát triển bền vững VNSI

Ông Lê Hải Trà phát biểu tại hội thảo về Chỉ số Phát triển bền vững VNSI

HOSE ra mắt chỉ số Phát triển bền vững VNSI

(ĐTCK) Cuối tuần qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ra mắt Chỉ số Phát triển bền vững VN Sustainability Index (VNSI). 

Bộ chỉ số do HOSE phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tiến hành nghiên cứu và triển khai. Dự kiến, chỉ số VNSI sẽ chính thức triển khai vào tháng 7 năm nay.

Tại hội thảo về chỉ số VNSI, đại diện GIZ chia sẻ, các nhà đầu tư ngày càng ý thức về tầm quan trọng của tính bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp.

Theo đó, nhà đầu tư đang tìm kiếm các phương thức khác nhau để tích hợp những yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp vào chiến lược đầu tư. Thông qua phân tích kết quả hoạt động bền vững của doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn về chất lượng quản lý của doanh nghiệp, tiềm năng phát triển trong tương lai, từ đó xác định được các cơ hội đầu tư có khả năng đem lại giá trị cho cổ đông về dài hạn.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt chỉ số bền vững đã được xây dựng nhằm hỗ trợ định hướng thị trường, làm chuẩn so sánh, cũng như công cụ đầu tư cho cho thị trường và giới đầu tư.

Tại Việt Nam, xây dựng chỉ số phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ liên quan đến phát triển các sản phẩm tài chính sáng tạo cho “thị trường vốn xanh” được nêu trong Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh đến năm 2020, ban hành theo Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Chỉ số VNSI hướng đến các mục tiêu: xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết; hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân xác định những doanh nghiệp có đặc tính “xanh” để đầu tư; tăng cường xu hướng phát triển bền vững của toàn bộ nền kinh tế; xác định các tiêu chí về thông lệ tốt nhất về môi trường, xã hội và quản trị; bổ sung thêm một công cụ đầu tư mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng TTCK và nền kinh tế.

Ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE cho biết, các tiêu chí đánh giá phát triển bền vững được nghiên cứu và xây dựng dựa trên Bộ tiêu chuẩn GRI
Standards thuộc Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu GRI, Bộ nguyên tắc quản trị công ty của OECD và các quy định của pháp luật chứng khoán hiện hành.

Các tiêu chí đánh giá cũng được Sở tham vấn từ các tổ chức tài chính uy tín, đặc biệt là chương trình hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính-ngân hàng “xanh” trong khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, thông qua GIZ.

Để vào rổ chỉ số VNSI, danh mục cổ phiếu xem xét dự kiến là thành phần của VN100 được sàng lọc loại trừ. Các công ty có doanh thu trọng yếu đến từ các lĩnh vực như thuốc lá; năng lượng hạt nhân; vũ khí, bom, mìn, thiết bị chiến tranh; cờ bạc, casino và các hình thức tương tự; thức uống có cồn (rượu mạnh...)…, và các trường hợp khác đều không phù hợp với phát triển bền vững.

Sau bước loại trừ, HOSE sẽ tính toán và sàng lọc theo điểm phát triển bền vững. Để có điểm phát triển bền vững, HOSE sẽ khảo sát doanh nghiệp thông qua bảng câu hỏi phát triển bền vững (được xây dựng dựa trên các tiêu chí kể trên-PV), sau đó phân tích, tính toán và tổng hợp điểm từng khía cạnh (tính trên 100%).

Các công ty có điểm phát triển bền vững bền vững cao nhất sẽ được xem xét vào rổ. Số lượng cổ phiếu thành phần không cố định, căn cứ trên kết quả chấm điểm và tình hình thị trường. Rổ chí số sẽ được xem xét 1 năm/lần vào tháng 7 hàng năm.

HOSE kỳ vọng, với việc triển khai chỉ số phát triển bền vững VNSI sẽ tạo ra một thước đo cho thị trường, cung cấp danh sách các công ty có chất lượng tốt, nâng cao việc thực hiện và áp dụng phát triển bền vững cho các công ty niêm yết, giúp các nhà đầu tư tham chiếu tính chất “xanh” cho danh mục đầu tư của mình. Đồng thời, VNSI cũng sẽ là cơ sở để xây dựng các sản phẩm tài chính khác.

Được biết, trong cộng đồng nhà đầu tư tổ chức trên thế giới, các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (Principles of Responsible Investment- PRI) đang được nhiều quỹ đầu tư cam kết áp dụng.

PRI được phát động bởi Liên hợp quốc từ năm 2005, các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm do các nhà đầu tư tổ chức quốc tế phát triển và thông qua, phản ánh sự ảnh hưởng ngày càng tăng của các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG) về các hoạt động đầu tư.

Dòng vốn đầu tư phát triển bền vững trong khuôn khổ chương trình PRI đã lên đến hơn 62.000 tỷ USD. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vũng thì hoàn toàn có cơ hội tiếp cận dòng vốn này.   

Tin bài liên quan