Hợp đồng phái sinh tháng 10 đón dòng tiền lớn

Hợp đồng phái sinh tháng 10 đón dòng tiền lớn

(ĐTCK) Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 9 đáo hạn khiến dòng tiền đổ vào hợp đồng tháng 10, khối lượng mở (OI) cao hơn nhiều so với mức cao nhất trong lịch sử của hợp đồng tháng 9.

Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn tháng 9 (mã VN30F1709) có phiên giao dịch cuối cùng là ngày 21/9, nên trước khi hợp đồng này đáo hạn, dòng tiền đổ vào hợp đồng lai chỉ số VN30 đáo hạn tháng 10 (mã VN30F1710) tăng dần.

Diễn biến giao dịch VN30F1710 trong tuần qua

Ngày
Giá đóng cửa
Khối lượng khớp
VN30
Khối lượng hợp đồng mở (OI)

18/9

790,6

267

793,7

584

19/9

792,4

596

792,68

858

20/9

789,8

984

790,48

1.285

21/9

786

2.573

786,41

1.935

22/9

785,6

6.515

789,7

2.830

Phiên cuối tuần qua (22/9), OI của VN30F1710 đạt 2.830 hợp đồng, cao hơn mức cao nhất trong lịch sử của hợp đồng VN30F1709. Thanh khoản tăng cao khi có 6.515 hợp đồng được giao dịch.

OI là khối lượng chứng khoán phái sinh đang còn lưu hành tại thời điểm đó, chưa được thanh lý hoặc chưa được tất toán.

OI càng cao thì mức độ thanh khoản của hợp đồng tương lai càng lớn, được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Các hợp đồng có kỳ hạn gần nhất có OI cao và gần đến ngày đáo hạn thì OI giảm dần, do nhà đầu tư có xu hướng tất toán hợp đồng trước ngày đáo hạn.

Ngoài ra, OI là thước đo dòng tiền chảy vào thị trường, OI tăng cho thấy nguồn tiền mới được thêm vào thị trường và ngược lại. Về lý thuyết cũng như kinh nghiệm tại thị trường phái sinh nước ngoài, OI có thể báo hiệu xu hướng giá; khi OI tăng, nhiều khả năng giá sẽ tăng và ngược lại.

Tuy nhiên, với thị trường còn mới như Việt Nam, lý thuyết trên khó áp dụng vào thực tế, đặc biệt là trong giai đoạn hợp đồng có tháng đáo hạn gần nhất tiến đến phiên giao dịch cuối cùng (phiên thứ Năm thứ ba của tháng đáo hạn).

Nhìn lại giao dịch của hợp đồng đáo hạn tháng 9 (VN30F1709) cho thấy, khi hợp đồng đáo hạn tháng 8 (VN30F1708) kết thúc phiên giao dịch cuối cùng vào ngày 17/8, thanh khoản cũng như khối lượng mở của VN30F1709 tăng lên, nhưng giá lại có xu hướng giảm.

Diễn biến giao dịch VN30F1709 sau khi VN30F1708 đáo hạn ngày 17/8

Ngày
Giá đóng cửa
Khối lượng khớp
VN30
Khối lượng hợp đồng mở (OI)

17/8

745

805

743,2

678

18/8

742,9

2.490

744,3

1.203

21/8

741,8

2.601

743,66

1.413

22/8

738,7

3.128

738,2

1.739

23/8

738,8

5.824

743,1

1.928

Thực tế cho thấy, diễn biến giá hợp đồng tương lai biến động cùng chiều với chỉ số cơ sở VN30. Chỉ cần VN30 tăng thì tất cả 4 loại hợp đồng với các tháng đáo hạn gần hay xa (tháng hiện tại, tháng kế tiếp và 2 tháng cuối 2 quý gần nhất) gần như đều tăng giá và ngược lại.

Do đó, trong giai đoạn hiện tại, để kiếm lời trên thị trường chứng khoán phái sinh, chỉ cần dự đoán đúng diễn biến VN30. Thông thường, dự đoán diễn biến trong một vài phiên dễ hơn là dự đoán trong thời gian dài. Do đó, nhà đầu tư thường “lướt sóng”, mua bán hôm nay, hôm sau thấy lãi là tất toán hợp đồng liền.

Cụ thể, mua hợp đồng tương lai (vị thế mua) khi dự báo VN30 tăng và bán hợp đồng tương lai (vị thế bán) khi dự báo VN30 giảm. Khi VN30 diễn biến đúng như dự báo, nhà đầu tư sẽ thực hiện giao dịch ngược với giao dịch ban đầu để đóng vị thế (tất toán hợp đồng).

Đây là lợi thế lớn nhất của giao dịch T+1 trên thị trường phái sinh so với giao dịch cổ phiếu trên thị trường cơ sở.

Để tăng khả năng thu lợi nhuận, nhiều nhà đầu tư giao dịch phái sinh “canh” thời điểm mua bán trong phiên, tương tự như trên thị trường cơ sở. Bởi lẽ, giá hợp đồng phái sinh dao động trong phiên với biên độ không nhỏ, nếu thực hiện giao dịch ở mức giá tốt trong phiên, thì cuối phiên đã thấy ngay tiền lãi chảy vào tài khoản.

Với mỗi điểm chênh giá, nhà đầu tư sẽ lãi 100.000 đồng/hợp đồng (so với mức tiền đầu tư khoảng 10 triệu đồng để ký quỹ).

Chẳng hạn, phiên giao dịch ngày 18/9, hợp đồng đáo hạn tháng 9 có mức chênh giữa giá cao nhất và thấp nhất là 8 điểm, giá đóng cửa cao hơn mức giá thấp nhất là 6,7 điểm. Mua được ở vùng giá thấp trong phiên, nhà đầu tư đã lãi ngay khoảng 600.000 đồng/hợp đồng. Tất nhiên, bên mua lãi, còn bên bán lỗ.

Hiện tại, cả bên mua và bên bán đều có vẻ thận trọng, khi VN30 trong tuần qua có 3 phiên giảm điểm giữa tuần. Phiên cuối tuần, chỉ số VN30 tăng, nhưng số lượng và khối lượng đặt lệnh giao dịch giảm.

Diễn biến VN30 và quy mô đặt lệnh trong tuần qua

Ngày

VN30

Đặt mua

Đặt bán

Số lệnh

Khối lượng

Số lệnh

Khối lượng

15/9

789,49

3.158

12.936

3.034

13.095

18/9

793,7

2.983

12.455

2.792

10.976

19/9

792,68

3.189

12.839

3.076

13.098

20/9

790,48

3.753

14.094

3.622

13.254

21/9

786,41

3.399

12.218

3.444

12.965

22/9

789,7

2.939

11.618

3.015

10.968

Đáng chú ý, VN30 tăng 3,29 điểm, đạt 789,7 điểm, nhưng giá của hợp đồng đáo hạn tháng 10, tháng 12/2017 và tháng 3/2017 đều giảm, mức giá hiện tại lần lượt là 785,6 điểm, 793,8 điểm, 797,9 điểm.

Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 12 không có giao dịch trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, mức giá giao dịch gần nhất là 793,1 điểm, thấp hơn mức giá thanh toán.

Diễn biến này cho thấy, trong bối cảnh VN30 đang ở vùng điểm cao, bên bán (tức kỳ vọng chỉ số sẽ giảm) có phần nhỉnh hơn bên mua (kỳ vọng chỉ số sẽ tăng).

Diễn biến VN30 trong 3 tháng qua

Hợp đồng phái sinh tháng 10 đón dòng tiền lớn ảnh 1

Tin bài liên quan