Quý I, “điểm sáng” lợi nhuận được kỳ vọng sẽ đến từ một số doanh nghiệp trong ngành ngân hàng, xây dựng…

Quý I, “điểm sáng” lợi nhuận được kỳ vọng sẽ đến từ một số doanh nghiệp trong ngành ngân hàng, xây dựng…

Hồi hộp “đón” lợi nhuận quý I

(ĐTCK) Một số thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2018 đang dần được các doanh nghiệp công bố và bước đầu cho thấy một bức tranh đa sắc màu.

Điểm sáng lợi nhuận quý I

Quý I, “điểm sáng” lợi nhuận được kỳ vọng sẽ đến từ một số doanh nghiệp trong ngành ngân hàng, xây dựng…, bởi đây là những ngành hưởng lợi trực tiếp theo chu kỳ tăng trưởng của nền kinh tế. 

Ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) cho biết, kết thúc quý I/2018, HDC đạt doanh thu 250 tỷ đồng và lợi nhuận ước đạt trên 30 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu và lợi nhuận trong quý chủ yếu đến từ Khu đô thị Phước Mỹ và Chung cư Bình Giá. Theo kế hoạch, HDC sẽ bán toàn bộ căn hộ thuộc dự án Chung cư Bình Giá trong quý II/2018 và dự kiến doanh thu từ dự án này sẽ được hạch toán hết trong năm 2018.

Tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, HDC đã thông qua kế hoạch năm 2018 với tổng doanh thu đạt 700 tỷ đồng, tăng 31% và lợi nhuận sau thuế 104 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2017. Trong năm nay, Công ty sẽ tập trung triển khai Dự án căn hộ du lịch và khách sạn Fusion Suit (số 2 Trương Công Định, TP. Vũng Tàu), hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công Dự án Eco Town Phú Mỹ, Dự án nhà ở Phú Mỹ, xây dựng hạ tầng tại Dự án Khu biệt thự đồi Ngọc Tước 2…

Riêng đối với Dự án Vũng Tàu Wonderland, quy mô 234 ha, Công ty sẽ tiếp tục triển khai sau khi Chính phủ hoàn tất quy hoạch 1/10.000. HDC đặt mục tiêu đến năm 2020, doanh thu của Công ty sẽ đạt 1.178 tỷ đồng và lợi nhuận ước tính 250 tỷ đồng.

Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội mới đây, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO) cho biết, lợi nhuận quý I/2018 sau thuế hợp nhất của Công ty đạt 74 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2017. CEO đặt kế hoạch năm 2018 doanh thu hợp nhất 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 370 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietinbank, doanh thu và lợi nhuận của CEO năm 2018 sẽ đến từ 2 mảng chính, đó là hoạt động cung cấp dịch vụ (chiếm 26% lợi nhuận gộp) và kinh doanh bất động sản (chiếm 74% lợi nhuận gộp).

Tại Công ty cổ phần Đầu tư LDG, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, lợi nhuận quý I/2018 dự kiến không có nhiều đột biến nhưng Công ty tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch 550 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2018 mà Đại hội đã thông qua. LDG đang đầu tư mua thêm hơn 25 ha đất tại TP.HCM thông qua việc M&A nhiều dự án để lập quỹ đất phát triển trong tương lai.

Trong năm 2018, ngoài các dự án đang triển khai, LDG sẽ tập trung đầu tư phát triển dòng căn hộ thông minh tại TP.HCM. Theo ông Hưng, các doanh nghiệp bất động sản nói chung thường hoạt động theo tính thời vụ nên lợi nhuận sẽ tập trung vào các quý cuối năm.

Một doanh nghiệp bất động sản khác cũng dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2018 là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG), với nguồn thu chủ yếu đến từ bàn giao và ghi nhận doanh thu từ Dự án Hado Centrosa.

Lãnh đạo HDG cho biết, Công ty ước tính doanh thu từ bàn giao tòa Orchid khoảng 2.000 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp 35%. Cùng với đó, Dự án HaDo Riverside và 4-6 căn biệt thự còn lại của Villa Sư Vạn Hạnh sẽ đóng góp khoảng 300 tỷ đồng doanh thu trong năm 2018.

Lãnh đạo HDG ước tính sẽ đạt từ 800 - 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2018. Hiện nay, HDG đang có 7 dự án bao gồm Hà Đô Centrosa, Garden Villas, Ha Do Quận 12, Dragon City, Garden Home Quận 9, Bảo Đại Villa, Bình An Riverside và bất động sản vẫn sẽ là mảng kinh doanh đóng góp lớn về dòng tiền cũng như lợi nhuận cho HDG trong giai đoạn 2018 - 2020.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), bên cạnh Hà Đô Centrosa, HDG còn quỹ đất tốt để kinh doanh như Khu đô thị Dragon City, Bình An Riverside Quận 8, Dự án Nongtha Lào, khu nhà ở hỗn hợp 47 tầng thuộc Khu đô thị Dịch Vọng… Các dự án này sẽ mở bán phần lớn trong năm 2018 và lợi nhuận ghi nhận trong giai đoạn 2019 - 2021.

Với nhóm ngân hàng, tiếp nối đà tăng của giá cổ phiếu, quý I/2018, nhóm ngân hàng vẫn đang giữ được “phong độ” tăng trưởng về lợi nhuận. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng Quân đội (MB) mới đây, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB ước tính, doanh thu quý I/2018 của Ngân hàng đạt khoảng 3.500 - 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận tối thiểu 1.600 tỷ đồng. Với kết quả này, các chỉ tiêu trong quý I của MB đều tăng trưởng tối thiểu 35% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2018, MBB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 6.800 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước; trong đó, riêng ngân hàng mẹ là 6.500 tỷ đồng, tăng 21%. Theo lãnh đạo MBB, kế hoạch này chưa tính đến các thu nhập từ hoạt động thoái vốn tại MBLand trong năm 2018.

Một số ngân hàng đã công bố lợi nhuận quý I/2018 với những con số khá lạc quan như Ngân hàng Quốc tế (VIB) ước đạt 500 tỷ đồng; Ngân hàng LienvietPostbank đạt 500 tỷ đồng... Các con số này đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2017.

“Xám” hiện tại, có “sáng” tương lai?

Lợi nhuận của các doanh nghiệp không chỉ phân hóa theo ngành, mà bản thân trong mỗi ngành, giữa các doanh nghiệp cũng có sự phân hóa mạnh. Khác với sự khởi sắc của ngành thủy sản, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF) ghi nhận lỗ 97 tỷ đồng quý I/2018. Theo lãnh đạo AGF, lợi nhuận quý II/2018 cũng chưa mấy sáng sủa (AGF áp dụng niên độ tài chính từ ngày 1/10 và kết thúc vào ngày 30/9 năm sau).

Ông Võ Thành Thông, thành viên Hội đồng quản trị AGF cho biết, Công ty đã quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh niên độ 2017 - 2018. Theo đó, chỉ tiêu doanh thu điều chỉnh giảm từ 2.300 tỷ đồng xuống 1.800 tỷ đồng, tức giảm 28% so với kế hoạch đề ra trước đó; lợi nhuận điều chỉnh từ 50 tỷ đồng về bằng 0.

Hồi hộp “đón” lợi nhuận quý I ảnh 2

 Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là một trong những lý do khiến lĩnh vực chế biến, xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo kế hoạch sau điều chỉnh, AGF sẽ giảm 43,3% sản lượng cá tra fillet xuất khẩu xuống còn 17.000 tấn, nhưng tăng sản lượng tiêu thụ nội địa từ 2.600 tấn lên 11.000 tấn, tức tăng hơn 4 lần so với kế hoạch trước đó. Trong khi đó, chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu điều chỉnh từ 60.000 USD về mức 51.000 USD. Bên cạnh đó, AGF sẽ duy trì xuất siêu ở mức 48 triệu USD.

Tại Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG), doanh nghiệp mắc lỗ lũy kế gần 424 tỷ đồng lại đặt kỳ vọng trong năm 2018 sẽ xóa được hết lỗ lũy kế và tiến đến có lãi. HVG đặt mục tiêu doanh số toàn Tập đoàn năm 2018 sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng từ xuất khẩu, kinh doanh nông sản nội địa và thoái vốn đầu tư, đồng thời kim ngạch xuất khẩu năm 2018 sẽ đạt khoảng 300 triệu USD, lợi nhuận trước thuế ước đạt 800 tỷ đồng.

HVG có 24 công ty con và đang mở đầu tư mở rộng gần 700 ha diện tích vùng nuôi cá và hơn 600 ha diện tích vùng nuôi tôm, chiếm 26% tổng diện tích nuôi trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài mảng thức ăn thủy sản, Hùng Vương cũng đầu tư Nhà máy Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng Long An để phục vụ nhu cầu các trại heo giống tại An Giang.

Theo kế hoạch, đến năm 2019, HVG sẽ đầu tư tiếp Nhà máy Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng Bình Định tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định…

Kết quả cần phải chờ thêm thời gian, nhất là Công ty đang ở giai đoạn tập trung tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư. Tuy vậy, cổ đông HVG có phần “hoài nghi” về kế hoạch của HVG bởi năm 2017 Công ty cũng đặt mục tiêu lãi 400 tỷ đồng nhưng cuối cùng vẫn thua lỗ.

Ở ngành dầu khí, tâm điểm là Công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) khi giá cổ phiếu của PVD đã có sự hồi phục trở lại sau thời gian chạm đáy. Chưa có con số cụ thể, nhưng chia sẻ từ lãnh đạo PVD cho biết, kết quả kinh doanh quý I/2018 cũng đương đương với quý I/2017 (trong khi quý I/2017, PVD lỗ gần 200 tỷ đồng).

Cũng theo đại diện PVD, kết quả kinh doanh của PVD chưa khởi sắc trong năm 2018 do giá thuê giàn khoan vẫn đang ở mức thấp (dưới giá vốn), giá cho thuê các giàn khoan của PVD đều đã được cố định đến hết quý II và không có nhiều biến động so với năm 2017.

Chính vì vậy, không ngạc nhiên với dự báo hoạt động kinh doanh chính của PVD vẫn sẽ ghi nhận lỗ trong cả năm 2018 (năm 2017, PVD lỗ hơn 471 tỷ đồng từ hoạt động chính, lãi chủ yếu là nhờ khoản hoàn nhập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ 622 tỷ đồng).

Tại Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PSX), lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, lợi nhuận quý I/2018 dự báo không mấy khả quan do đang ở mùa “thấp điểm”. PXS mới đây cũng “gây sốc” với cổ đông khi công bố kết quả quý IV/2017 với khoản lỗ lên tới 33 tỷ đồng, trong khi quý IV năm trước lãi 4,6 tỷ đồng.

Kết quả này đã khiến cho lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 của PXS chỉ còn 1,6 tỷ đồng, tức giảm 98% so với năm 2016. Cổ đồng PXS lo ngại về tình trạng “no dồn, đói góp”, bởi hiện tại, các hợp đồng lớn đã kết thúc và nghiệm thu bàn giao, trong khi Công ty đang đứng trước áp lực tìm kiếm hợp đồng mới.

Tin bài liên quan