Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông “2 trong 1” gây xôn xao toàn 
xã hội

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông “2 trong 1” gây xôn xao toàn xã hội

Học sàn chứng khoán cách giải bài toán xét tuyển đại học

(ĐTCK) Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cải cách kỳ thi đại học, cao đẳng bằng cách hợp nhất với kỳ thi tốt nghiệp THPT thành kỳ thi THPT quốc gia.

Thí sinh sau khi có kết quả kỳ thi quốc gia sẽ được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Thực tế cho thấy, có nhiều bất cập trong công tác xét tuyển khiến phụ huynh và các em học sinh mệt mỏi, bức xúc. Ngành giáo dục có thể học ngành chứng khoán khi đã giải được bài toán tương tự.

Thí sinh mở tài khoản và xét tuyển trực tuyến

Theo quy định, sau khi có kết quả kỳ thi quốc gia, các thí sinh làm một bộ hồ sơ nộp trực tiếp cho một trường đại học mà các em kỳ vọng vào được, hoặc nộp gián tiếp qua sở giáo dục và đào tạo nếu ở tỉnh khác. Thực tế, đa phần các em nộp trực tiếp vì thời gian nước sôi lửa bỏng thế này, ai lại đưa cho một “ông” trung gian làm thủ tục gửi qua bưu điện.

Sau khi nộp hồ sơ, đợi xét tuyển đợt 1 là 20 ngày, các em mới biết có đỗ hay không, nếu không đỗ thì những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển phải rút hồ sơ ra để nộp vào trường khác. Bi hài là chỗ rút hồ sơ này, cả ngàn em trong 1 - 2 ngày đồng loạt rút thì cảnh đông đúc, lộn xộn, bức xúc, căng thẳng, mệt mỏi là không tránh khỏi.

Có gia đình thí sinh Nghệ An thuê xe cấp cứu chạy hết tốc lực ra Hà Nội để kịp thời gian rút - nộp hồ sơ, không ít gia đình cử 3 - 4 người túc trực tại các trường khác nhau, điện thoại liên hồi hỏi về tình hình bảng điện tử xét tuyển đang “nhảy” đến đâu, vị trí của con mình ra sao để có giải pháp ứng phó kịp thời. Có thể nói,  khâu rút và nộp hồ sơ trong ngày cuối là “ác mộng ban ngày” đối với nhiều thí sinh.

Câu hỏi đặt ra là các em học sinh mới chỉ có điểm, đang dự xét tuyển thì cần gì phải nộp hồ sơ cho nhà trường để rồi nhiều em phải mất công rút ra? Hay không cần lấy lại hồ sơ, mà làm bộ khác để sang trường khác nộp có được không, thế có phải nhanh hơn không? Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra quy định này vì lo ngại tình trạng thí sinh “ảo”, nghĩa là cùng một thí sinh nhưng nộp hồ sơ nhiều trường.

Vậy phải làm thế nào để thí sinh các tỉnh, thành xa xôi không phải ra tận Hà Nội nộp, rút hồ sơ, cũng như tránh được tình trạng thí sinh ảo? Câu trả lời là tư duy dám thay đổi và đầu tư công nghệ. Sàn chứng khoán dăm năm về trước cũng vậy thôi, đông nghẹt người, cũng bức xúc, mệt mỏi vì luôn tắc lệnh, có NĐT phải “đặt gạch xếp hàng” gửi cho môi giới chứng khoán lệnh giao dịch từ chiều hôm trước.

Nếu ai đã từng đầu tư chứng khoán những năm 2006 - 2007 hẳn sẽ rất bức xúc với việc nhập lệnh của các CTCK. Lệnh luôn rất chậm, đôi khi mất cả giờ mà lệnh vẫn chưa được nhập vào sàn giao dịch, mua không được và bán cũng không xong.

Nguyên nhân là hồi đó chưa có giao dịch trực tuyến, NĐT phải đặt lệnh tại các CTCK, CTCK chuyển lệnh tới đại diện của họ tại sàn và các đại diện này gõ từng lệnh của NĐT vào sàn.

Một người dù đánh máy nhanh đến mấy thì 1 phút cũng chỉ được vài lệnh, vậy cả ngàn NĐT đặt lệnh thì các đại diện này nhập lệnh không xuể nên có nhiều trường hợp bi hài xảy ra như: NĐT bán giá sàn thì khớp được giá trần vì lệnh cả tiếng sau mới vào sàn, lúc đó thị trường phục hồi; giá đang trần nhưng môi giới khuyên đặt bán giá sàn bởi sẽ được ưu tiên khớp trước, kết quả khớp giá sàn thật vì lệnh cả tiếng sau mới vào sàn và lúc đó thị trường đảo chiều; hủy lệnh còn gian nan hơn vì bản thân các môi giới cũng không biết lệnh đã vào sàn hay chưa mà hủy.

Tình trạng này chấm dứt khi có giao dịch trực tuyến, các sở giao dịch đầu tư vào công nghệ, các CTCK cũng đầu tư mạnh vào công nghệ và phần mềm.

Kể từ khi triển khai giao dịch trực tuyến, hàng ngàn lệnh được xử lý trong 1 giây, không còn ai còn kêu ca về lệnh bị chậm nữa. Sàn chứng khoán cũng vắng tanh, mặc dù số lượng doanh nghiệp niêm yết, NĐT ngày càng tăng.

Bây giờ, NĐT ngồi ở nhà hay ở cơ quan, hoặc ở bất kỳ đâu cũng đặt được lệnh, miễn là có máy tính/điện thoại kết nối Internet, thì lên sàn để làm gì ngoài tán gẫu với vài NĐT rỗi rãi khác?

Xét tuyển đại học cũng có thể áp dụng công nghệ như vậy, thậm chí còn đơn giản vì quy mô nhỏ và không có áp lực nếu biết cách làm, cách tổ chức thực hiện.

Về quy mô, chứng khoán giao dịch cả tuần, mỗi năm có khoảng 250 phiên giao dịch từ sáng đến chiều, phiên nào cũng có khối lượng cả trăm triệu cổ phiếu, giá trị ngàn tỷ đồng trở lên; số lượng NĐT lên tới cả triệu, chưa kể NĐT nước ngoài, các quỹ đầu tư xuyên quốc gia. Khi tham gia đầu tư, NĐT chứng khoán phải tìm hiểu về hàng trăm doanh nghiệp, đánh giá các thông tin về doanh nghiệp cũng như kinh tế vĩ mô, các sự kiện quốc tế liên quan, chịu áp lực cao khi chốt lời, cắt lỗ…

Trong khi đó, việc xét tuyển đại học cả năm chỉ có 3 đợt, tập trung chủ yếu vào đợt 1; học sinh có điểm cố định rồi, việc còn lại là xem xét trường nào có điểm chuẩn phù hợp.

Các em không phải nghiên cứu một loạt chỉ số “đau đầu” như NĐT chứng khoán, điểm chỉ có một loại, chỉ cần đăng ký vào một trường, không đỗ mới hủy để đăng ký trường khác.

Không như NĐT chứng khoán có thể đặt nhiều mức giá (trong biên độ), mua bán khối lượng lớn nhằm tạo cung cầu ảo, “làm giá” cổ phiếu, các thí sinh chỉ có một điểm trong tay và cũng chỉ cần một chỉ tiêu, nên không thể thao túng hay “làm điểm” được.

Vấn đề là làm thế nào để tránh việc thí sinh đặt nhiều “lệnh” vào nhiều trường cùng một thời điểm, tạo cung cầu ảo? Rất đơn giản, khi đăng ký xét tuyển tại các Sở giáo dục địa phương, mỗi thí sinh được cấp một mã tài khoản khác nhau, ví dụ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có thể là HN-HK-012345, ở Vinh - Nghệ An có thể là NA-VI-056789; mạng của các sở giáo dục được kết nối với trường đại học, với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hệ thống mạng trực tuyến cần quy định, chỉ cho phép các thí sinh được đăng ký vào một trường trong đợt 1. Nếu không đáp ứng được điểm số của trường thì các em hủy việc đăng ký này để đăng ký vào trường khác, nếu không hủy sẽ không đăng ký trường khác được.

Như vậy, việc các em học sinh chỉ được cấp 1 quyền đăng ký vào 1 trường, đồng nghĩa các em không thể cùng lúc đăng ký nhiều trường khác nhau, tránh tạo ra cung cầu ảo. Còn việc đăng ký trực tuyến giúp các em và phụ huynh không phải vượt hàng trăm cây số lên Hà Nội nộp, rút hồ sơ, chỉ cần ở nhà hoặc ra các điểm có kết nối Internet để đăng ký hoặc hủy đăng ký.

Ngoài ra, phần mềm xét tuyển nên thiết kế riêng phần điểm ưu tiên để thuận tiện cho thí sinh, tránh tình trạng hiện nay, đợt 1 xong rồi nhưng một số em chưa chắc mình đỗ, vì những thí sinh khu vực miền núi, hải đảo, con em thương binh, liệt sĩ sẽ được cộng thêm điểm ưu tiên, “đánh bật” mình ra.

Khi thí sinh truy cập vào hệ thống mạng để xét tuyển, với các em miền núi hay con thương binh, liệt sĩ, phần mềm sẽ tự cộng điểm. Ví dụ, em A ở Cao Bằng có bố là liệt sĩ, phần mềm sau khi em A khai báo sẽ tự động cộng điểm cho em này để em tiến hành công tác “đặt lệnh” tuyển sinh.

Có thể “khớp lệnh liên tục” như chứng khoán

Nếu vận hành hệ thống tuyển sinh qua mạng nêu trên, một năm xét tuyển tối đa 3 đợt, chủ yếu là đợt 1, thời gian mỗi đợt kéo dài từ 3 - 5 ngày là đủ, càng kéo dài thì thí sinh sẽ càng đợi đến phút chót mới quyết định.

Như hiện nay, hết đợt 3 là ngày 15/10, vậy để các em nhập học, làm thủ tục thì bắt đầu vào học chắc cũng gần hết năm! Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường nên nghiên cứu phương án để khuyến khích các em “đặt lệnh” tuyển sinh nhanh hơn.

Ví như khớp lệnh liên tục của chứng khoán, khi thấy lệnh mua giá trần, NĐT khác muốn bán giá trần là hai bên khớp luôn, không cần đến khi kết thúc phiên. Tuyển sinh cũng vậy, khi điểm chuẩn của trường các năm trước trung bình cao nhất là 27,75 điểm, vậy có thí sinh điểm 28, 29, 30 đặt lệnh, các trường nên “khớp” luôn, không cần chờ kết thúc đợt.

Làm như vậy, trường vừa nhanh chân thu hút được học sinh giỏi, vừa khuyến khích các em đặt lệnh sớm, nếu cùng điểm số thì thí sinh đặt lệnh trước sẽ được ưu tiên xét tuyển trước. Các trường cũng nên tự đặt ra điểm sàn cho chính mình, như Y, Ngoại thương là 20 điểm chẳng hạn, tránh những thí sinh 15, 17 điểm đặt lệnh vào cho mất công.

Do chỉ có 3 đợt xét tuyển trong 1 năm nên Bộ, các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học có thể lựa chọn phương án đầu tư hoặc đi thuê, điều này tương tự như một doanh nghiệp cả năm tổ chức một ngày lễ kỷ niệm thành lập, thay vì đầu tư và “nuôi” cả một ban bệ, họ chỉ cần thuê một công ty tổ chức sự kiện, vừa tiết kiệm, vừa chuyên nghiệp. Đơn vị nào có thể đáp ứng được yêu cầu? Đó là FPT và Viettel, những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin hàng đầu của nước ta.

Câu hỏi tiếp theo, ngân sách ở đâu ra? Theo dự toán chi ngân sách năm 2015 của Chính phủ, chi cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, dạy nghề là 184.070 tỷ đồng, tổng nguồn lực chi cho lĩnh vực này chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước, đảm bảo tỷ lệ theo Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội.

Có thể nói, chúng ta có nguồn lực để thực hiện. So với chương trình cải cách sách giáo khoa một thời gian gây ầm ĩ vì dự toán kinh phí lên tới nhiều ngàn tỷ đồng, hay một số địa phương dự kiến chi cả ngàn tỷ đồng xây dựng tượng đài, chi gần trăm tỷ chỉ để chặt và trồng cây mới trên vài tuyến phố…, thì việc đầu tư hệ thống công nghệ tuyển sinh nêu trên, dùng nhiều năm, giảm bớt gánh nặng cho người dân, tiết kiệm thời gian, chi phí cho tất cả các đối tượng tham gia là việc rất nên làm. Trong khi đó, Đảng và Chính phủ luôn tạo điều kiện tối đa cho ngành giáo dục.