TTCK Việt Nam được khuyến nghị cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm đầu tư

TTCK Việt Nam được khuyến nghị cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm đầu tư

Học người Nhật cách vượt qua khủng hoảng tài chính

(ĐTCK) Từ kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng tài chính của Nhật Bản, ông Kiyoshi Hosomizo, Chủ tịch Cơ quan các dịch vụ tài chính Nhật Bản chia sẻ: do nền kinh tế và DN Nhật Bản từng quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, nên gây ra những bất lợi, rủi ro lớn cho nền kinh tế. Bằng cách thúc đẩy phát triển thị trường vốn, TTCK, Nhật Bản đã xử lý hiệu quả rủi ro này.

Mối họa do quá phụ thuộc vốn ngân hàng

Tại Hội nghị sáng kiến quản trị công ty Đông Nam Á lần thứ 2 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phối hợp với OECD tổ chức ngày 12 - 13/5, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học về xây dựng khung pháp lý, cũng như thực tế áp dụng quản trị công ty (QTCT) tại nhiều quốc gia, nhằm thúc đẩy thị trường tài chính, TTCK phát triển.

Trong số này, kinh nghiệm đáng chú ý được ông Kiyoshi Hosomizo chia sẻ tại hội nghị rất đáng cho Việt Nam học hỏi và áp dụng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính, ngân hàng.

“Giống như đa phần các nước châu Á khác, tại Nhật Bản, ngân hàng là nơi cung cấp vốn chính cho nền kinh tế và DN. Chính đặc thù này khiến cho Nhật Bản đối mặt với nhiều khó khăn khi phải vượt qua cuộc khủng tài chính diễn ra cách đây gần 20 năm...”, ông Kiyoshi Hosomizo nói và chia sẻ thêm, bài học quan trọng mà Nhật Bản rút ra và đang áp dụng thành công là cần phải giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế và DN vào nguồn vốn ngân hàng bằng cách liên tục đưa ra và áp dụng các sáng kiến thúc đẩy thị trường vốn, TTCK phát triển, để cung cấp vốn trực tiếp cho các DN. Thúc đẩy thị trường vốn phát triển là một trong những trụ cột ưu tiên mà Chính phủ Nhật Bản đang theo đuổi nhằm hiện thực hóa chiến lược phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chia sẻ chi tiết hơn về mối họa mà Nhật Bản phải đối mặt khi nền kinh tế và DN quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, ông Kiyoshi Hosomizo cho biết, khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra ở Nhật Bản cách đây 20 năm, bong bóng tài sản và nợ xấu tăng cao khiến cho 180 ngân hàng và tổ chức tài chính ở Nhật Bản phải gánh chịu những hệ lụy tiêu cực.

Nhật Bản đã mất không dưới 15 năm để xử lý tình trạng nợ xấu, do ở thời điểm đó, Chính phủ Nhật Bản không đủ nhanh để đưa ra các giải pháp xử lý hiệu quả. Tuy nhiên, khiếm khuyết này đã được khắc phục khi sau đó Chính phủ Nhật Bản đã đưa các khoản nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng, đồng thời bơm vốn cho các ngân hàng khó khăn về thanh khoản nhằm dần lành mạnh hóa năng lực tài chính. Kèm theo đó là yêu cầu các ngân hàng tăng vốn.

Các quỹ đại chúng có thể được tham gia bơm vốn vào các ngân hàng mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết nợ xấu nếu cần.

“Những gì Việt Nam nên thực hiện là cần thúc đẩy phát triển hơn nữa thị trường vốn, TTCK theo hướng lành mạnh, để giảm thiểu rủi ro do nền kinh tế và DN quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Khi đó, các DN sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn trực tiếp từ các NĐT, thay vì phải tìm đến nguốn vốn gián tiếp tại các ngân hàng”, ông Kiyoshi Hosomizo khuyến nghị và chia sẻ thêm, việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn sẽ giảm thiểu rủi ro cho khu vực ngân hàng, cũng như nền kinh tế, vì rủi ro này được phân tán cho nhiều NĐT tham gia thị trường vốn.

Điều này cũng đáp ứng nhu cầu từ phía NĐT, bởi thúc đẩy TTCK phát triển đồng nghĩa với việc cung cấp cho họ các sản phẩm mới để phân bổ tài sản đầu tư, quản lý quỹ, chứ không chỉ là các khoản tiền gửi vào ngân hàng với lợi tức thấp. 

Thúc đẩy TTCK phát triển, 3 sáng kiến của Nhật Bản

Để thúc đẩy thị trường tài chính, TTCK phát triển, ông Kiyoshi Hosomizo cho biết, Nhật Bản đã và đang áp dụng 3 sáng kiến.

Thứ nhất là huy động nguồn tiền tiết kiệm của các gia đình đầu tư vào TTCK, thông qua ưu đãi thuế cho phần cổ tức mà NĐT nhận được khi đầu tư vào cổ phiếu, các quỹ tín thác.

Thứ hai, Nhật Bản chú trọng áp dụng các chuẩn mực QTCT với hai “bánh xe” đưa cỗ máy DN phát triển lành mạnh là áp dụng các quy tắc giám sát DN và quy tắc về QTCT. Với bánh xe đầu tiên, Nhật Bản đưa ra quy tắc giám sát DN vào tháng 2/2014, với nguyên tắc: các cổ đông lớn trong DN, nhất là các NĐT tổ chức phải có chính sách rõ ràng về thực hiện trách nhiệm giám sát đối với DN và công khai thông tin này.

Định kỳ hàng quý, cơ quan quản lý sẽ cập nhật và công khai các NĐT tổ chức công bố họ đã áp dụng quy tắc giám sát DN hay chưa. Việc áp dụng quy tắc này phải đảm bảo thực chất, không hình thức. Đến tháng 2/2015, 184 NĐT tổ chức ở Nhật Bản đã công bố thực thi theo quy tắc này.

Với bánh xe thứ hai là quy tắc QTCT, các DN phải đảm bảo quyền và đối xử công bằng cho cổ đông trong mối quan hệ với các bên có liên quan, chứ không chỉ với các cổ đông với nhau; phải công bố thông tin kịp thời; xác định rõ vai trò của HĐQT trong thúc đẩy đối thoại với các cổ đông.

“Chúng tôi không có ý định ép buộc DN phải tuân thủ hoàn toàn những yêu cầu trên, mà áp dụng theo nguyên tắc tuân thủ hoặc giải thích. Nghĩa là DN nào không tuân thủ nguyên tắc trên, thì phải có nghĩa vụ giải thích rõ lý do vì sao…”, ông Kiyoshi Hosomizo cho biết.

Thứ ba, để hỗ trợ thị trường vốn, TTCK phát triển hiệu quả hơn, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy tăng cường phối hợp giám sát thị trường tài chính với các cơ quan giám sát thị trường tài chính trong khu vực châu Á.

Theo đánh giá của UBCK, các DN hiện còn nhiều thiếu sót trong tuân thủ các quy định về quản trị công ty, việc tham gia của các cổ đông trong quá trình cải thiện chất lượng quản trị công ty còn yếu.

Hội nghị sáng kiến quản trị công ty Đông Nam Á lần thứ 2, diễn ra trong hai ngày 12 -13/5 bao gồm 7 phiên thảo luận. Trong đó, tập trung vào các nội dung: thảo luận và xác định các phản hồi chính sách đối với sự tham gia của cổ đông, quản trị công ty tại DNNN, việc cưỡng chế thực thi các tiêu chuẩn quản trị công ty tại Việt Nam; thảo luận về tình hình hội nhập của các nước ASEAN, nhất là về lộ trình hội nhập thị trường vốn, những biện pháp để giảm bớt khoảng cách phát triển giữa các nước.

“Quản trị công ty tốt phải được thúc đẩy ở tất cả các lĩnh vực”

Học người Nhật cách vượt qua khủng hoảng tài chính ảnh 1

Chủ tịch UBCK Vũ Bằng

Đối với Việt Nam, yêu cầu hình thành nền tảng QTCT tốt đang cấp bách và phải được thúc đẩy ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, không chỉ là thị trường vốn, bởi đang đẩy mạnh cải cách DNNN và nhanh chóng, chủ động tham gia hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Nhận thức được tầm quan trọng của QTCT tốt đối với nền kinh tế nói chung, phát triển ổn định, hiệu quả của TTCK nói riêng, ngay từ khi thành lập thị trường, UBCK đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền, phổ biến kiến thức, xây dựng khung pháp lý, tạo nền tảng cho việc tiếp thu và áp dụng các thông lệ tốt nhất về QTCT tại Việt Nam. Đặc biệt là việc áp dụng các nguyên tắc tốt nhất về QTCT theo tiêu chuẩn của OECD cho công ty niêm yết, công ty đại chúng…

Kết quả đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy, Việt Nam có tiến bộ về QTCT, nhưng cần thực thi các biện pháp mạnh mẽ hơn để nâng cao nền tảng QTCT. Ngoài hệ thống pháp luật đầy đủ, hình thành nền tảng QTCT tốt và hiệu quả đòi hỏi bản thân từng DN, từng thành viên thị trường phải có kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp và ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của QTCT.

Qua Hội nghị sáng kiến quản trị công ty Đông Nam Á lần thứ 2 do UBCK phối hợp với OECD tổ chức tại Hà Nội, UBCK hy vọng sẽ nhận được những chia sẻ, đóng góp từ các cơ quan quản lý, tổ chức trong nước và quốc tế, các DN, các thành viên thị trường, để hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về QTCT, các chương trình phổ biến kiến thức và thực hành về QTCT áp dụng cho các DN niêm yết và đại chúng ở Việt Nam.

“Quản trị công ty tốt sẽ giúp cổ đông được bảo vệ tốt hơn”

Học người Nhật cách vượt qua khủng hoảng tài chính ảnh 2

Bà Fianna Jurdant, Chuyên gia phân tích chính sách của OECD

QTCT tốt sẽ giúp cổ đông được bảo vệ tốt hơn, đồng thời giúp DN giảm chi phí tiếp cận vốn, tiếp cận NĐT. Chính sách QTCT tốt phải nâng cao được lòng tin trong NĐT. Nhờ đó, chất lượng của QTCT ảnh hưởng tích cực đến DN ở chỗ giúp họ có khả năng tiếp cận các nguồn vốn trên TTCK thuận lợi hơn, đồng thời giúp NĐT tự tin hơn trong tham gia chia sẻ các ý tưởng về phát triển DN bền vững.

Để cải thiện chất lượng QTCT, thông lệ quốc tế tốt chỉ ra rằng, các DN cần chú trọng minh bạch thông tin tài chính, các thông tin này phải luôn sẵn có và đáng tin cậy thông qua DN tự giác tuân thủ đúng các chuẩn mực về kế toán và kiểm toán. Các DN cũng cần công bố thông tin hoạt động, đặc biệt là thông tin tài chính đúng hạn theo luật định, có độ tin cậy cao.

Tin bài liên quan