Học người Anh cách chuẩn bị “tấm lá chắn” cho nhà đầu tư

Học người Anh cách chuẩn bị “tấm lá chắn” cho nhà đầu tư

(ĐTCK) Sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, 51,9% người dân Anh bỏ phiếu đồng tình, khởi động tiến trình Brexit, chính thức đưa nước Anh rời khỏi mái nhà chung Liên minh châu Âu (EU).

Trong bài phát biểu đầu tiên dưới cương vị Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã khẳng định nước Anh sẽ khởi động Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3 năm nay.

Những tác động của Brexit lên nền kinh tế khi nước Anh chính thức rời khỏi EU vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, bất kể những ảnh hưởng này là tích cực hay tiêu cực, không ai có thể phủ định vị thế của Anh trên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh trong vòng hơn 2 thập kỷ qua.

Sự định hình TTCK phái sinh

Chứng khoán phái sinh đã manh nha hình thành từ thời đế chế Roma cổ đại, khi giao thương đường thủy giữa Anh và các quốc gia trên lục địa châu Âu phát triển. Khi đó, thiên tai và nạn cướp biển hoành hành làm hàng hóa dần trở nên khan hiếm, đòi hỏi phải có một loại giao kèo có thể bảo vệ các thương nhân tránh khỏi sự tăng giá hàng hóa.

Loại giao kèo này được hình thành, cho phép các thương gia trao đổi hàng hóa với nhau theo một giá thỏa thuận trước, tại một thời điểm trong tương lai, mà không phụ thuộc vào điều kiện thị trường lúc đó.

Tuy nhiên, phải đến giữa những năm 1980, các công cụ chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng hoán đổi mới trở nên phổ biến. Năm 1982, Sở Giao dịch tài chính quốc tế hợp đồng tương lai và quyền chọn London (LIFFE) chính thức được khánh thành, trở thành sở giao dịch chứng khoán phái sinh tập trung đầu tiên trong lịch sử TTCK Anh.

Học người Anh cách chuẩn bị “tấm lá chắn” cho nhà đầu tư ảnh 1

LIFFE được thiết kế mô phỏng Sàn giao dịch Chicago (CBOT) và Sở Giao dịch hàng hóa Chicago (CME). Trải qua nhiều thương vụ sáp nhập và mua lại, cụ thể với Sở Giao dịch hàng hóa London năm 1996, Euronext năm 2002, Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) năm 2007 và Sở Giao dịch liên lục địa (ICE) năm 2013, cho đến hiện tại, LIFFE chỉ còn được biết đến như một phần danh mục đầu tư chứng khoán phái sinh của Sàn ICE Futures Europe.

Ngoài LIFFE, Sàn giao dịch Baltic (trung tâm giao dịch hợp đồng tương lai vận tải đường thủy) và Sàn giao dịch kim loại London là những sàn giao dịch chứng khoán năng động nhất tại London.

Bên cạnh đó, giao dịch chứng khoán phái sinh còn diễn ra mạnh mẽ trên thị trường phi tập trung (OTC), giữa các định chế tài chính, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm và các công ty phi tài chính.

Theo khảo sát mới nhất vào tháng 4/2016 của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), London giữ vị trí dẫn đầu đối với giao dịch chứng khoán phái sinh tiền tệ (chiếm 36,94% toàn thị trường quốc tế) và đứng thứ hai (38,83%) sau Mỹ trên thị trường phái sinh lãi suất. 

Hiện trạng sử dụng chứng khoán phái sinh tại Anh

Tương tự các thị trường phái sinh khác trên thế giới, nhà đầu tư chứng khoán phái sinh ở Anh chia làm 3 loại: phòng vệ rủi ro, đầu cơ và kinh doanh chênh lệch giá.

Nhà đầu tư phòng vệ rủi ro tham gia hợp đồng phái sinh nhằm bảo vệ mình khỏi những biến đổi bất lợi về giá trị tài sản hoặc nợ của họ. Trái lại, nhà đầu cơ dựa vào những dự đoán về sự biến đổi giá thị trường để kiếm lợi cho mình trên thị trường phái sinh. Còn nhà đầu tư kinh doanh chênh lệch giá là người tận dụng sự chênh lệch giữa giá trên thị trường cơ sở và thị trường phái sinh kiếm lợi cho mình mà không chịu rủi ro khi biến động giá. Ngoài ra, một số công ty tham gia hợp đồng phái sinh nhằm mục đích phân bổ tài sản trên danh mục đầu tư, hoặc cải thiện một số chỉ số tài chính.

Hoạt động mạnh mẽ trên TTCK phái sinh tại Anh phải kể đến phái sinh tiền tệ. Các hợp đồng phái sinh tiền tệ ra đời chủ yếu nhằm mục đích bảo vệ nhà đầu tư khỏi các biến động bất lợi về tỷ giá giữa các quốc gia, trong đó hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng hoán đổi tiền tệ là hai hợp đồng phái sinh được giao dịch nhiều nhất.

Đối với hợp đồng kỳ hạn, nhà đầu tư bắt buộc phải mua hoặc bán một lượng ngoại tệ tại mức tỷ giá và ngày giao hàng định trước. Trong khi đó, hợp đồng hoán đổi tiền tệ phức tạp hơn khi yêu cầu hai bên trao đổi một khoản tiền danh nghĩa và lãi suất thỏa thuận. Lãi suất này khác nhau giữa hai loại tiền tệ được trao đổi.

Hợp đồng phái sinh lãi suất cũng được các nhà đầu tư Anh sử dụng rộng rãi, trong đó nổi bật là hợp đồng hoán đổi lãi suất. Hợp đồng này bao gồm một thỏa thuận giữa hai bên, một bên sẽ trả lãi suất cố định và bên còn lại sẽ thanh toán lãi suất thả nổi, dựa trên một khoản tiền danh nghĩa định trước.

Đây là một công cụ đặc biệt hữu dụng, nhất là đối với các ngân hàng, khi họ thường cho vay với lãi suất thả nổi, trong khi các khoản tiền gửi của khách hàng thường có lãi suất cố định. Trong trường hợp lãi suất trên thị trường giảm, thu nhập của ngân hàng sẽ giảm theo, trong khi lãi trả cho khách hàng lại chưa kịp thay đổi để bù đắp phần thu nhập bị giảm. Việc tham gia hợp đồng phái sinh sẽ giúp các nhà băng ít chịu rủi ro lãi suất hơn. 

Mối quan hệ giữa thị trường giao ngay và thị trường phái sinh

Để kiếm lời, nhà đầu tư có thể chọn giữa hai phương án. Thứ nhất, mua/bán tài sản cơ sở trên thị trường giao ngay và hưởng lợi trên sự tăng/giảm của giá tài sản cơ sở. Thứ hai, tham gia thị trường phái sinh và tận dụng lợi thế đòn bẩy của chứng khoán phái sinh. Bất kể quyết định của nhà đầu tư là gì, thông tin về giá cả của tài sản cơ sở trên thị trường được lựa chọn cũng sẽ bị ảnh hưởng và có tác động lan tỏa sang thị trường còn lại.

Quyết định lựa chọn thị trường của nhà đầu tư thường dựa vào 3 yếu tố: tính thanh khoản của thị trường; chi phí giao dịch, bao gồm chênh lệch giá mua - bán (bid - ask), phí môi giới và phí khác; đòn bẩy tài chính. Thị trường giao ngay thường có tính thanh khoản cao hơn và chi phí giao dịch thấp hơn so với thị trường phái sinh.

Tuy nhiên, hệ số đòn bẩy tài chính lớn trên thị trường phái sinh có thể bù đắp sự bất lợi của hai yếu tố đầu. Do vậy, việc xác định thị trường nào có ảnh hưởng lớn hơn là một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Dựa trên các bài nghiên cứu định lượng gần đây, nhiều học giả cho rằng, tại Anh, TTCK phái sinh vẫn là thị trường tạo sức ảnh hưởng lớn lên thị trường giao ngay (leading market). 

Ảnh hưởng của Brexit lên TTCK phái sinh tại Anh

Nửa cuối năm 2016 chứng kiến sự tăng vọt của chỉ số lạm phạt cùng với sự sụt giảm sâu của giá đồng Bảng Anh so với USD và đồng Euro, ngay khi nước Anh chính thức xác nhận quá trình rời khỏi EU. Tuy nhiên, tác động thực sự của Brexit lên nền kinh tế Anh nói chung và TTCK phái sinh Anh nói riêng vẫn còn là ẩn số, ít nhất là đến khi Anh chính thức khởi động Điều 50 Hiệp ước Lisbon.

Rất nhiều học giả và các nhà đầu tư kì cựu đã đưa ra những dự đoán về thị trường phái sinh tại Anh khi Brexit chính thức được khởi động. Tác động rõ ràng nhất là TTCK phái sinh tại đảo quốc này sẽ không còn chịu ràng buộc bởi các quy định của khối EU. Khi đó, dưới rào cản nghiêm ngặt của hệ thống pháp luật Anh và khi không còn những ưu đãi trong khối EU, điểm tín dụng (creditworthiness) của nhà đầu tư sẽ giảm, khiến họ khó tiếp cận được thị trường và làm tăng chi phí tài chính liên quan.

Khi nước Anh không còn là thành viên EU, sự chuyển dời hoặc xây mới trụ sở và văn phòng của các tổ chức tài chính tại London chắc chắn sẽ diễn ra với tần suất cao nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh với các đối tác thuộc EU của họ diễn ra bình thường. Ngoài ra, các trung tâm tài chính lớn ở châu Âu như Paris và Frankfurt sẽ nhân cơ hội này chỉnh đốn và phát triển hệ thống tài chính cũng như TTCK phái sinh. Vị thế dẫn dắt của London có thể sẽ bị các trung tâm tài chính khác làm lung lay khi Anh tiến hành Brexit.

Tuy nhiên, việc Anh rời khỏi EU không hoàn toàn gây ra bất lợi cho TTCK phái sinh tại đây. Bất ổn trên thị trường và nỗi lo sự ra đi của Anh sẽ kéo theo các nước khác trong khối rời khỏi EU khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn. Lúc này, các hợp đồng phái sinh với mục đích phòng vệ rủi ro sẽ tấm lá chắn giúp nhà đầu tư an tâm hơn về các khoản đầu tư của mình. Giá trị danh nghĩa của TTCK phái sinh do đó sẽ gia tăng, đem lại lợi nhuận cho các tổ chức kinh doanh trên thị trường như các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại và công ty quản lý quỹ. 

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Năm 2017 dự kiến sẽ là một năm đầy biến động của thị trường tài chính thế giới khi Anh tiến hành Brexit và các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump được hé lộ. Trong đó, việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể xóa bỏ hoàn toàn hiệp định này, khiến các quốc gia thành viên khác vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam gặp khó khăn, đối mặt với nhiều rủi ro.

Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành nâng lãi suất như đã thông báo cuối năm 2016, sẽ tác động không nhỏ đến cả TTCK New York và thế giới. Bởi vậy, sự ra đời của TTCK phái sinh tại Việt Nam trong năm 2017 là điều cần thiết, nhằm tạo ra các công cụ quản trị rủi ro quan trọng cho các nhà đầu tư trước những biến động của thị trường.

Tuy nhiên, việc xây dựng TTCK phái sinh hoạt động hiệu quả đòi hỏi phải có các chính sách cụ thể, linh hoạt. Từ kinh nghiệm trên TTCK phái sinh tại Anh, có thể tăng thanh khoản cho thị trường mới tại Việt Nam thông qua các ưu đãi về thuế, phí, tối thiểu hóa các nghĩa vụ và đơn giản hóa thủ tục, nhằm khuyến khích các công ty chứng khoán nhiệt tâm trở thành thành viên tạo lập thị trường.

Mặt khác, chứng khoán phái sinh vốn là một công cụ đầu tư có tính đòn bẩy cao, quy mô lớn, điều này đồng nghĩa với rủi ro vỡ nợ đi kèm rất lớn. Hơn nữa, TTCK phái sinh tại Anh được biết đến là một trong những nơi có hoạt động rửa tiền qua tài khoản ký quỹ diễn ra mạnh mẽ nhất do hình thức rửa tiền này có đặc tính dễ chia nhỏ, từ đó dễ dàng xâm nhập vào hệ thống tài khoản ngân hàng thông qua nghiệp vụ định giá lại (mark-to-market) diễn ra hàng ngày. Bởi vậy, chính sách chặt chẽ về quản lý ký quỹ và thiết lập quỹ bù trừ rủi ro là rất cần thiết với TTCK phái sinh tại Việt Nam khi thị trường này chính thức đi vào hoạt động.

Tin bài liên quan