HNX: tuổi lên 9 có gì mới?

HNX: tuổi lên 9 có gì mới?

(ĐTCK) Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chào đón ngày kỷ niệm 8 năm chuyển đổi mô hình thành sở giao dịch chứng khoán (24/6) bằng loạt sự kiện: ra mắt trang thông tin điện tử mới, phân bảng UPCoM theo quy mô vốn, ra mắt chỉ số UPCoM, áp dụng cơ chế thành viên tạo lập thị trường. Đặc biệt hơn, HNX đã cơ bản hoàn tất các công việc chuẩn bị, sẵn sàng cho ngày mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh.

Sẽ áp dụng cơ chế thành viên tạo lập thị trường

Thị trường cổ phiếu niêm yết HNX 8 năm qua đã trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh, để đi vào hoạt động ổn định và phát triển về chiều sâu. Từ 257 doanh nghiệp, đến nay, sàn HNX đã có 377 doanh nghiệp niêm yết với quy mô vốn hóa (tính đến 21/6/2017) đạt 183.000 tỷ đồng.

Tỷ trọng các doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng hiện chiếm trên 50%. Nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng đã chọn HNX là nơi niêm yết cổ phiếu, như Ngân hàng ACB, CTCP Cảng Hải Phòng, Tổng công ty cổ phần PVI, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS)...

Trong những thời điểm thị trường chứng khoán sôi động, thanh khoản sàn HNX có lúc đạt hơn 900 tỷ đồng/phiên. Trong vòng 3 năm trở lại đây, thanh khoản thị trường được giữ ổn định ở mức 500 - 600 tỷ đồng/phiên. Tính bình quân tháng, tỷ lệ quay vòng chứng khoán theo khối lượng trên thị trường này (turnover ratio) đạt mức 0,122, có nghĩa là trong vòng 1 tháng, có tới 12,2% khối lượng cổ phiếu có giao dịch.

Để thúc đẩy thanh khoản trên thị trường, tới đây, HNX sẽ áp dụng cơ chế thành viên tạo lập thị trường (market maker). Theo đó, các nhà tạo lập thị trường sẽ yết giá hai chiều, thực hiện các giao dịch cùng mua, cùng bán loại chứng khoán đã đăng ký tạo lập thị trường; kết nối cung - cầu, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể dễ dàng bán hoặc mua một loại chứng khoán nào đó, nhất là những chứng khoán không có thanh khoản hoặc thanh khoản thấp.

Tăng cường quản lý sàn UPCoM

Thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) chính thức hoạt động từ năm 2009 với mục tiêu thu hẹp dần thị trường giao dịch tự do, mở rộng thị trường có quản lý của Nhà nước.

Sau 8 năm, UPCoM đã có nhiều thay đổi linh hoạt nhằm thu hút doanh nghiệp, tăng tính hấp dẫn của thị trường với nhà đầu tư như thay tiêu chí, thủ tục đăng ký giao dịch theo hướng nhanh, gọn hơn, nới rộng biên độ dao động giá, bổ sung phương thức khớp lệnh liên tục, áp dụng giao dịch trực tuyến, áp dụng CIMS trong hoạt động công bố thông tin…

Đến nay, thị trường UPCoM quy tụ 568 công ty đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa thị trường đạt 444.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 100 lần so với khởi điểm năm 2009, quy mô vốn hoá thị trường gấp 2,4 lần so với thị trường niêm yết.

Với UPCoM, ngoài sự hậu thuẫn về mặt chính sách như gắn hoạt động đấu giá cổ phần hóa với đăng ký giao dịch, để phát triển thị trường, HNX cũng chủ động triển khai các giải pháp nhằm thu hút nhà đầu tư.

Đúng ngày kỷ niệm 8 năm chuyển đổi mô hình hoạt động, HNX sẽ phân bảng thị trường UPCoM theo quy mô vốn nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc theo dõi các nhóm doanh nghiệp một cách dễ dàng và có chọn lọc.

Theo đó, các cổ phiếu sẽ được phân vào 3 bảng: UPCoM Large với 40 doanh nghiệp có quy mô vốn từ 1.000 tỷ đồng trở lên, UPCoM Medium với 70 doanh nghiệp có quy mô vốn từ 300 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng và UPCoM Small với 379 doanh nghiệp có quy mô vốn từ trên 10 tỷ đồng đến dưới 300 tỷ đồng.

Cùng với đó, HNX cũng vừa ban hành quy chế UPCoM mới; trong đó, bổ sung thêm các biện pháp giám sát với các cấp độ cảnh báo, tạm dừng, hạn chế, đình chỉ giao dịch.

Thị trường trái phiếu chính phủ phát triển mạnh mẽ

Cũng như UPCoM, trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt khai trương hoạt động trong năm 2009. Sau 8 năm hoạt động, thị trường đã có những bước phát triển vượt bậc và đang đi vào chiều sâu.

Hàng hoá được tăng cường với kỳ hạn phát hành từ ngắn đến dài, siêu dài (20, 30 năm). Thanh khoản của thị trường không ngừng được cải thiện, cơ sở nhà đầu tư đã được mở rộng, thông tin minh bạch, thị trường đã khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Năm 2016, khối lượng vốn huy động từ các đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ tăng gấp 74 lần so với năm 2006, đóng góp xấp xỉ 18% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Tính chung giai đoạn 2010 - 2016, thị trường sơ cấp có mức tăng trưởng trong huy động vốn bình quân đạt 67,5%/năm.

Trên thị trường thứ cấp, tính đến 20/6/2017, quy mô niêm yết đạt 979.000 nghìn tỷ đồng, tương đương 18% GDP của năm 2016.

Năm 2016, thị trường trái phiếu chính phủ đã ghi nhận một bước tiến mới khi giá trị giao dịch repo đã vượt lên gần ngang với giao dịch outright, đạt mức gần 40% trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam đã đi vào giai đoạn phát triển về chiều sâu.

Đến năm 2017, xu hướng này vẫn tiếp tục được khẳng định khi 6 tháng đầu năm 2017, giá trị giao dịch repo đã xấp xỉ giao dịch outright, chiếm tỷ trọng 47,91% so với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Chuẩn bị khai mở thị trường mới - thị trường chứng khoán phái sinh

Năm 2015 đánh dấu một bước ngoặt đối với HNX khi Bộ Tài chính quyết định giao nhiệm vụ vận hành thị trường chứng khoán phái sinh cho Sở. Với vai trò là đơn vị vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HNX đã phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam triển khai các công tác chuẩn bị để đưa thị trường mới mẻ này vào vận hành.

Để đảm bảo an toàn cho thị trường chứng khoán phái sinh thời kỳ đầu, phát triển thị trường về chiều sâu, tăng khả năng cạnh tranh với các thị trường trong khu vực, HNX sẽ khởi động thị trường với sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu VN30. Sau gần 1 năm tích cực và khẩn trương chuẩn bị, hạ tầng công nghệ cho thị trường chứng khoán phái sinh về cơ bản đã được hoàn tất.

Ngân hàng thanh toán và các công ty chứng khoán thành viên cũng đã hoàn tất kết nối với hệ thống giao dịch của Sở. Trong tháng 6 này, 7 thành viên đầu tiên của thị trường đã được Sở cấp quyết định công nhận thành viên giao dịch, sẵn sàng tham gia thị trường…

8 năm, thời gian chưa phải là dài so với bề dày hoạt động, HNX đã vươn lên khẳng định vị thế của mình trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bằng sự nỗ lực bền bỉ, HNX đã tạo dựng hình ảnh một sở giao dịch chứng khoán năng động, hiện đại, sáng tạo.    

HNX ra mắt Trang thông tin điện tử mới

Nhân kỷ niệm 8 năm ngày chuyển đổi mô hình hoạt động thành Sở GDCK (24/6/2009 – 24/6/2017), HNX chính thức ra mắt trang thông tin điện tử mới. Trang thông tin điện tử là cấu phần đồng bộ của Hệ thống thông tin thị trường mới vừa được xây dựng với mô hình tổ chức dữ liệu hiện đại, đảm bảo khai thác dữ liệu nhanh, bảo mật và hiệu quả.

Phương án tổ chức thông tin theo các chuyên trang về từng sản phẩm giao dịch (cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh) giúp người sử dụng dễ dàng theo dõi và tra cứu thông tin theo sản phẩm mà mình quan tâm, đồng thời phù hợp với mô hình tổ chức thị trường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm giao dịch tại Sở.

Đây cũng là phương tiện hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá hình ảnh qua kênh thông tin chính thức từ Sở. Các chức năng cho phép kết nối, chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội, hỗ trợ người sử dụng đăng ký tham gia các sự kiện mở của HNX.

Tin bài liên quan