“HNX đang cùng UBCK xác minh hiện trạng MTM”

“HNX đang cùng UBCK xác minh hiện trạng MTM”

(ĐTCK) Xung quanh sự kiện cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản Miền Trung bị tạm dừng giao dịch, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, Sở đang phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) để xác minh hiện trạng DN.

Đã nghi ngờ từ đầu tháng 6/2016

Chiều 21/6/2016, ông Nguyễn Vũ Quang Trung cho biết, quá trình giám sát hoạt động của MTM thấy có dấu hiệu bất thường, nên từ ngày 13/6/2016, UBCK đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức xác minh, kiểm tra tình hình hoạt động của MTM. Ngày 15/6/2016, UBCK đã yêu cầu HNX báo cáo đánh giá hoạt động giao dịch của cổ phiếu MTM và đến 17/6, UBCK và HNX đã họp cùng các đơn vị có liên quan và quyết định tổ chức Đoàn xác minh hoạt động của MTM tại trụ sở chính của Công ty.

Kết quả cho thấy, không xác định được trụ sở chính tại địa điểm kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của MTM. Cùng với đó là việc tra cứu mã số thuế trên Tổng cục Thuế cho thấy, DN này đã ngừng hoạt động, nhưng chưa hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế.

“Khi nhận thấy MTM có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kinh doanh, để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, Sở quyết định tạm ngừng giao dịch đối với cổ phiếu MTM kể từ ngày 20/6/2016”, ông Trung nói. 

HNX và UBCK đang xác minh hiện trạng MTM

Theo ông Trung, trên những cơ sở trên, HNX đã báo cáo UBCK để ra quyết định về việc tạm ngừng giao dịch cổ phiếu MTM, chứ không phải là đình chỉ giao dịch. HNX vẫn đang phối hợp với UBCK và phối hợp với cơ quan điều tra tham gia xác minh. “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn xác minh, điều tra nên chưa có kết luận cuối cùng”, ông Trung cho hay.

Theo đó, có 2 khả năng xảy ra với MTM. Thứ nhất, DN thay đổi địa điểm trụ sở chính, nhưng không công bố thông tin đúng quy định, đó là lỗi công bố thông tin. Trường hợp này, đó là lỗi hành chính, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính và cho phép tiếp tục giao dịch cổ phiếu. Thứ hai, nếu doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin sai sự thật, đó sẽ là hành vi công bố thông tin sai sự thật, có dấu hiệu vi phạm hình sự, hồ sơ của DN sẽ phải chuyển cơ quan điều tra. Trong trường hợp này, nhà đầu tư nếu bị thiệt hại có thể khởi kiện Ban lãnh đạo MTM ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại. 

Vì sao MTM không có báo cáo tài chính kiểm toán 2015?

“Ngày 3/11/2015, MTM nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên UPCoM, với mọi thông tin về trụ sở trùng khớp với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 9, cấp ngày 14/12/2015 được nộp bổ sung sau đó. Sau quá trình xử lý hồ sơ, đến ngày 29/3/2016, hồ sơ đăng ký giao dịch của MTM đã đầy đủ, hợp lệ. Theo quy định hiện hành, hồ sơ cần có báo cáo tài chính năm liền trước năm đăng ký giao dịch đã được kiểm toán, nên thời điểm hồ sơ nộp ngày 3/11/2015 và được chấp thuận ngày 30/3/2016 thì chỉ MTM có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014. Liên quan đến điều kiện lên UPCoM, theo quy trình hiện hành, DN chỉ cần trải qua vòng rà soát, đối chiếu, đảm bảo hồ sơ đăng ký đầy đủ, chứ không phải thẩm định, đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật của hồ sơ niêm yết”, ông Trung giải thích về thắc mắc của thị trường liên quan đến hồ sơ đăng ký giao dịch trên UPCoM của MTM. 

Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư cách nào?

Ngoài việc tiếp tục phối hợp với UBCK xác minh trường hợp MTM và có thể chuyển cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu hình sự, ông Trung cho biết, trong thời gian tới, HNX sẽ chủ động rà soát hoạt động 39 DN trong Phân bảng cảnh báo nhà đầu tư của UPCoM.

“Thực tế, UPCoM là thị trường trung gian, tạo ra nơi cho nhà đầu tư có nhu cầu giao dịch có thể thực hiện giao dịch. Thay vì trước kia nhà đầu tư thậm chí ôm tiền mặt ra quán café giao dịch, doanh nghiệp có thể không công bố thông tin gì, thì nay họ có thể giao dịch thông qua tài khoản và có giám sát công bố thông tin định kỳ”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, tại HNX có 3 hình thức giám sát thường xuyên các DN bao gồm: giám sát điều kiện, giám sát công bố thông tin và giám sát tích cực với các trường hợp có bất thường giao dịch. Trường hợp của MTM, HNX thực hiện giám sát với lý do ban đầu là có các nguồn thông tin và kết hợp với diễn biến giá bất thường.

Trong 3 năm vừa qua, mỗi năm HNX thực hiện giám sát hoạt động khoảng 40 doanh nghiệp trên sàn. HNX không đủ nguồn lực để rà soát tất cả các doanh nghiệp trên sàn niêm yết và UPCoM, nhưng trước mắt sẽ là 39 doanh nghiệp bị cảnh báo, trong đó có 2 mã khác cũng không xác minh được địa chỉ trụ sở là KTB và PTK.

Theo ông Trung, do sàn UPCoM là sàn dành cho công ty đại chúng, công ty đại chúng bắt buộc phải đưa cổ phiếu lên đây, mà không phải tuân thủ những điều kiện cụ thể về chất lượng hàng hóa, nên Sở thực hiện việc xếp loại cổ phiếu yếu vào Bảng cảnh báo để giúp nhà đầu tư nhận diện cổ phiếu yếu.    

Tin bài liên quan