Hình sự hóa pháp nhân CTCK, người trong cuộc nói gì?

Hình sự hóa pháp nhân CTCK, người trong cuộc nói gì?

(ĐTCK) Các CTCK đang quan tâm tới hướng sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành, bởi nếu được Quốc hội thông qua, lần đầu tiên pháp nhân là CTCK có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không đồng tình

Điểm mới của dự thảo BLHS sửa đổi sắp được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 này, là lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán: tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng giá chứng khoán.

Đặt câu hỏi hình sự hóa pháp nhân là CTCK có hợp lý không cho 5 lãnh đạo CTCK (tổng giám đốc/chủ tịch HĐQT), thì 4 trường hợp cho rằng không hợp lý, 1 ý kiến đồng tình.

Lý lẽ của bên phản đối là không thể kết tội hình sự tập thể. Đây cũng là thông lệ được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Chế tài đối với pháp nhân CTCK phạm tội hình sự rất nặng: phạt tiền; cấm kinh doanh, cấm huy động vốn..., nên không thể vì sai phạm của một hoặc một số người trong HĐQT hoặc ban giám đốc, mà bắt các cổ đông khác phải bỏ tiền ra xử lý hậu quả cho các cá nhân vi phạm.

Ngoài bị thiệt hại về tiền, khi CTCK phạm tội hình sự, điều không hợp lý nữa là: sao lại bắt các cổ đông phải gánh chịu những thiệt hại rất nặng nề khác do CTCK bị cấm kinh doanh, cấm huy động vốn...? Hơn nữa, chỉ quy trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là CTCK, mà không áp dụng điều này với pháp nhân là các loại hình DN khác là không công bằng, trong khi họ cũng có hành vi vi phạm tương tự như CTCK.

“Thành viên HĐQT, ban giám đốc tại CTCK thực thi nhiệm vụ theo luật, điều lệ công ty, cũng như hệ thống quy trình, quy chế nội bộ. Do đó, khi họ vi phạm các quy định này thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm, chứ không thể khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự CTCK...”, Chủ tịch HĐQT một CTCK đang niêm yết nói và lập luận: nếu cho rằng sai phạm của một hoặc một số cá nhân tại CTCK bắt nguồn từ quyết định của HĐQT, của ban giám đốc như một trong những lý lẽ để xét thấy cần thiết quy trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là CTCK, thì không thuyết phục.

Lý do là bởi, tuy là trách nhiệm tập thể, nhưng thực tế áp dụng BLHS cho thấy, khi khởi tố vụ án để điều tra, thì làm rõ trách nhiệm của từng thành viên HĐQT, ban giám đốc, chứ không thể tồn tại trách nhiệm tập thể chung chung.

Cũng không thể cho rằng vì một số cá nhân làm theo yêu cầu, quyết định của tập thể CTCK, nên khi xảy ra sai phạm, thì pháp nhân CTCK phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

“Đúng là trong thực tế điều hành, các thành viên ban giám đốc chịu rất nhiều áp lực từ ông chủ, HĐQT, nhưng nếu sức ép lớn mà làm sai điều lệ, quy trình, quy chế nội bộ của CTCK đã là khó chấp nhận rồi, chứ nói gì đến làm sai luật”, Tổng giám đốc một CTCK nói và cho rằng, sai phạm của cá nhân không thể đổ cho tập thể CTCK.

Một cái lý nữa mà lãnh đạo các CTCK nêu ra để phản đối việc hình sự hóa trách nhiệm của pháp nhân CTCK là, khi CTCK phạm tội, có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, bị cấm kinh doanh... Hệ quả khi áp dụng các chế tài này là hàng trăm lao động tại CTCK có nguy cơ thất nghiệp mặc dù họ không có lỗi. 

Cái lý của ý kiến ủng hộ

Trong số 5 ý kiến lãnh đạo CTCK mà ĐTCK khảo sát nhanh, thì 4 ý kiến phản đối, riêng TS. Phạm Ngọc Phú, Tổng giám đốc CTCK An Thành, ủng hộ quan điểm nên quy trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là CTCK.

Lý do là bởi, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày một phức tạp, tinh vi, nên nếu chỉ truy trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, mà bỏ qua trách nhiệm hình sự của pháp nhân là CTCK, thì khó đảm bảo răn đe.

Ông Phú cho rằng, các chế tài áp dụng đối với CTCK khi phạm tội hình sự là các biện pháp hành chính và dân sự đang áp dụng hiện nay như: phạt tiền, đình chỉ kinh doanh..., chứ không phải “bỏ tù” CTCK, nên có tính khả thi.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT tốt hơn, BLHS bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân CTCK là cần thiết. Lý do là bởi khi xảy ra sai phạm, người vi phạm tại CTCK thường tìm cách bỏ trốn, khiến NĐT có thể phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề mà chẳng biết kêu ai.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với CTCK là giải pháp quan trọng nên cân nhắc áp dụng, để buộc CTCK phải có trách nhiệm với những thiệt hại mà khách hàng, NĐT phải gánh chịu do cá nhân hành nghề tại CTCK gây ra. Điều này sẽ buộc CTCK phải có trách nhiệm lớn hơn trong hoạt động, qua đó giúp NĐT tự tin hơn khi đầu tư trên TTCK vì được bảo vệ tốt hơn.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là các tổ chức kinh tế nói chung, CTCK nói riêng là vấn đề rất hệ trọng, tác động lớn đến hoạt động của CTCK, nên luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tích cực góp ý cho dự thảo BLHS bằng những lý lẽ, thực tiễn hoạt động thuyết phục.

Những ý kiến trái chiều về nên hay không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với CTCK nói riêng, các nội dung mới khác của BLHS sửa đổi nói chung, sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận lần đầu vào Kỳ họp thứ 9 sắp khai mạc trong tháng 5 này và sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10, diễn ra cuối năm nay.

Tin bài liên quan