Hệ số thanh toán nhanh

Hệ số thanh toán nhanh được sử dụng như một thước đo để đánh giá khả năng thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn bằng việc chuyển hóa tài sản ngắn hạn thành tiền mà không cần phải bán đi hàng tồn kho. Hệ số thanh toán nhanh được tính bằng cách lấy tổng các tài sản có tính thanh khoản cao nhất (tiền mặt, đầu tư ngắn hạn và khoản phải thu) chia cho tổng nợ ngắn hạn.

Hệ số thanh toán nhanh là một hệ số khắt khe hơn nhiều so với hệ số thanh toán hiện thời (được tính bằng cách lấy tài sản lưu động chia cho tổng nợ ngắn hạn) bởi vì, hệ số này đã loại trừ hàng tồn kho ra khỏi công thức tính toán. Công thức này được nhà đầu tư sử dụng khá phổ biến.

Hàng tồn kho không được đưa vào công thức tính hệ số thanh toán nhanh, vì nó khó có thể chuyển ra tiền mặt một cách dễ dàng, các chi phí trả trước cũng không được đưa vào với lý do tương tự.

Hệ số này nói lên tình trạng tài chính ngắn hạn của một DN có lành mạnh không. Về nguyên tắc, hệ số này càng cao thì khả năng thanh toán công nợ càng cao và ngược lại. Hệ số này bằng 1 hoặc lớn hơn, cho thấy khả năng đáp ứng thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn cao. DN không gặp khó khăn nếu cần phải thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn. Trái lại, nếu hệ số thanh toán nhanh nhỏ hơn 1, DN sẽ không đủ khả năng thanh toán ngay lập tức toàn bộ khoản nợ ngắn hạn hay nói chính xác hơn, DN sẽ gặp nhiều khó khăn nếu phải thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn. Phân tích sâu hơn, nếu hệ số thanh toán nhanh nhỏ hơn hệ số thanh toán hiện thời rất nhiều cho thấy, tài sản ngắn hạn phụ thuộc rất lớn vào hàng tồn kho. Trong trường hợp này, tính thanh khoản của tài sản ngắn hạn là tương đối thấp. Tất nhiên, với tỷ lệ nhỏ hơn 1, DN có thể không đạt được tình hình tài chính tốt nhưng điều đó không có nghĩa là DN sẽ bị phá sản vì có nhiều cách để huy động thêm vốn cho việc trả nợ. Ở một khía cạnh khác, nếu hệ số này quá cao thì vốn bằng tiền quá nhiều, vòng quay vốn lưu động thấp, hiệu quả sử dụng vốn cũng không cao.

 

Lưu ý

- Hệ số này vô hình trung đã không tính đến năng lực thanh toán "không dùng tiền" của DN trong việc trả các khoản nợ đến hạn. Tức là chưa tính đến khả năng DN dùng một lượng hàng hóa mà thị trường có nhu cầu cao có thể bán ngay được hoặc xuất đối lưu và như vậy sẽ là phiến diện khi lượng tiền có thể ít, khoản đầu tư ngắn hạn của DN không có nhưng lượng hàng hóa, thành phẩm tồn kho có thể bán ngay bất cứ lúc nào cũng được mà vội kết luận DN không đảm bảo được khả năng trả nợ ngắn hạn.

* Có thể xảy ra trường hợp nợ ngắn hạn lớn, nhưng chưa đến hạn trả mà buộc DN phải tính đến khả năng trả nợ ngay, trong khi nợ dài hạn và nợ khác phải trả hoặc quá hạn trả lại không tính đến.

* Cần kết hợp với các hệ số thanh toán khác khi sử dụng hệ số này, đồng thời phải so sánh hệ số thanh toán nhanh của năm nay so với năm trước để nhận diện xu hướng biến động cũng như cần so sánh với hệ số của DN cùng ngành để đánh giá tương quan cạnh tranh.