HASECO bước sang giai đoạn phát triển mới

HASECO bước sang giai đoạn phát triển mới

(ĐTCK) Ghi nhận khoản lỗ hơn 90 tỷ đồng vào cuối năm 2011, cổ phiếu HPC của CTCK Hải Phòng (HASECO) hiện được định giá khá thấp so với các cổ phiếu cùng ngành.

Trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch HASECO, TS. Vũ Dương Hiền cho rằng, kết thúc năm 2011 là kết thúc khó khăn của HASECO, bắt đầu từ năm 2012, hoạt động kinh doanh của Công ty sẽ có lãi.

 Khoản lỗ hơn 90 tỷ đồng năm 2011 có lẽ là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu HPC đang bị định giá thấp trên TTCK. Ông giải thích như thế nào về khoản lỗ này?

Trước hết tôi muốn cổ đông và nhà đầu tư hiểu rằng, khoản lỗ hơn 90 tỷ đồng của năm 2011 chủ yếu là do trích lập dự phòng đầu tư và dự phòng phải thu khó đòi trong năm này cũng như năm trước đó. Ghi nhận khoản lỗ lớn năm 2011 là cách HASECO thực hiện nghiêm túc các yêu cầu tại Thông tư 226 của Bộ Tài chính, trong đó thực hiện trích lập dự phòng tất cả các khoản nợ tồn đọng, nợ khó đòi đã kéo dài tại Công ty từ năm 2008 đến 2011. Với hành động này, HASECO đã khép lại những khó khăn của quá khứ, quyết tâm làm sạch tình hình tài chính để chuyển sang một giai đoạn mới bắt đầu từ năm 2012.

Thực tế, quý I/2012, Công ty đã có lợi nhuận trên 12 tỷ đồng. Ngoài sự khởi sắc của TTCK khiến các hoạt động dịch vụ của khối CTCK nói chung, HASECO nói riêng được cải thiện, thì yếu tố quan trọng làm nên khoản lãi quý I là khoản hoàn nhập dự phòng mà Công ty đã trích theo nguyên tắc cẩn trọng vào cuối năm 2011. Nhà đầu tư có thể chưa nắm rõ bước chuyển biến về chất trong hoạt động của Công ty, nên còn dè dặt với cổ phiếu HPC và chưa định giá đúng giá trị cổ phiếu này. Tuy nhiên, tôi khẳng định là từ năm 2012, HASECO sẽ chuyển sang giai đoạn phát triển mới, phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn của Công ty.

 

Như ông vừa nói, từ năm 2012, HASECO sẽ chuyển sang giai đoạn mới, điều này được hiểu như thế nào, thưa ông?

Như các bạn cũng biết, HASECO ra đời trên cơ sở HAPACO là cổ đông sáng lập cùng với một số cổ đông chiến lược khác góp vốn. HASECO có định hướng phát triển và mục tiêu rõ ràng, có những lợi thế riêng về địa lý, về thương hiệu, về khách hàng… để phát triển. Tuy nhiên, nhân sự điều hành trực tiếp Công ty thời kỳ đầu lại chủ yếu là người làm thuê (không phải là chủ sở hữu thực sự), nên có những giai đoạn, lợi ích của Công ty và lợi ích của người điều hành không đồng nhất. Bên cạnh đó, do tình hình TTCK suy thoái rất mạnh từ giữa năm 2008 đến cuối năm 2011, nên không riêng HASECO, hầu hết các CTCK cũng đều ở trong trạng thái rất khó khăn.

Từ giữa năm 2011, nhận diện rõ sự bất hợp lý của mô hình Ban giám đốc thuê ngoài, ĐHCĐ HASECO đã họp lại để quyết định, tôi - ngoài việc giữ vị trí Chủ tịch Công ty, sẽ kiêm nhiệm vị trí Tổng giám đốc HASECO. Kể từ thời điểm đó đến hết năm 2011, công việc chính mà tôi cùng HASECO thực hiện là tái cấu trúc sức khỏe tài chính, củng cố bộ máy nhân sự với quyết tâm khép lại các khoản lỗ vào cuối năm 2011 để từ năm 2012 sẽ chuyển sang giai đoạn phát triển mới, kinh doanh có lãi và đạt được các mục tiêu chiến lược. Kết quả kinh doanh quý I/2012 đã phần nào minh chứng cho nỗ lực của chúng tôi. Năm 2012, HASECO đặt mục tiêu tổng doanh thu 40  tỷ đồng, lợi nhuận thực hiện 25  tỷ đồng và sẽ triển khai phương án phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần  khi đươc ĐHCĐ thông qua.

Tôi tin rằng, với quyết tâm của Chính phủ, của Bộ Tài chính, UBCK trong việc  vực dậy TTCK, những công ty trung thành với thị trường, dám chấp nhận lỗ lớn năm 2011 để lành mạnh hóa sức khỏe tài chính như HASECO sẽ trụ vững để phát triển.

 

Như ông cũng biết, Bộ Tài chính đã ban hành Đề án tái cấu trúc CTCK, trong đó có việc khuyến khích các công ty tự đổi mới, tìm đối tác chiến lược để tăng vốn hay thực hiện sáp nhập để khỏe mạnh hơn… Tại HASECO, ông định hướng quá trình tái cấu trúc Công ty như thế nào?

Từ khi thành lập HASECO đến nay chúng tôi luôn duy trì quan điểm cởi mở, chào đón các đối tác chiến lược trong và ngoài nước có cùng ý chí và có khả năng khai thác các thế mạnh của Công ty để cùng hợp tác. HASECO có trụ sở chính tại Hải Phòng, một trong các thành phố có sự phát triển kinh tế mạnh nhất cả nước. Người dân Hải Phòng năng động và một bộ phận không nhỏ có thu nhập khá cao, có khả năng và mong muốn đầu tư chứng khoán. Bên cạnh đó, thị trường dịch vụ tư vấn cho DN tại Hải Phòng vẫn còn dư địa phát triển rất lớn, mà ở đó HASECO có lợi thế vùng miền. Tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP. HCM, Công ty cũng đã xác lập được vị trí nhất định, làm nền tảng để phát triển. Hiện HASECO có hơn 17.000 khách hàng mở tài khoản giao dịch chứng khoán, đó là những nét cơ bản về tiềm năng của Công  ty chúng tôi.

Trong định hướng về quá trình tái cấu trúc, như tôi đã nói trên, hết năm 2011, HASECO đã cơ bản hoàn tất việc tái cấu trúc “sức khỏe” tài chính, từ năm 2012, chúng tôi sẽ mạnh khỏe hơn nhiều. Năm 2012, Công ty sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ và mở rộng cơ số khách hàng sang cả khối cá nhân và tổ chức. Trong quá trình này, HASECO luôn rộng cửa chào đón các đối tác lớn, chào đón những nhân sự tài năng về làm việc để cùng thúc đẩy Công ty phát triển.

 

Ngoài quyết tâm hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, UBCK dự kiến sẽ có những cải cách mới như giảm thuế cho nhà đầu tư, áp dụng T+3, cấp phép cho quỹ mở, đơn giản thủ tục cấp mã số cho nhà đầu tư nước ngoài… Là một thành viên TTCK, xin ông chia sẻ quan điểm về những nỗ lực cải cách này?

Tôi hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực cải cách về chính sách để tạo điều kiện tốt hơn cho TTCK phát triển. HASECO với tư cách là CTCK thành viên cam kết sẽ đáp ứng các điều kiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý để góp sức cùng các CTCK khác thực hiện cải tiến dần chất lượng hoạt động của TTCK.

Tôi cho rằng, lúc này là giai đoạn tốt nhất để Bộ Tài chính, UBCK công bố các chuyển biến về pháp lý, vì điều kiện tăng trưởng của TTCK đã khá rõ nét và đặc biệt là sau giai đoạn rất khó khăn năm 2008-2011 vừa qua, những công ty quyết tâm ở lại thị trường như chúng tôi đang rất cần sự hỗ trợ và cởi mở hơn về pháp lý để vươn lên, phát triển cùng TTCK Việt Nam.