Dấu ấn 10 năm Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên năm nay được chứng kiến một số doanh nghiệp chia sẻ niềm tự hào với 40 năm, 45 năm hình thành và phát triển

Dấu ấn 10 năm Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên năm nay được chứng kiến một số doanh nghiệp chia sẻ niềm tự hào với 40 năm, 45 năm hình thành và phát triển

Hành trình qua những thập kỷ để khẳng định, để trường tồn

(ĐTCK) Một điểm thú vị trong dấu ấn 10 năm Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên năm nay là được chứng kiến một số doanh nghiệp chia sẻ niềm tự hào với 40 năm, 45 năm hình thành và phát triển, xây dựng thương hiệu Việt vươn xa, khẳng định tên tuổi trong lòng người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Chiếm lĩnh thị trường nội địa

Những ngày đầu sau giải phóng năm 1976, đối với hàng triệu gia đình Việt là một thời kỳ đầy khó khăn, thử thách, là thời gian mà cuộc sống thiếu thốn mọi thứ, từ những mặt hàng thiết yếu nhất như cân đường, hộp sữa, viên thuốc kháng sinh, đến chiếc quần, cái áo. Chính trong thời điểm ngặt nghèo đó, có những doanh nghiệp ra đời, gắn bó, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người tiêu dùng.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp không chỉ tồn tại thành công qua hơn 40 năm thăng trầm cùng với quá trình đổi mới, phát triển của đất nước, nền kinh tế từ tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa và hội nhập với không ít thách thức, mà còn tận dụng được thời cơ để phát triển, chinh phục người tiêu dùng nội địa, cạnh tranh với các công ty, tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới.

Sự thành công đó là nhờ nội lực mạnh mẽ, khao khát vươn cao của chính doanh nghiệp, thể hiện qua những con số, thành tựu mà doanh nghiệp đạt được trong những năm qua.

Lãnh đạo Chính phủ ghi nhận nỗ lực của đại diện các tổ chức, thực thi Cuộc bình chọn vì sự minh bạch trên TTCK Việt Nam.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM), ở tuổi 40 đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sữa tại Việt Nam với 13 nhà máy cùng 10 trang trại, công suất 1.594,8 triệu sản phẩm/năm. Bên cạnh đó, Vinamilk là công ty đầu tiên có 1 trang trại bò sữa organic đạt tiêu chuẩn organic châu Âu tại Việt Nam sau khi khánh thành vào tháng 3/2017.

Kết thúc năm 2016, tổng doanh thu của Công ty vượt ngưỡng 2 tỷ USD, đạt 46.965 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.364 tỷ đồng, chiếm lĩnh 54,5% thị phần sữa nước, 40,6% thị phần sữa bột trẻ em, 33,9% thị phần sữa chua uống, 79,7% thị phần sữa đặc trên cả nước. So với cách đây 10 năm, doanh thu tăng 7 lần, lợi nhuận tăng 10 lần, nhưng bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk vẫn tự tin nhận định về “cơ hội vàng trong 10 năm tới”.

Tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB), năm 2016 vừa qua là năm thứ 142 xét lịch sử nguồn gốc và 40 năm xây dựng, phát triển thương hiệu. Đến nay, Sabeco cùng với VBL, Habeco là 3 công ty “thống lĩnh” thị trường bia Việt Nam. Trong đó, Sabeco sở hữu 23 nhà máy sản xuất bia, với tổng công suất 1,8 tỷ lít bia/năm và 1 nhà máy rượu, 1 nhà máy nước giải khát.

Các nhà máy Bia Sài Gòn của Sabeco được đầu tư máy móc thiết bị đồng bộ với công nghệ sản xuất hiện đại, nhập khẩu từ các hãng sản xuất thiết bị chuyên dùng cho ngành bia hàng đầu thế giới như Krones AG, KSH..., được chứng nhận đạt chuẩn ISO 9001:2008, ISO 14001:2004, ISO 22000:2005 và HACCP.

Ngoài ra, Tổng công ty còn quản lý 44 chi nhánh, 8 tổng kho phục vụ điều phối sản phẩm, 800 nhà phân phối cấp I và trên 32.000 điểm bán trên toàn quốc.

Lễ trao giải Báo cáo thường niên tốt nhất lần đầu tiên được tổ chức năm 2008 nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo ngành chứng khoán.

Năm 2016, sản lượng tiêu thụ Bia Sài Gòn đạt 1,65 tỷ lít, chiếm 40% thị phần sản lượng cả nước, doanh thu 30.603 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.654 tỷ đồng. Giai đoạn 2011 - 2016, tăng trưởng kép sản lượng tiêu thụ đạt 8,4%, lợi nhuận sau thuế đạt 9%. Đây là những con số ấn tượng trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi của thế giới có tiềm lực tài chính mạnh liên tục đổ bộ vào thị trường bia Việt Nam, khiến sự cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt.

Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), cũng đánh dấu 40 năm hình thành và phát triển, tính đến hết năm 2016, Công ty có gần 1.500 cửa hàng, chiếm 50% thị phần ống nhựa tại khu vực Miền Nam và 25% thị phần ống nhựa cả nước. 4 nhà máy tại TP. HCM, Bình Dương, Long An, Hưng Yên, công suất 150.000 tấn/năm của Công ty không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, mà còn tiến tới xuất khẩu.

Trong lĩnh vực dược phẩm, ở tuổi 45, Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco (TRA) hiện là doanh nghiệp đầu ngành về mảng Đông dược, là một trong những doanh nghiệp có hệ thống phân phối mạnh nhất ngành dược cả nước, với 2 công ty con, 20 chi nhánh và 23.000 khách hàng là các nhà thuốc bán lẻ.

Theo báo cáo của Công ty IMS Health (chuyên cung cấp thông tin, dịch vụ và công nghệ cho ngành chăm sóc sức khỏe toàn cầu), tính đến hết quý II/2016, TRA chiếm 1,3% thị phần thị trường dược phẩm Việt Nam, xếp thứ 12/20 công ty có doanh thu cao nhất.

Còn nhiều doanh nghiệp, thương hiệu Việt khác có tuổi đời 40, thậm chí mới bước qua ngưỡng tuổi 10, 20, nhưng đã và đang khẳng định được uy tín, tên tuổi trong lòng người tiêu dùng Việt Nam, cạnh tranh thành công với những đối thủ ngoại dày dặn bản lĩnh, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính dồi dào. 

Chinh phục thị trường quốc tế

Ngày 3/7/2017, Tạp chí Forbes Việt Nam công bố danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất tại Việt Nam. Trong đó, Vinamilk đứng đầu với giá trị hơn 1,7 tỷ USD, chiếm hơn 30% trong tổng giá trị 5,4 tỷ USD của 40 thương hiệu được công bố, tăng 13% so với năm 2016. Trong danh sách này, Sabeco với thương hiệu Bia Sài Gòn được định giá 254,5 triệu USD, Nhựa Bình Minh được định giá 28,8 triệu USD, Traphaco được định giá 28,6 triệu USD.

Trước đó, ngày 25/5/2017, Vinamilk lọt vào danh sách Global 2000, gồm 2000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Tạp chí Forbes. Vinamilk còn là công ty duy nhất lọt vào Top 50 công ty niêm yết hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương (FAB 50) do Forbes châu Á bình chọn.

Tính đến hết năm 2016, sản phẩm của Vinamilk đã xuất khẩu đến 43 nước trên thế giới. Bên cạnh các nhà máy tại Việt Nam, Công ty còn có các nhà máy và công ty con tại nước ngoài (Mỹ, Campuchia, New Zealand, Ba Lan).

Với Sabeco, Tổng công ty hiện đứng vị trí thứ 17 trong các tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới, Top 3 các nhà sản xuất bia hàng đầu khu vực Đông Nam Á và là thành viên của Học viện Bia Berlin - một trong những cái nôi của văn hóa bia toàn cầu.

Sản phẩm Bia Sài Gòn của Sabeco được xuất khẩu đến 28 thị trường trên thế giới, từ châu Á (Lào, Campuchia, Malaysia, Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc…) đến châu Âu (Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Pháp, Hà Lan), châu Úc (Úc, New Zealand) và châu Phi. Năm 2015, Bia 333 Premium Export của Sabeco được trao giải Vàng quốc tế AIBA 2015 tại Úc với chứng nhận: Sản phẩm tốt nhất có phong cách Lager.

Lễ trao giải Báo cáo thường niên tốt nhất hàng năm nhận được sự quan tâm tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan chung mong muốn hỗ trợ DN phát triển. 

Một doanh nghiệp khác đáng chú ý là Công ty cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco, mã chứng khoán PAC). Trong 40 năm hoạt động, sản phẩm của Pinaco không chỉ được người tiêu dùng trong nước mà còn được người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới đón nhận, tin tưởng. Cụ thể, các sản phẩm của Công ty đã được xuất khẩu sang 32 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm: Myanmar, Brunei, Malaysia, Trung Đông, Úc, Ấn Độ, Ai Cập, Hồng Kông...

Có thể thấy, ngoài xuất khẩu, câu chuyện thành lập công ty, xây nhà máy tại nước ngoài giờ đây đã không còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp Việt. Các doanh nghiệp không chỉ đem ra thế giới những thương hiệu gia công “Made in Viet Nam”, mà còn cả những sản phẩm do chính người Việt Nam sáng tạo, thiết kế và sản xuất. Đáng mừng hơn, nhiều doanh nghiệp đã chiếm lĩnh được thị phần, khẳng định được tên tuổi bằng chính chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp dịch vụ chỉ sau những mốc 10 năm, 20 năm tuổi như Viettel, FPT, Tôn Hoa Sen, Vicostone, AAA…

Vươn ra sân chơi quốc tế, cạnh tranh sòng phẳng với những công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới, những doanh nghiệp nội địa mạnh của nước bạn không hề dễ dàng, nhưng khi thành công chính là thước đo rõ ràng nhất cho thấy, doanh nghiệp đã thực sự lớn, thực sự trưởng thành. 

Không ngừng vươn cao

Dù đã có được những thành công nhất định, nhưng không hài lòng, không tự thỏa mãn với những gì đã có, liên tục đặt các mục tiêu cao hơn, xa hơn là điểm chung của các doanh nghiệp Việt đã bước qua tuổi 40.

Trong mục tiêu 2017 - 2020, TRA hướng tới trở thành doanh nghiệp số 1 thị trường dược trong nước, với doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 500 tỷ đồng, vốn hóa thị trường 10.000 tỷ đồng. Với Vinamilk, khi đã chinh phục được thị trường nội địa, Công ty hướng đến Top 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới, với khát vọng “toàn cầu hóa thương hiệu”, đưa sữa Việt Nam đi khắp 5 châu.

Quan trọng hơn, để đạt được các mục tiêu lớn đó, các doanh nghiệp đưa ra và thực hiện hàng loạt giải pháp cụ thể như đầu tư mở rộng sản xuất, hướng đến tiêu chuẩn quốc tế.

Dấu ấn đáng nhớ của Cuộc bình chọn là sự kiện ký thỏa thuận hợp tác với IFC – ACCA năm 2014.

Nhựa Bình Minh cũng có những mục tiêu lớn và nỗ lực hiện thực hóa. Sau khi triển khai dự án đầu tư xây dựng mở rộng Nhà máy Bình Minh Long An (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng, giúp sản lượng sản xuất của các loại sản phẩm ống uPVC, ống HDPE, ống uPVC tăng trưởng từ 20 - 40% trong năm 2016, Công ty tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 dự án này. Cụ thể, Nhựa Bình Minh đầu tư thêm máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, với tổng giá trị đầu tư 680 tỷ đồng.

Nỗ lực thực hiện khát vọng của các doanh nghiệp là cơ sở để kỳ vọng, sẽ có những doanh nghiệp ở tuổi 50, 60 vươn lên đứng đầu tại các thị trường khu vực và thế giới.

Phải thừa nhận rằng, doanh nghiệp Việt vẫn còn khoảng cách khá xa và rất nhiều việc phải làm để có thể vươn lên vị trí hàng đầu trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, với những gì đã và đang làm được, với nỗ lực không ngừng vươn lên, không ngừng học hỏi, cải tiến, có thể tin tưởng rằng, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định được giá trị trên trường quốc tế. 

Tin bài liên quan