Nhà đầu tư tham quan khu trưng bày sản phẩm của KIDO Foods tại Nhà máy tại Bắc Ninh

Nhà đầu tư tham quan khu trưng bày sản phẩm của KIDO Foods tại Nhà máy tại Bắc Ninh

“Hàng nóng” OTC sắp lên sàn

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán nửa cuối năm dự báo sẽ đón thêm nhiều hàng mới, dưới sức ép gắn cổ phần hóa doanh nghiệp với đưa cổ phiếu lên sàn của Chính phủ. Trong đó, có những cổ phiếu đang “làm mưa làm gió” trên thị trường tự do (OTC).

Từ “vua kem” KIDO Foods

Giữa tháng 7 vừa qua, CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO - KIDO Foods (mã chứng khoán KDF) đã thực hiện chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch 56 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM. Trước đó, vào tháng 4, Công ty mẹ của KIDO Foods - CTCP Tập đoàn Kido - đã chào bán 20% cổ phần KDF ra công chúng với mục tiêu đại chúng hóa và đưa doanh nghiệp này lên sàn. KDF khi đó gây chú ý với việc ghi nhận tổng số lượng đăng ký mua hơn 40 triệu cổ phiếu, cao gấp 3,6 lần lượng chào bán.

Sau khi 11,2 triệu cổ phiếu KDF được phân phối hết với giá bán 52.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu này tiếp tục được giao dịch sôi động trên thị trường tự do.

Sức hấp dẫn của cổ phiếu KDF đến từ đâu?

KIDO Foods được thành lập vào tháng 7/2003, sau khi KIDO mua lại nhà máy kem Wall’s từ Tập đoàn Unilever. Đến nay, các mảng kinh doanh chính của KIDO Foods bao gồm kem, các sản phẩm từ sữa và thực phẩm đông lạnh.

KIDO Foods hiện có hai nhà máy, gồm nhà máy kem ở Củ Chi, TP.HCM và nhà máy thực phẩm đông lạnh tại Bắc Ninh với tổng công suất hàng năm đạt 50 triệu lít/năm (25 triệu lít kem, 25 triệu lít sữa chua). Đến cuối năm 2016, KIDO Foods là công ty dẫn đầu thị trường kem với 35% thị phần.

Ở mảng mới là thực phẩm đông lạnh, KDF có tham vọng tiến sâu bằng lợi thế mạng lưới phân phối rộng trên cả nước. Công ty dự định đưa lên kệ hàng các điểm bán lẻ với các mặt hàng như bánh bao, xúc xích, cá viên…

Năm 2016 , KIDO Foods đạt doanh thu 1.396,8 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2015 và 78% so với năm 2014; lợi nhuận sau thuế đạt 142,6 tỷ đồng, tăng 85% so với năm 2015 và gấp 3,2 lần lợi nhuận 2014. Năm 2017, Công ty tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh, với doanh thu 1.828 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế 277 tỷ đồng, tăng 94% so với thực hiện 2016.

… tới VPBank

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị niêm yết trong quý III này. Kể từ sau cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2017, với cam kết sẽ đưa cổ phiếu gia nhập sàn HOSE của lãnh đạo Ngân hàng, cổ phiếu VPBank đã “nóng” dần trên thị trường OTC. Đặc biệt, trong tháng 7, lãnh đạo VPBank và người nhà đã đăng ký gom mua tới hơn 250 triệu cổ phiếu của ngân hàng này.

Trên một số địa chỉ giao dịch cổ phiếu OTC, thời gian gần đây xuất hiện nhiều lệnh chào mua cổ phiếu VPBank với mức giá 49.000 – 50.000 đồng/cổ phiếu, trong khi có những lệnh bán với giá 35.000 – 37.000 đồng/cổ phiếu!? Các mức giá chào mua, chào bán này đều cao vượt trội so với phần lớn cổ phiếu ngân hàng trên sàn, kể cả các ngân hàng hàng đầu như VietinBank, Vietcombank. Đáng nói là hồi đầu năm nay, cổ phiếu này được mua bán “trao tay” ở mức dưới mệnh giá.

VPBank vừa công bố kết quả năm 2016 với các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận vươn lên mức kỷ lục trong các năm qua. Tổng thu nhập hợp nhất của VPBank đạt gần 16.900 tỷ đồng, riêng Ngân hàng đạt gần 9.300 tỷ đồng, dẫn đầu khối ngân hàng TMCP tư nhân. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.929 tỷ đồng (riêng Ngân hàng là hơn 3.400 tỷ đồng), tăng 59% so với năm 2015 và vượt 54% so với kế hoạch đề ra.

6 tháng đầu năm 2017, VPBank đã đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 3.260 tỷ đồng, vượt 10% so với kế hoạch 6 tháng và tăng 107% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, VPBank dự kiến lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng 38% so với kết quả 2016.

Và Viettel Contrucstion

CTCP Công trình Viettel (CTR) dự kiến chào sàn UPCoM chậm nhất vào quý III/2017, theo như tuyên bố của lãnh đạo doanh nghiệp này tại ĐHCĐ 2017. Trên thị trường tự do, cổ phiếu CTR đang được săn mua với mức giá trên 30.000 đồng/cổ phiếu.

CTR là đơn vị xây lắp viễn thông trực thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel. Theo CTR, Công ty đã xây dựng hơn 50.000 trạm phát sóng, hơn 140.000 km cáp quang tại Việt Nam và nhiều thị trường nước ngoài. CTR hiện có 9 công ty con đang hoạt động tại các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ.

Năm 2016, Công ty đạt tổng doanh thu hợp nhất 1.715 tỷ đồng, tăng 8,54% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 131,6 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2015.

Năm 2017, CTR đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 2.152 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 141 tỷ đồng, trả cổ tức 15 - 20%. Qúy I/2017, CTR đạt doanh thu thuần 433 tỷ đồng và lãi sau thuế 24 tỷ đồng, tăng lần lượt 42,4% và 26,7% so với cùng kỳ 2016.

Săn cổ phiếu OTC sắp lên sàn đang trở thành xu hướng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Điều này có thể bắt nguồn từ kỳ vọng hiệu ứng chào sàn (giá cổ phiếu tăng mạnh, đặc biệt trên UPCoM có biên độ tăng tới 40% trong phiên chào sàn).

Tuy nhiên, xu hướng đầu tư này cũng tiềm ẩn rủi ro lớn. Không ít nhà đầu tư đã “ăn trái đắng” khi mua cổ phiếu OTC với giá cao, nhưng cổ phiếu lại được chào sàn với giá thấp hơn, hay cổ phiếu chỉ tăng mạnh trong phiên chào sàn, rồi bị xả hàng, lao dốc, mà không kịp trở tay.         

Tin bài liên quan