GS. TS. Vương Đình Huệ và những dấu ấn với thị trường chứng khoán Việt Nam

GS. TS. Vương Đình Huệ và những dấu ấn với thị trường chứng khoán Việt Nam

(ĐTCK) Năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (28/11/1996 - 28/11/2016). Trong chặng đường phát triển nhiều thăng trầm đó của ngành Chứng khoán cũng như thị trường, ở mỗi thời kỳ, người đứng đầu ngành Tài chính đều để lại những dấu ấn riêng. Với GS.TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, dù đảm nhiệm cương vị “tư lệnh” ngành Tài chính trong thời gian không dài (7/2011 - 5/2013), nhưng những dấu ấn mà ông để lại cho thị trường vẫn rất đậm nét với những kinh nghiệm quý rất đáng trân trọng.

Vị “Tư lệnh” của thời kỳ biến động

Có thể khẳng định GS.TS. Vương Đình Huệ đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính trong giai đoạn TTCK Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhất. Nền kinh tế Việt Nam chịu hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lạm phát lên đến hai con số, doanh nghiệp đình đốn hoạt động, TTCK suy giảm kéo dài và thường xuyên phải đối mặt với những biến động tiêu cực từ chủ quan lẫn khách quan.

Trong giai đoạn khó khăn này, quyết sách của người đứng đầu ngành Tài chính và của tập thể cán bộ, công chức ngành Chứng khoán với quyết tâm tái cấu trúc để phát triển thị trường bền vững đã tạo niềm tin mới cho cộng đồng các NĐT trong và ngoài nước, tạo nên sức sống mới cho thị trường vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất. Nếu như những giải pháp căn bản, đúng hướng và kịp thời được đưa ra đã “tiếp sức” cho thị trưởng đi lên từ “đáy” của bất ổn vĩ mô thì sự ứng xử thông tuệ và khéo léo của người đứng đầu ngành Tài chính khi đó đã “cứu” cho thị trường không bị rơi vào vòng xoáy của đổ vỡ, thậm chí là đóng cửa, khi những sự kiện nhạy cảm xảy ra…

Đó là thời điểm tháng 8 năm 2012, vào đúng lúc TTCK được dự báo sẽ sớm trở lại chu kỳ tăng trưởng sau quá trình điều chỉnh và tích lũy thì một sự kiện “đặc biệt” đã xảy ra. Và rất có thể, trong lịch sử 12 năm hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam từ lúc hình thành cho đến giai đoạn này, đây là một thời điểm “lịch sử”, chứng kiến những thời khắc cam go nhất đe dọa không chỉ tài sản của doanh nghiệp và nhà đầu tư mà cả sự còn mất của thị trường.

Sự kiện “lịch sử” đó xảy ra vào ngày 21/8/2012 -  “ngày thứ Ba đen tối” với biến cố ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên thành viên sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu bị bắt.

Những thông tin đồn đoán tiêu cực lập tức tác động đến cổ phiếu của tất cả các ngân hàng đang niêm yết trên sàn rồi lan tỏa ra toàn thị trường. Chỉ trong một tiếng giao dịch đầu tiên của ngày 22/8, VN-Index đã “rơi thẳng đứng” và mất hơn 14 điểm. Sau 3 ngày, TTCK bị "bốc hơi" tổng cộng 5,6 tỷ USD. Chỉ trong vòng 6 ngày sau biến cố, chỉ số giá chứng khoán trên HoSE giảm tới 11,8% và trên sàn Hà Nội giảm tới 15,4%. Đà giảm điểm nối dài trong suốt 2 tháng sau đó kéo TTCK vào thời kỳ đen tối nhất kể từ khi ra đời. 

TS.Edmund Malesky, chuyên gia người Mỹ nghiên cứu về TTCK Việt Nam nhìn nhận: ngày 21/8 chính là ngày mà “niềm tin kinh doanh giảm mạnh” và “đây là sự suy giảm TTCK duy nhất lớn hơn khoảng suy giảm các NĐT đã ước tính căn cứ trên xu hướng được quan sát trước đó trong mùa hè. Hay nói cách khác, ngày 21/8/2012 là một cú sốc lớn không được dự báo trước đối với tâm lý NĐT...”.

Bản lĩnh và  trách nhiệm

Trong bối cảnh cam go mang tính sống còn với thị trường như vậy, có thể nói Bộ Tài chính và UBCKNN đã thực sự bản lĩnh để đối mặt, để vững tay chèo và kiên định đưa “con thuyền” chứng khoán vượt qua sóng gió, nguy nan, cập bến ổn định và an toàn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế thì trong bối cảnh nguy nan lúc đó, việc chúng ta đã giữ cho TTCK vận hành an toàn, liên tục, không bị gián đoạn, sụp đổ, để rồi sau đó trở lại đà tăng trưởng ấn tượng là dấu ấn lớn nhất.

Không nhiều người biết rằng khi sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, TTCK rúng động, đã có không ít ý kiến, kể cả của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, một số chuyên gia kinh tế kiến nghị cần tạm ngừng giao dịch chứng khoán cho đến khi cơ quan quản lý có các biện pháp ổn định thị trường. Nhiều NĐT chứng khoán đã ký vào thư khẩn cấp gửi Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN đề xuất giải pháp cứu VN-Index hoặc tạm đóng cửa thị trường... Tâm lý hoang mang tràn ngập, lây lan nhanh chóng từ các NĐT cá thể đã sang cả một số công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ... Râm ran những tin đồn TTCK Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng và có nguy cơ sụp đổ... 

Trong bối cảnh đó, đích thân Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã bất kể thời gian, giờ giấc họp bàn cùng lãnh đạo UBCKNN để đưa ra những kế sách “giải cứu” hữu hiệu nhất.

Có ý kiến cho rằng, thời điểm đó rất cần sự xuất hiện của đích thân Bộ trưởng Vương Đình Huệ trên truyền hình với những tuyên bố trấn an nhà đầu tư và toàn thể TTCK. Tuy nhiên, vị Bộ trưởng biết nhìn xa, trông rộng và nổi tiếng với những ứng xử tình thế thông thái và chuẩn xác sau một hồi suy nghĩ đã quyết định rất nhanh: Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng sẽ là người “đăng đàn” phát ngôn khẳng định sự tồn tại của thị trường cũng như chỉ rõ hành vi bán khống trái luật và những tin đồn vô căn cứ gây tâm lý xấu trên TTCK. Quyết định như vậy không phải Bộ trưởng Vương Đình Huệ né tránh vấn đề nhạy cảm mà ông nhìn nhận rất thông tuệ: Sự xuất hiện của người đứng đầu ngành Tài chính, cơ quan quản lý của UBCKNN vào thời điểm ấy rất có thể khiến tâm lý NĐT thêm hoang mang, suy diễn thị trường chắc đang nguy ngập Bộ trưởng Bộ Tài chính mới phải lên tiếng, đăng đàn.

Việc Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng “đăng đàn” chính là làm “bình thường hóa” những nguy cơ của thị trường khi đó, đồng thời người đứng đầu UBCKNN còn rất phù hợp để lên tiếng cảnh báo những vi phạm của một số công ty chứng khoán trong vấn đề “bán khống”, trục lợi, nhằm ổn định tâm lý và lòng tin của NĐT, qua đó thể hiện rõ bản lĩnh và năng lực giám sát, quản lý thị trường. “Nước cờ” cao tay đó đã cho kết quả mỹ mãn. Đà lao dốc của thị trường bị chặn lại và chỉ sau vài phiên giao dịch, thị trường đã lấy lại sắc xanh. Thậm chí, một số cổ phiếu vừa bị bán tháo trước đó đã lập tức được gom mua mạnh mẽ khi tâm lý NĐT ổn định…

Sau này, khi nhìn nhận lại, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao quyết định sáng suốt và đầy trách nhiệm đó của Bộ Tài chính, đứng đầu là Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Không ít chuyên gia cho rằng, vào những thời điểm vô cùng nhạy cảm đó, nếu cơ quan chịu trách nhiệm quản lý TTCK là Bộ Tài chính không có tầm nhìn và bản lĩnh thì thị trường sẽ không thể vượt qua được...và nếu như chúng ta tạm đóng cửa thị trường thì chắc chắn TTCK sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều bất ổn tiêu cực lớn hơn, dài hạn hơn. Hình ảnh nền kinh tế Việt Nam trong con mắt bè bạn và giới đầu tư quốc tế sẽ cũng sẽ bị tổn thương, giảm sút…

Tiếp nối thành công đó, những năm qua, TTCK Việt Nam không ngừng đứng vững trước thử thách và những biến động, đồng thời đạt được nhiều thành công mới. Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, từ giữa năm 2013 đến nay, thị trường đã đạt được những thành công lớn như chỉ số VN – Index luôn giữ vững trên 500 điểm; quy mô của thị trường ngày càng được mở rộng, tâm lý NĐT ngày càng vững vàng hơn và TTCK phái sinh đang ấp ủ ra đời sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho TTCK, giảm thiểu rủi của NĐT và tăng tính hấp dẫn cho TTCK Việt Nam…

Vào những ngày này, khi ngành Chứng khoán đang chuẩn bị kỷ niệm tròn hai thập kỷ, nhắc lại câu chuyện năm xưa để càng thấy trân trọng hơn những đóng góp của những thế hệ lãnh đạo ngành Tài chính mà GS.TS. Vương Đình Huệ là một vị Bộ trưởng đã khắc ghi những dấu ấn đậm nét.

Từ sự đứng vững trong gian khó những năm chưa xa đó, những năm qua, hàng loạt chính sách tái cấu trúc đã được Bộ Tài chính và UBCKNN triển khai hiệu quả, đưa thị trường bước vào thời kỳ mới phát triển ổn định và vững chắc, tiếp tục trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho DN cũng như toàn thể nền kinh tế, kênh gửi vốn đầu tư an toàn, có lợi nhuận cho cộng đồng các NĐT…đón đầu cơ hội phát triển mới của hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn 2016 - 2020.

Tin bài liên quan