Nam A Bank đã chuẩn bị từ lâu cho một cuộc sáp nhập đặc biệt với Eximbank

Nam A Bank đã chuẩn bị từ lâu cho một cuộc sáp nhập đặc biệt với Eximbank

Gom cổ phiếu ngân hàng trước M&A

(ĐTCK) Trong khi các cổ phiếu ngân hàng trên sàn chững lại sau giai đoạn tăng nóng thì cổ phiếu của Eximbank (EIB) bỗng thành hiện tượng, đặc biệt với phiên tăng trần và hơn 11 triệu cổ phiếu được gom phiên đầu tuần.

Sau phiên bùng nổ của EIB đầu tuần này, nhiều đồn đoán nghiêng về khả năng một nhóm cổ đông lớn gom cổ phiếu trước thềm đại hội về nội dung sáp nhập Eximbank và Nam A Bank. Đồn đoán này dễ được chấp nhận bởi câu chuyện này đã từng xảy ra tại một số ngân hàng khác trong câu chuyện có được chiếc ghế tại HĐQT sau đại hội.

Đặc biệt, trong việc sáp nhập Eximbank và Nam A Bank, vốn chưa có tin chính thức nào được phát ra từ mỗi bên, nhưng các động thái thay đổi, bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự mỗi bên đều diễn biến rất… kịch tính!

Điểm lại một số diễn biến chính có thể thấy, để đi tới đại hội bất thường của của Nam A Bank diễn ra hôm nay (15/7) và ĐHCĐ thường niên của Eximbank diễn ra sau đó gần 1 tuần (21/7), câu chuyện không đơn giản như các trường hợp sáp nhập trước đó. Đầu tiên là thời điểm đại hội của Eximbank diễn ra khá muộn so với các ngân hàng khác.

Tiếp tới là phía đối tác Nam A Bank dường như đã sẵn sàng cho cuộc “đánh chiếm” ngoạn mục khi một ngân hàng với quy mô nhỏ “sáp nhập ngược” ngân hàng có quy mô vốn điều lệ gấp 5 lần (tính tới cuối năm 2014).

Cụ thể, ngay từ đại hội thường niên của Nam A Bank, 2 gương mặt nổi bật là Trần Ngô Phúc Vũ và ông Trần Ngọc Tâm, nguyên Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc Nam A Bank đã thôi chức vụ để ứng cử vào HĐQT Eximbank. Hai nhân vật này đang có tỷ lệ năm giữ cổ phiếu Eximbank là hơn 20%.

Mới đây nhất Chủ tịch HĐQT của Nam A Bank ông Nguyễn Quốc Toàn bất ngờ từ nhiệm, và dự kiến sẽ được ĐHCĐ bất thường hôm nay của Nam A Bank thông qua. Điều này đã khiến các nhà đầu tư liên tưởng đến việc ông Toàn rời ghế Chủ tịch Nam A Bank để ngồi ghế “nóng” Chủ tịch Eximbank.

Chưa hết, động thái của Vietcombank, một cổ đông lớn của Eximbank bất ngờ dồn toàn bộ số cổ phần có quyền biểu quyết chiếm 8,2% vốn điều lệ của Eximbank cho một cá nhân xuất thân từ Ngân hàng Nam A Bank ông Trần Ngô  Phúc Vũ, càng thêm khẳng định việc “sáp nhập ngược” cơ bản… đã xong!

Bà Tư Hường, bà chủ của Nam A Bank dường như đã thành công với một kịch bản sáp nhập khá độc đáo.

Nhưng có lẽ, mọi câu chuyện đều không đơn giản. Đến thời điểm này, các lãnh đạo chủ chốt của Eximbank đều chưa có những thông điệp cụ thể. Câu hỏi đặt ra là lãnh đạo Eximbank có dễ dàng chấp nhận một thương vụ như vậy không?

Câu trả lời sẽ có tại ĐHCĐ của Eximbank trong tuần tới. Còn quay lại với diễn biến của cổ phiếu EIB hai phiên đầu tuần này, kịch bản gom phiếu là có, tuy nhiên cần nhớ rằng danh sách dự đại hội của Eximbank đã được chốt từ rất lâu. Vì vậy, việc gom phiếu sát thời điểm tổ chức đại hội không có nhiều ý nghĩa.

Nhưng nếu vậy, tại sao EIB lại có sự đột biết về giao dịch và giá?

Theo nhận định của một chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, hiện Eximbank đang là ngân hàng mạnh khỏe sau khi tái cơ cấu lại tài sản và bán nợ cho VAMC trong quý IV/2014. Giá cổ phiếu EIB thời gian qua được cho là giao dịch ở mức thấp nên cũng là cơ hội cho nhà đầu tư.

Nhưng quan trọng hơn là sự thiếu rõ ràng trong sáp nhập EIB nên giá cổ phiếu gần như đứng nguyên trong sóng ngân hàng vừa qua. Giờ đây, khả năng các nhóm cổ đông lớn đã đạt được sự đồng thuận với minh chứng là thống nhất (và được NHNN chấp thuận) tổ chức ĐHCĐ khiến hướng đi cho Eximbank đã rõ ràng hơn khiến EIB có lý do để tăng tốc.

Gom cổ phiếu trước đại hội hay vì lý do gì khác có lẽ không còn quan trọng, EIB đã trở lại đường đua trên sàn chứng khoán. Nhưng với nhà đầu tư, trường hợp EIB là một kinh nghiệm đầu tư đáng lưu ý.

Trước đây, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra tiếc nuối khi không kịp gom cổ phiếu của MHB (chưa niêm yết) bởi BIDV “ra tay” quá nhanh khi sáp nhập ngân hàng này. Tỷ lệ chuyển đổi 1:1 là món hời lớn nếu kịp sở hữu cổ phiếu MHB trước thời điểm ngân hàng này sáp nhập vì mức giá của BIDV thời điểm đó khoảng 19.000 đồng/CP, gấp hơn 2 lần giá giao dịch của cổ phiếu MHB trên sàn chưa niêm yết.

Tương tự là thương vụ sáp nhập Southern Bank – Sacombank, tỷ lệ 1:0,75 (một cổ phiếu Southern Bank sẽ được chuyển đổi thành 0,75 cổ phiếu Sacombank) được coi là tỷ lệ quá hời với cổ đông của Southern Bank khi giá cổ phiếu STB xấp xỉ 20.000 đồng/CP, trong khi giá cổ phiếu của Southern Bank chỉ bằng ¼ mức giá này.

Với kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam về dưới con số 20 ngân hàng, sẽ còn những vụ sáp nhập, và sẽ còn những cuộc săn cổ phiếu. Vấn đề là sự bất đối xứng thông tin giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ mà thôi.

Tin bài liên quan