Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản đã tìm được “điểm rơi“?

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản đã tìm được “điểm rơi“?

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu bất động sản đã có chuỗi ngày dài tăng mạnh và cuộc đua này vẫn tiếp diễn trong tuần qua khi nhiều mã đua tăng trần như TDH, SCR... Mặc dù có những lo ngại về "điểm rơi", nhưng một số các chuyên gia cho rằng, nhiều cổ phiếu trong nhóm này vẫn còn hấp dẫn và dòng tiền sẽ tiếp tục chảy mạnh vào những mã thật sự có tin tức hấp dẫn chứ không lan tỏa cả ngành.

Dù có những biến động nhưng nhìn chung thì trường vẫn duy trì được nhịp tăng khá tốt. Yếu tố nào đang “nâng đỡ” cho thị trường? Trước ngưỡng kháng cự 725 điểm, liệu các chỉ số có đang đứng trước áp lực điều chỉnh trong tuần tới không, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Thị trường bất ngờ tăng mạnh kể từ phiên ngày 09/05 mà nhiều người cho rằng nó liên quan đến dòng vốn ngoại khi TTCK Pakistan vào nước mới nổi và đồng thời khả năng hiệp định TPP hồi sinh. Tuy nhiên, nếu quan sát dài hơn thì VN-Index đã bắt đầu tăng kể từ cuối tháng 4 và gần đây đã hình thành một chuỗi tăng giá.

Điều này xuất phát từ tâm lý nhà đầu tư từ trước đó về TTCK, về khả năng sinh lời và là kênh đầu tư hấp dẫn hơn bất cứ kênh đầu tư nào khác vào lúc này. Vì thế dòng tiền chảy vào thị trường khá mạnh và hiện tại vẫn đang hiện hữu trên thị trường.

Mốc 725 điểm thực ra không phải là kháng cự của thị trường nên không quá đáng ngại.

Tôi quan tâm tới một số điểm của thị trường vào lúc này như VN-Index chỉ còn cách mức đỉnh 731 điểm khoảng cách rất nhỏ, nhưng biên độ tăng của chỉ số gần đây khá hẹp mặc dù dòng tiền không hề yếu.

Thứ hai, VN-Index đang hình thành mô hình 2 đỉnh, giống như nhiều cổ phiếu sau nhịp tăng vừa qua  như SSI...

Thứ ba là chỉ số này đang tiếp cận vùng quá mua và việc điều chỉnh cũng không ngoại trừ.

Và cuối cùng, để VN-Index có thể hình thành một nhịp tăng mạnh nữa, thị trường cần một động lực tăng đủ mạnh đẩy chỉ số này bứt tốc qua đỉnh.

Cá nhân tôi chưa nhìn thấy điểm này, trong khi quan sát nhiều mã bluechip hầu hết đã tăng tốc khá mạnh như REE, PPC, HBC, FPT, VND, HCM... và bắt đầu gặp khó tại đỉnh. Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi kỹ thị trường trong giai đoạn tuần tới và cân nhắc chốt lời đối với cổ phiếu đã tăng giá mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank

Năm nay hoạt động lãi suất và tỷ giá đầu năm giữ ở mức ổn định cùng với tình hình chính trị thế giới không có quá nhiều biến động là yếu tố hỗ trợ ban đầu cho thị trường trong nước.

Hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp trong quý I cũng có sự tăng trưởng tốt là yếu tố cốt lõi giúp các cổ phiếu tăng trưởng. Không những vậy, những cổ phiếu hàng đầu vẫn kiếm được lợi nhuận tốt so với cùng kỳ tạo thế vững chắc giúp các quỹ lớn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

Thanh khoản luôn giữ ở mức cao và lan tỏa đều ở khá nhiều cổ phiếu ở các ngành nóng như dược, bất động sản, xây dựng giúp thị trường luôn sôi động. Dòng tiền đang chảy vào các nhóm cổ phiếu có tin tức chia cổ tức, thoái vốn, hay kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ở quý II, vì vậy thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh.

Hiện tại chỉ số VN-Index đang đứng trước ngưỡng kháng cự 730 khá cứng trong bối cảnh không có nhiều thông tin doanh nghiệp hỗ trợ, vì vậy thị trường có thể duy trì ở thế tích lũy trong một vài tuần trước khi chuyển sang vị thế mới.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường – CTCK BIDV

Thị trường vẫn nằm trong xu hướng tăng điểm từ đầu năm, thanh khoản duy trì ở mức cao và thị trường chưa có những đợt giảm mạnh trước những thông tin tiêu cực từ quốc tế. Chúng tôi cho rằng những yếu tố "nâng đỡ" thị trường hiện tại gồm:

- Chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt, theo hướng nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đang giúp cho tăng trưởng tín dụng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ của nhiều năm. Điều này một mặt góp phần cải thiện lợi nhuận của nhóm cổ phiếu ngân hàng, là nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường và phần nào tạo hiệu ứng tích cực đến dòng tiền vào các kênh đầu tư trong đó có chứng khoán.

- Hoạt động mua vào của khối ngoại, chỉ tính riêng trên HSX đến 12/5 khối ngoại đã mua ròng 5.458 tỷ so với mức rút ròng 7.974 tỷ trong năm 2016. Sự đảo chiều sang trạng thái mua ròng của khối ngoại ở thị trường Việt Nam cũng nằm xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào thị trường chứng khoán khu vực thị trường mới nổi, điều này giúp các thị trường này đều có chuyển biến tích cực.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản đã tìm được “điểm rơi“? ảnh 1

 Ông Bùi Nguyên Khoa

- Kết quả kinh doanh quý I cải thiện ở các ngành có tầm ảnh hưởng lớn như Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản và Tiêu dùng … đang giữ và giúp cho dòng tiền luân chuyển tích cực trong bối cảnh thông tin hỗ trợ đang cạn dần.

Quá trình dịch chuyển dòng tiền vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong tuần qua đang khiến cho áp lực chốt lãi tăng lên và là yếu tố cần lưu ý khi VN-Index đang hướng tới kiểm tra vùng đỉnh 730 - 732 điểm. Tuy nhiên, xét về vận động dòng cổ phiếu, giao dịch khối ngoại và biến động thanh khoản chúng tôi chưa nhận thấy nguy cơ điều chỉnh trong tuần tới không lớn.

Trong phiên cuối tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản đã có sự khởi sắc khi lần lượt nhiều mã đua tăng trần như TDH, SCR... Liệu nhóm cổ phiếu bất động sản đã tìm được "điểm rơi" chưa, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Cá nhân tôi không ấn tượng nhiều với nhóm cổ phiếu này, bởi kết quả kinh doanh thực tế không còn nhiều ấn tượng. Tôi cũng chưa nhìn thấy động lực hay thông tin hỗ trợ mạnh cho ngành này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, dòng tiền vẫn tập trung khá mạnh và tạo ra biên lợi nhuận hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Vì thế, tôi không có nhiều đánh giá cổ phiếu nhóm này, cái tôi quan tâm chính là dòng tiền của từng doanh nghiệp, có nghĩa họ có bán được hàng không, tiền có thu về được không hay lại là lợi nhuận rất cao mà dòng tiền thì chẳng có.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Các cổ phiếu bất động sản tăng giá đều có câu chuyện riêng mà có thể chia thành các loại như đến từ việc thoái vốn, trả nợ, một số khác kỳ vọng ở việc chia thưởng cổ tức và một số cổ phiếu đang có sự hồi phục sau thời gian khó khăn cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản đã tìm được “điểm rơi“? ảnh 2

Ông Nguyễn Hồng Khanh  

Nhiều cổ phiếu bất động sản có thị giá thấp và có lịch sử giao dịch mang tính đầu cơ cao vì vậy khi có tín hiệu hấp dẫn thì hoạt động đầu cơ có cơ hội được đẩy mạnh trở lại.

Tôi cho rằng nhiều cổ phiếu vẫn còn hấp dẫn nhà đầu tư và dòng tiền sẽ còn đổ vào nhiều những cổ phiếu này trong ngắn hạn. Tuy nhiên dòng tiền chỉ chảy vào những cổ phiếu thật sự có tin tức hấp dẫn chứ không lan tỏa cả ngành.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường – CTCK BIDV

Vận động tăng giá của nhóm cổ phiếu bất động sản đã kéo dài hơn 1 tháng gần đây. Quá trình tăng giá tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu có quy mô vừa và nhỏ, có triển vọng lợi nhuận đột biến từ việc bán dự án, có quỹ đất lớn, có hoạt động M&A tích cực hoặc có kết quả kinh doanh quý I cải thiện. Kỳ vọng về điểm rơi lợi nhuận trong năm này, cùng với sự sốt đất ở nhiều khu vực tại thành phố Hồ Chí Minh đang giúp nhiều cổ phiếu đã có mức tăng trên 50%.

Nhóm cổ phiếu này đang có dấu hiệu tăng trưởng nóng và đứng trước nguy cơ điều chỉnh trong ngắn hạn nhưng xu hướng tăng điểm dự còn duy trì trong trung hạn nhờ các yếu tố kỳ vọng, chuyển dịch của dòng tiền và hiệu ứng so sánh tương quan giữa cổ phiếu trong ngành nhờ quy mô ngành lớn.

Nhiều CTCK khuyến nghị trong ngắn hạn, nhà đầu tư không nên giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục, đặc biệt tại các nhóm cổ phiếu mang tính thị trường. Còn đâu là quan điểm và chiến lược đầu tư của ông/bà ở giai đoạn này?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Trong báo cáo quý II mà IVS phát hành, chúng tôi đã nhận định rằng, VN-Index sẽ tiếp cận vùng 730-750 điểm, nhưng việc đầu tư sẽ không còn dễ như quý I. TTCK vẫn sẽ là điểm đầu tư hấp dẫn nên nó vẫn đón nhận dòng tiền tích cực của cả khối nội lẫn ngoại.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Cổ phiếu bất động sản đã tìm được “điểm rơi“? ảnh 3

Ông Nguyễn Hữu Bình 

Tùy thuộc vào chiến lược đầu tư của từng người, nhưng nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu thật kỹ càng và chiến lược tốt nhất là nắm giữ những cổ phiếu cơ bản có kết quả kinh doanh tích cực có thể nhìn thấy ngay từ quý I.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)

Mỗi nhà đầu tư có chiến lược giao dịch phù hợp với cá tính của mình vì vậy sẽ khó có công thức chung hoàn hảo cho mọi người. Tuy nhiên có một điểm chung là nhà đầu tư hiện nay dù ở trường phái nào cũng đã thận trọng và kiểm soát rủi ro tốt hơn trước đây nhiều. Đây là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư luôn giữ tài khoản ở vị thế an toàn và không để mình ở thế bị động.

Thị trường hiện tại phù hợp cho cả việc đầu tư dài hạn và cả lướt sóng vì vậy nhà đầu tư có thể dành 40%-60% danh mục để đầu tư ngắn hạn để kỳ vọng thu lợi nhuận nhanh hơn.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường – CTCK BIDV

Hiện tại các chỉ số đang quay về kiểm tra đỉnh cũ, áp lực chốt lãi gia tăng do vậy chúng tôi cũng cho rằng sự thận trọng, đặc biệt với những cổ phiếu mang tính thị trường là điều cần thiết.

Dù vậy, nhà đầu tư có thể lựa chọn chiến lược đầu tư chủ động đón đầu ở những cổ phiếu cơ bản, có triển vọng tích cực và chưa có mức tăng tương ứng so với thi trường. Khi thanh khoản giữ ở mức cao như hiện tại, dòng tiền sẽ sớm vận động qua nhóm cổ phiếu, điều này tránh cho việc lỡ cơ hội đầu tư đồng thời cũng hạn chế nguy cơ mua phải đỉnh ngắn hạn ở các cổ phiếu đã tăng nóng.

Tin bài liên quan