Gỡ nút thắt tạo lập thị trường, câu hỏi và câu hỏi

Gỡ nút thắt tạo lập thị trường, câu hỏi và câu hỏi

(ĐTCK) Những ngày này, khi câu chuyện về xây dựng cơ chế cho giao dịch nhà tạo lập thị trường (market maker) đang nóng lên, thị trường xuất hiện những băn khoăn đặc biệt liên quan đến cơ chế phí, cách hạch toán và các vấn đề phát sinh khác. Vậy làm cách nào để khắc phục tình trạng này?

Hóa giải bất ngờ

Ghi nhận tại các công ty chứng khoán (CTCK), doanh nghiệp niêm yết cho thấy, họ thắc mắc nguồn cổ phiếu để phục vụ giao dịch ký quỹ sẽ do CTCK cung cấp dịch vụ tạo lập bỏ tiền ra hay doanh nghiệp niêm yết tự bỏ? Nếu CTCK tự lập quỹ, khoản này có tính vào tự doanh? Nếu doanh nghiệp cung cấp thì có tính vào cổ phiếu quỹ? Chi phí cho hợp đồng tạo lập thị trường có được coi là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế, hay có rào cản gì để ngừa xung đột giữa tự doanh và giao dịch tạo lập thị trường?

Trao đổi với một quan chức ngành chứng khoán về những băn khoăn trên, Đầu tư Chứng khoán đã nhận được câu trả lời khá bất ngờ. Vị này cho biết, tất cả các lo ngại trên không tồn tại trên thực tế! Lý do bởi, cổ phiếu tạo lập thị trường được tính vào tự doanh CTCK và sẽ không có mức phí nào phải trả giữa CTCK và doanh nghiệp phát hành.

Vị này cho rằng, thỏa thuận giữa CTCK và doanh nghiệp phát hành cho phép doanh nghiệp được là nhà tạo lập cổ phiếu. Vì là cổ phiếu tự doanh, nên doanh nghiệp phải tự cân nhắc lựa chọn thật kỹ trước khi đầu tư và ký hợp đồng tạo lập thị trường cho cổ phiếu. Chính việc tăng giá cổ phiếu sẽ là phần thưởng cho CTCK khi cung cấp dịch vụ này.

Vậy, liệu CTCK có hào hứng với vai trò mới? 

Cần những thay đổi pháp lý để market maker hấp dẫn hơn

Như vậy, một CTCK khi ký hợp đồng tạo lập thị trường cho cổ phiếu sẽ không nhận được phí cho dịch vụ này từ doanh nghiệp phát hành. Những lợi nhuận thu về chỉ đến từ chênh lệch cổ phiếu mua – bán và tăng giá cổ phiếu. Nếu dự báo sai, CTCK có thể bị lỗ. Vậy làm cách nào để CTCK hào hứng với dịch vụ này? Và CTCK sẽ phòng ngừa rủi ro như thế nào?

Trước hết, nhìn sang các thị trường chứng khoán quốc tế, để các nhà tạo lập thị trường có thể hoạt động hiệu quả, các sản phẩm khác như chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai… phải được đưa ra.

“Với một lượng cổ phiếu tối thiểu mà CTCK phải duy trì trong thời gian là nhà cung cấp dịch vụ tạo lập thị trường, nếu không có các công cụ phòng ngừa rủi ro thì sẽ rất đáng ngại. Tuy nhiên, chúng tôi đã tính toán đến yếu tố thời điểm. Năm tới, các sản phẩm phái sinh, hợp đồng tương lai… dự kiến sẽ triển khai và đó là lý do chúng tôi tính đến việc hiện thực hóa quy định về tạo lập thị trường vào thời điểm này”, vị lãnh đạo trên cho biết.

Nhưng, điều này liệu có đủ hấp dẫn và an toàn cho CTCK? Câu trả lời là nếu có công cụ phòng ngừa rủi ro, CTCK sẽ an toàn hơn về mặt tài chính. Còn về sức hấp dẫn thì chưa. Bởi vì, một CTCK có nghiệp vụ tự doanh cũng hoàn toàn có thể thực hiện việc mua bán hàng ngày (mà đó là quyền, không phải là nghĩa vụ bắt buộc) và có quyền nắm giữ cổ phiếu. Vậy tại sao họ cần phải trở thành nhà tạo lập thị trường để chịu các nghĩa vụ ràng buộc khác, trong khi lợi ích không có?

Về vấn đề này, một chuyên gia về lĩnh vực chứng khoán cho rằng, đừng đặt câu hỏi với quy định về tạo lập thị trường, thay vào đó, hãy hỏi về Luật Chứng khoán và các quy định có liên quan. Theo đó, một doanh nghiệp khác như ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty đầu tư… không cần cấp phép nghiệp vụ tự doanh, vậy họ có được quyền đầu tư cổ phiếu không? Câu trả lời là có. Vậy tại sao CTCK lại phải được cấp phép nghiệp vụ tự doanh để thực hiện đầu tư?

CTCK chỉ nên là đơn vị cung cấp dịch vụ, trong đó môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành, hay thanh khoản… cũng là một phần của các dịch vụ đó. Tự doanh, theo cách hiểu này, phải là một nghiệp vụ để phục vụ cho các dịch vụ khác như dịch vụ thanh khoản, bảo lãnh phát hành…, không phải là để CTCK đầu tư, nắm giữ và kiếm lời.

“Tôi cho rằng, về lâu dài, Luật Chứng khoán cần sửa đổi theo hướng này. Khi đó, CTCK có ký dịch vụ về tạo lập thị trường cho doanh nghiệp thì mới được đầu tư. Nó sẽ là điểm nhấn quan trọng giúp thanh khoản thị trường được đảm bảo và đưa CTCK về đúng chức năng của mình, phù hợp với thông lệ quốc tế”, vị chuyên gia cho biết.

Ngoài ra, để tạo lập thị trường trở nên hấp dẫn hơn với các CTCK, vị này cho rằng, ngay cả các sở GDCK cũng cần tính cơ chế liên quan đến phí để khuyến khích CTCK tham gia hoạt động này, ví dụ hỗ trợ mức phí giao dịch thấp…

“Tôi tin rằng, khi phân định chức năng rõ ràng trong các giao dịch chứng khoán, đặc biệt khi các công cụ về phòng ngừa rủi ro như chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai… đi vào thực tế, CTCK sẽ hào hứng với tạo lập thị trường. Trong tình huống đó, phân vai để tránh lo ngại nguy cơ làm giá cũng rõ ràng hơn. Ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng, việc đưa quy định về nhà tạo lập thị trường đã là bước tiến rất lớn cho thị trường chứng khoán”, vị chuyên gia trên nói.     

Tin bài liên quan