Gỡ khó cho cổ đông đến gần... doanh nghiệp

Gỡ khó cho cổ đông đến gần... doanh nghiệp

(ĐTCK) Ông Lim Chor Ghee, Tổng giám đốc Tập đoàn Tricor Việt Nam, một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong cung cấp dịch vụ quan hệ với nhà đầu tư cho các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam cho biết, cổ đông tại nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin.

Cơ hội gặp doanh nghiệp: Mỗi năm một lần

Tại Hội thảo “Quản trị công ty 2018: Quan hệ nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế”, do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp với Hội Kế toán công chứng Australia (CPA) tổ chức ngày 23/5, ông Lim Chor Ghee cho biết, website nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam không công khai ngay cả những thông tin rất cơ bản như báo cáo thường niên, báo cáo tài chính…, nên cổ đông, nhà đầu tư gặp khó khăn khi muốn tiếp cận thông tin về doanh nghiệp.

“Đọc website của nhiều công ty, khi nhà đầu tư muốn liên hệ với doanh nghiệp để làm rõ thông tin, nhưng chẳng biết liên hệ với ai, bằng cách nào”, ông Lim Chor Ghee nói.

Ở góc nhìn của một chuyên gia trong nước, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, so với thông lệ quốc tế về quản trị công ty (QTCT), trong đó có các quy định về quan hệ với nhà đầu tư, thì thực tế QTCT tại Việt Nam còn nhiều điểm đáng ngại.

Cụ thể, ở các nước, nguồn quy định về QTCT rất đa dạng, đó có thể là khuyến cáo, hướng dẫn của một hiệp hội, một nhóm công ty. Thậm chí, một trường đại học có thể ban hành tài liệu hướng dẫn về QTCT và khi xã hội thấy tốt thì doanh nghiệp tự giác áp dụng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, doanh nghiệp chỉ thực hiện các quy chuẩn về QTCT khi nội dung này được đề cập trong các văn bản được ban hành từ cơ quan quản lý nhà nước. Nghĩa là, doanh nghiệp chỉ tuân thủ các quy định mang tính bắt buộc, chứ chưa tự giác áp dụng các thông lệ và chuẩn mực tốt về QTCT trên thế giới. Trong khi đó, quy định pháp lý đang dừng lại ở mức tối thiểu về QTCT. Ngay cả ở mức yêu cầu thấp như vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc.

Qua nghiên cứu thông lệ quốc tế tốt về QTCT, ông Hiếu cho biết, ở nhiều công ty, tổng giám đốc và giám đốc tài chính dành tới 10 - 20% thời gian điều hành công ty cho thực hiện các hoạt động quan hệ với cổ đông, nhà đầu tư thông qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi. Tại đây, các chức danh điều hành này ngoài chủ động cung cấp thông tin cập nhật về hiện trạng hoạt động của công ty, còn trả lời rõ ngọn ngành các câu hỏi của cổ đông.

Thậm chí, ở nhiều nước, thành viên hội đồng quản trị độc lập còn tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin với các cổ đông tương lai mà không có sự xuất hiện của chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc để đảm bảo tính độc lập, khách quan.

“Bao giờ doanh nghiệp Việt Nam mới tiệm cận những cách thức quan hệ với nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế tốt như trên, khi mà như tôi là một ví dụ, sau nhiều năm mua cổ phiếu bị thua lỗ và trở thành cổ đông dài hạn bất đắc dĩ của một công ty, tôi chưa một lần có cơ hội gặp lãnh đạo doanh nghiệp ngoài cuộc gặp tại đại hội đồng cổ đông thường niên”, ông Hiếu nói.

Trong khi quốc tế họ coi trọng việc tổ chức các cuộc tọa đàm, khóa học đánh giá về hiện trạng phát triển của công ty nói chung, QTCT nói riêng với những mổ xẻ thẳng thắn, thì việc này còn quá mới tại Việt Nam, vì doanh nghiệp còn có tâm lý e ngại “vạch áo cho người xem lưng”.

“Ở vai trò là bộ phận thường trực theo dõi thực thi Luật Doanh nghiệp, một câu hỏi tôi thường được lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đặt ra là cách nào để hài hòa giữa minh bạch thông tin, đáp ứng yêu cầu thông tin của cổ đông, nhà đầu tư, nhưng không làm lộ bí mật công ty. Trong khi đó, doanh nghiệp ở các nước thường không lo lắng về vấn đề này, mà điều quan tâm lớn với họ là làm sao ngày càng cung cấp thông tin tốt hơn cho cổ đông, nhà đầu tư”, ông Hiếu cho hay.

Cần thay đổi cách thức tương tác với cổ đông

Muốn nâng cao chất lượng quan hệ với nhà đầu tư, ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất là hành động của doanh nghiệp phải thay đổi, chứ không phải chỉ hoàn thiện hệ thống quy định pháp lý, các chế tài cưỡng chế thực thi và xử phạt. Hành động của doanh nghiệp sẽ mang lại kết quả tức thì, trong khi trông chờ vào quy định pháp lý sẽ thay đổi hành vi của doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian.

Theo ông Hiếu, doanh nghiệp không cần thành lập bộ phận quan hệ cổ đông/nhà đầu tư hoành tráng. Thay vào đó, doanh nghiệp nên phân công một cán bộ chuyên trách có đủ thông tin và thẩm quyền giải đáp các câu hỏi của cổ đông, nhà đầu tư. Danh tính cán bộ này cần được công khai kèm theo số điện thoại và email, để cổ đông tiện tương tác với doanh nghiệp. Làm tốt những việc này sẽ nâng cao chất lượng quan hệ với nhà đầu tư.

“Đừng để tình trạng cổ đông gọi 4 - 5 lần mà điện thoại cứ tò te tí, email gửi đến nhưng mãi không nhận được câu trả lời”, ông Hiếu lưu ý.

Ông Lim Chor Ghee khuyến nghị, để nâng cao chất lượng quan hệ với nhà đầu tư, điều quan trọng là doanh nghiệp cần thay đổi cách thức tương tác với cổ đông bằng cách định hình rõ một chiến lược trong quan hệ với nhà đầu tư; đánh giá lại chính sách thông tin với các cổ đông; nắm được thông tin cổ đông là những ai, họ cần gì ở doanh nghiệp…

“Ở Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp không có nhiều sự quan tâm tới cổ đông, họ mong muốn gì từ phía doanh nghiệp. Thế nên, doanh nghiệp không biết phải làm gì để cổ đông hài lòng, qua đó tiếp tục đầu tư vào doanh nghiệp. Cách thức tương tác với cổ đông của doanh nghiệp còn đơn điệu, bởi hiện chỉ dừng lại ở cuộc gặp cổ đông 1 lần/năm tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông. Như thế không ổn…”, ông Lim Chor Ghee nói.

Nâng cao chất lượng QTCT góp phần cải thiện chất lượng hàng hóa

Gỡ khó cho cổ đông đến gần... doanh nghiệp ảnh 1

 Ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK)

Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp lý về QTCT, đặc biệt là tự giác, năng động trong tiếp cận và áp dụng các thông lệ quốc tế về QTCT. HNX đang tiến hành nâng cấp chương trình đánh giá thông tin minh bạch thành đánh giá QTCT, đồng thời triển khai công bố thông tin minh bạch áp dụng với các công ty đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Đây là các chương trình thiết thực với thị trường, doanh nghiệp và công chúng đầu tư.

Nghị định 71/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, Thông tư 95/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 71/2017/NĐ-CP thể hiện quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan quản lý thị trường về vấn đề phổ biến và phát triển các thông lệ tốt về QTCT đối với doanh nghiệp. Đây là nền tảng cốt lõi cho việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tích cực nghiên cứu, triển khai chuẩn hóa quy định về QTCT đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, đồng thời ban hành Bộ nguyên tắc quản trị công ty (CG Code).

Doanh nghiệp hưởng lợi khi quan hệ tốt với nhà đầu tư

Gỡ khó cho cổ đông đến gần... doanh nghiệp ảnh 2

 Ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)

Quan hệ nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong phát triển doanh nghiệp với tư cách là một trong những kênh thông tin chính để thu hẹp khoảng cách giữa các công ty và các cổ đông cũng như các bên liên quan, hỗ trợ các công ty huy động vốn từ thị trường chứng khoán. Một số công ty niêm yết có hoạt động quan hệ nhà đầu tư tốt đã đạt được những kết quả có ý nghĩa với số lượng nhà đầu tư ngày càng tăng, thanh khoản của cổ phiếu được cải thiện…

HNX luôn nỗ lực trong thúc đẩy các hoạt động QTCT tốt của các công ty niêm yết và đăng ký giao dịch trên UPCoM bằng nhiều hoạt động cụ thể, trong đó hợp tác với các tổ chức chuyên nghiệp để cung cấp kiến thức, cũng như tạo ra sân chơi cho các công ty và các thành viên thị trường trao đổi thông tin và kinh nghiệm về QTCT trong quá trình phát triển bền vững của họ.

Tin bài liên quan