HNX đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững

HNX đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững

Giúp doanh nghiệp làm quen với báo cáo phát triển bền vững

(ĐTCK) Bỏ qua khả năng “đánh bóng” thông tin, chuyên gia của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) cho biết, nếu doanh nghiệp làm tốt báo cáo phát triển bền vững sẽ dễ gọi các dòng vốn đến đầu tư.

Tại Hội thảo quản trị công ty “Chuẩn công bố thông tin phát triển bền vững GRI”, trong khuôn khổ Tuần lễ quản trị công ty quý III/2017, do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và GRI phối hợp tổ chức, ý kiến từ các chuyên gia quản trị công ty, cũng như tiếng nói từ doanh nghiệp cho thấy, cải thiện chất lượng lập và công bố báo cáo phát triển bền vững không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà cả nhà đầu tư.

“Thông tin mà chúng tôi nhận được từ các doanh nghiệp coi trọng việc lập và liên tục cải thiện chất lượng báo cáo phát triển là họ thuận lợi hơn trong thu hút vốn từ nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở nhiều quốc gia, thường ít doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm đến lập báo cáo phát triển bền vững, nên doanh nghiệp nào quan tâm đến lập và công khai báo cáo này sẽ có lợi thế hơn trong vay vốn ngân hàng, cũng như huy động vốn từ các nhà đầu tư”, bà Asthildur Hjaltadottir, Giám đốc dịch vụ toàn cầu của GRI cho hay.

Theo ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc GRI Việt Nam, cải thiện chất lượng xây dựng và công khai báo cáo phát triển bền vững mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như: nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, giảm chi phí kinh doanh, thu hút vốn từ nhà đầu tư tốt hơn để mở rộng kinh doanh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đức, Ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG - sàn HNX), cho biết, tuy không đo lường được một cách việc lập báo cáo phát triển bền vững đã giúp TNG gia tăng doanh thu và lợi nhuận ra sao, nhưng với một doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động chính là dệt may, Công ty chỉ có thể ký được hợp đồng với đối tác, khách hàng nước ngoài khi phải đồng thời đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe của họ đưa ra về: môi trường, điều kiện làm việc và trách nhiệm xã hội với người lao động, với cộng đồng…

Chính việc thường xuyên cập nhật các tiêu chí mới về lập và công khai báo cáo phát triển bền vững đã giúp TNG đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của đối tác, từ đó phát triển thêm bạn hàng, mở rộng thị trường.

Vì những lợi ích kể trên, bà Asthildur Hjaltadottir khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần bám sát hệ thống tiêu chí trong báo cáo phát triển bền vững được GRI cập nhật về: nhóm tiêu chí kinh tế (sự hiện diện trên thương trường, hiệu quả kinh tế…); nhóm tiêu chí môi trường (vật liệu, năng lượng, phát thải…) và nhóm tiêu chí xã hội (việc làm, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, lao động trẻ em…), để lập và công khai báo cáo phát triển bền vững tới rộng rãi công chúng đầu tư.

Nhìn nhận số lượng các doanh nghiệp niêm yết xây dựng báo cáo phát triển bền vững độc lập với báo cáo thường niên chưa nhiều, ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, với một loạt hoạt động như: định kỳ hàng quý tổ chức chương trình quản trị công ty với chuỗi sự kiện thiết thực, Chương trình chấm điểm công bố thông tin và minh bạch các doanh nghiệp niêm yết, được tổ chức định kỳ hàng năm, những năm gần đây, HNX đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững, qua đó không chỉ gia tăng số lượng các doanh nghiệp xây dựng báo cáo phát triển bền vững độc lập, mà quan trọng hơn là góp phần cải thiện chất lượng quản trị công ty, mang lại những giá trị và lợi ích bền vững cho doanh nghiệp, cổ đông, khách hàng…

Thông qua báo cáo phát triển bền vững, nếu doanh nghiệp mang đến cho công chúng đầu tư những thông tin xác thực, đáng tin cậy, thì không chỉ mang lại những lợi ích cụ thể như trên, mà theo nhìn nhận của các chuyên gia về quản trị công ty, còn giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị, cải thiện uy tín trong con mắt nhà đầu tư.

Tuy nhiên, một khi doanh nghiệp mượn báo cáo phát triển bền vững như một kênh “đánh bóng” thông tin, thậm chí công bố thông tin gian dối trong báo cáo phát triển bền vững vì những toan tính không lành mạnh, thì không chỉ gây rủi ro cho nhà đầu tư, mà còn gây mất niềm tin cho công chúng đầu tư.

Khi đối mặt với rủi ro này, ai là người chịu trách nhiệm? Bà Asthildur Hjaltadottir cho biết, trách nhiệm này thuộc về doanh nghiệp, về người công bố thông tin của doanh nghiệp. Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp cần trung thực và nêu cao tính tuân thủ trong công khai các thông tin bền vững đáng tin cậy đến nhà đầu tư vì những lợi ích lâu dài của chính công ty, cổ đông, khách hàng…

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, UBCK cùng các sở GDCK và các bên liên quan sẽ triển khai nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức của các DN trên sàn.

Các DN cần tự giác tuân thủ và áp dụng các thông lệ quốc tế. UBCK sẽ hỗ trợ DN trong quá trình nâng cao chất lượng lập và công bố báo cáo phát triển bền vững.

Tin bài liên quan