Nhiều doanh nghiệp niêm yết đầu tư tài chính không hiệu quả

Nhiều doanh nghiệp niêm yết đầu tư tài chính không hiệu quả

Giật mình trích lập dự phòng đầu tư cổ phiếu

(ĐTCK) Đầu tư tài chính là hoạt động có thể mang lại khoản lợi nhuận lớn, nhưng trong nhiều tình huống cũng khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại lớn, thậm chí là mất trắng. Câu chuyện trích lập dự phòng dưới đây phần nào cho thấy thực trạng này.

Khoản đầu tư "nặng gánh" của Sabeco, PNJ…

Với việc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hồi giữa năm 2015, cổ phiếu của ngân hàng này đã bị một số cổ đông hạch toán 0 đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính bán niên 2017 của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho thấy, PNJ đang sở hữu 7,69% vốn của DongABank, với giá trị đầu tư ban đầu là 395,221 tỷ đồng. Khoản đầu tư này hiện đã được PNJ trích lập dự phòng 100%.

Câu chuyện tương tự với PNJ cũng xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB). Thuyết minh báo cáo tài chính của Sabeco đến hết quý II/2017 cho thấy, Tổng công ty có khoản đầu tư 136,265 tỷ đồng vào DongABank, tương đương mức sở hữu 0,95% vốn điều lệ ngân hàng này, hiện cũng được trích lập dự phòng toàn bộ. Điểm khác biệt giữa lý do hạch toán của PNJ và SAB là khoản đầu tư của SAB là dài hạn và không có thông tin về giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này.

… Đến những khoản dự phòng đầu tư tài chính trăm tỷ khác

Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD) là một trong những doanh nghiệp rất thành công ở ngành nghề kinh doanh chính. Thế nhưng, nhìn sang lĩnh vực “tay trái” là đầu tư tài chính thì GMD lại không cho thấy điều này.

Đến hết quý II/2017, GMD có 2 khoản đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng đều phải trích lập dự phòng lớn.

Theo đó, khoản thứ nhất có giá trị đầu tư ban đầu là 94,971 tỷ đồng, hiện đã trích lập dự phòng 44,591 tỷ đồng. Khoản tiếp theo là gần 13,869 triệu cổ phiếu với giá vốn 165,581 tỷ đồng và đã trích lập dự phòng 113,572 tỷ đồng, tương đương giá trị còn lại chỉ hơn 52 tỷ đồng.

Ngoài 2 khoản đầu tư nói trên, GMD còn một số khoản đầu tư khác cũng có tỷ lệ trích lập dự phòng trên giá vốn ở mức cao như khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Khoáng sản Mangan (giá vốn 14,234 tỷ đồng, trích lập dự phòng 13,737 tỷ đồng), Công ty cổ phần Quản lý quỹ Trí tuệ Việt Nam (đầu tư 5 tỷ đồng, trích lập dự phòng 3,2 tỷ đồng)...

Trở lại với danh mục đầu tư tài chính của Sabeco, tổng công ty này vẫn còn danh mục đầu tư dài hạn vào đơn vị khác với giá gốc 740 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2017, được trích lập dự phòng hơn 403 tỷ đồng.

Trong đó, có các khoản lỗ lớn như tại Công ty Bảo hiểm PVI Sài Gòn (đầu tư 51,475 tỷ đồng, trích lập 35,113 tỷ đồng), Công ty cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông (đầu tư 30,7 tỷ đồng, trích lập dự phòng 21,146 tỷ đồng), Quỹ Đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 (đầu tư 51,1 tỷ đồng, trích lập dự phòng 35,758 tỷ đồng), Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Đồng Nai (đầu tư 3,954 tỷ đồng, trích lập 3,793 tỷ đồng)...

Gemadept, PNJ hay Sabeco chỉ là 3 trong số nhiều doanh nghiệp niêm yết không thành công khi đầu tư tài chính, nhất là đầu tư vào các ngân hàng thương mại. Ở nhiều doanh nghiệp khác, do không được thuyết minh chi tiết nên khó ước lượng chính xác mức độ thiệt hại của các khoản đầu tư này.

Tại một số ngân hàng, thuyết minh báo cáo tài chính chỉ phản ánh khoản đầu tư vốn do tổ chức tín dụng khác phát hành lên tới gần 1.000 tỷ đồng, mà không thuyết minh chi tiết, cũng như chưa được trích lập dự phòng.

Tin bài liên quan