Giao dịch chứng quyền trên HOSE - Muốn chơi phải vững luật

Giao dịch chứng quyền trên HOSE - Muốn chơi phải vững luật

(ĐTCK) Sự ra đời của chứng quyền có bảo đảm (chứng quyền) hứa hẹn tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư bởi đây là sản phẩm có yêu cầu chi phí đầu tư thấp, tính đòn bẩy cùng khả năng sinh lời cao so với cổ phiếu thông thường. 

Tuy nhiên, như một tính chất luôn song hành, sản phẩm có tính đòn bẩy cao thì đồng thời cũng sẽ là sản phẩm ẩn chứa nhiều rủi ro khi đầu tư. Dưới đây là một số điểm mà nhà đầu tư cần lưu ý khi tham gia giao dịch sản phẩm mới này.

Thứ nhất, do tính chất đòn bẩy của chứng quyền, sự thay đổi của giá chứng khoán cơ sở tác động lên chứng quyền ở một tỷ lệ phần trăm lớn hơn. Nói cách khác, chứng quyền sẽ nhạy cảm hơn đối với các thông tin tốt, xấu của chứng khoán cơ sở và theo đó, mức sinh lời, rủi ro đối với chứng quyền cũng cao hơn.

Thứ hai, mỗi chứng quyền đều có vòng đời giới hạn, tối thiểu 3 tháng và tối đa 2 năm kể từ ngày phát hành. Vì vậy, tại thời điểm đáo hạn của chứng quyền, trong trường hợp chứng quyền không được thực hiện quyền (tại Việt Nam, chỉ có chứng quyền ở trạng thái lời mới được thực hiện), chứng quyền sẽ vô giá trị và nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền đã bỏ ra để đầu tư vào chứng quyền.

Giao dịch chứng quyền trên HOSE - Muốn chơi phải vững luật ảnh 1

Mặc dù khả năng thua lỗ xấu nhất đã được xác định tối đa bằng chi phí bỏ ra ban đầu để mua chứng quyền, tuy nhiên việc mất toàn bộ số tiền đã đầu tư vẫn có thể còn mới lạ đối với đa số các nhà đầu tư không chuyên tại Việt Nam - vốn chỉ quen với việc đầu tư vào cổ phiếu, loại chứng khoán không có thời hạn và có quyền tự quyết đối với ngày chốt lời, cắt lỗ.

Để đảm bảo quyền lợi của mình, trước khi tiến hành đầu tư, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về chứng quyền tại bản cáo bạch do tổ chức phát hành thực hiện, gồm các thông tin như chứng khoán cơ sở, thời gian đáo hạn, kiểu thực hiện quyền (châu Âu hay Mỹ), phương thức thanh toán (tiền mặt hay chuyển giao chứng khoán cơ sở), nghĩa vụ khác của tổ chức phát hành.

Thứ ba, việc đặt lệnh giao dịch mua bán chứng quyền được thực hiện tương tự như giao dịch cổ phiếu. Những nhà đầu tư đã có tài khoản giao dịch cổ phiếu thông thường sẽ được sử dụng tài khoản này để giao dịch chứng quyền.

Riêng đối với nhà đầu tư mới sẽ cần mở tài khoản tại công ty chứng khoán thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và thực hiện đặt lệnh giao dịch chứng quyền. Thời gian giao dịch, phương thức giao dịch, các loại lệnh áp dụng cho chứng quyền tương tự như cổ phiếu, riêng đơn vị yết giá dự kiến là 10 đồng cho mọi mức giá.

Giá trần/sàn của chứng quyền trong ngày giao dịch được tính toán theo công thức quy định tại quy định tại Quy chế giao dịch của HOSE. Giá trần/sàn chứng quyền chịu tác động bởi giá trần/sàn của chứng khoán cơ sở và tỷ lệ chuyển đổi.

Tổ chức phát hành phải thực hiện điều chỉnh giá thực hiện, tỷ lệ chuyển đổi trong trường hợp giá chứng khoán cơ sở bị điều chỉnh do tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở trả cổ tức, thưởng cổ phiếu. Ngoài ra, còn có một số quy định khác về giao dịch, tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở và nhà đầu tư nước ngoài…, mà các nhà đầu tư cần lưu ý khi giao dịch chứng quyền.

Thứ tư, nhà đầu tư chỉ được thực hiện quyền khi chứng quyền có lãi và việc thanh toán bằng chứng khoán cơ sở hoặc tiền mặt là tùy thuộc vào điều kiện phát hành và loại chứng khoán cơ sở. Trong trường hợp nhà đầu tư không đặt lệnh thực hiện quyền thì chứng quyền sẽ tự động thực hiện theo phương thức thanh toán bằng tiền vào ngày đáo hạn. Nhà đầu tư cần chú ý các trường hợp chứng quyền bị bắt buộc thanh toán bằng tiền khi đáo hạn được quy định tại Điều 14, Thông tư 107/2016/TT-BTC.

Trường hợp thanh toán bằng tiền thì giá thanh toán chứng quyền khi thực hiện quyền sẽ do Sở giao dịch chứng khoán quy định công thức xác định.

Thứ năm, Thông tư 107/2016/TT-BTC quy định, nhà đầu tư không được phép thực hiện giao dịch ký quỹ đối với chứng quyền để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư chứng quyền. Tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở không được đầu tư và giao dịch chứng quyền có tài sản cơ sở là chứng khoán của chính tổ chức đó.

Trường hợp chứng quyền bị hủy niêm yết do tổ chức phát hành bị đình chỉ, tạm ngừng hoạt động, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản hoặc bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động hoặc do chứng khoán cơ sở bị hủy niêm yết; hoặc do không thể xác định được chỉ số chứng khoán, tổ chức phát hành phải thực hiện mua lại chứng quyền, giá mua lại được xác định theo mức giá thị trường.

Kỳ V: “Công ty chứng khoán chuẩn bị gì để trở thành tổ chức phát hành chứng quyền?”

Tin bài liên quan