Ảnh Internet

Ảnh Internet

Giao dịch Arbitrage ETF, quỹ nội chưa dám dùng

(ĐTCK) Arbitrage là một trong những hình thức giao dịch phát hành/mua lại đặc trưng của chứng chỉ quỹ ETF, được nhà đầu tư sử dụng để hưởng lợi chênh lệch trên thị trường.

Đối với các quỹ ngoại, cơ chế này thường xuyên được sử dụng, tuy nhiên, với các quỹ nội, do nhiều vướng mắc mà giao dịch này chưa được triển khai một cách rộng rãi.

Lợi ích không ít…

Giao dịch Arbitrage hay Arbit là một cơ chế đặc thù của ETF hoạt động dựa trên sự chênh lệch giữa giá thị trường của chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF và giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ.

Do CCQ ETF giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán như một cổ phiếu thông thường nên giá của nó cũng biến động lên xuống theo quy luật cung cầu. Nếu giá của CCQ ETF tăng cao hơn NAV, thành viên lập quỹ (AP) mua các chứng khoán cơ cấu để hoán đổi lấy ETF trên thị trường sơ cấp; đồng thời, bán CCQ ETF trên thị trường thứ cấp để hưởng lợi từ sự chênh lệch giá.

Ngược lại, nếu giá của CCQ ETF thấp hơn NAV, thành viên lập quỹ có thể kiếm lợi bằng cách mua CCQ ETF và dùng CCQ ETF để hoán đổi lấy chứng khoán cơ cấu trên thị trường sơ cấp; đồng thời, bán chứng khoán cơ cấu trên thị trường thứ cấp để hưởng chênh lệch giá.

Cơ chế giao dịch Arbit sẽ giúp cho giá của CCQ ETF luôn theo sát với NAV. Chẳng hạn, khi giá của CCQ ETF trên sàn niêm yết đạt 10.000 đồng/CCQ, giá tài sản ròng NAV là 9.000 đồng/CCQ; AP có thể ra quyết định bán 1.000 CCQ và thu về 10 triệu đồng. Đồng thời, mua một lượng chứng khoán cơ cấu của quỹ ETF với giá 9 triệu đồng, đem hoán đổi với công ty quản lý quỹ và thu về 1.000 CCQ ban đầu. Như vậy, thành viên này sẽ thu về khoản tiền 1 triệu đồng, trong khi vẫn đảm bảo lượng CCQ ban đầu của mình tại công ty quản lý quỹ

Ngược lại, giá CCQ ETF là 9.000 đồng/CCQ; NAV là 10.000 đồng/CCQ, các AP sẽ mua 1.000 CCQ trên sàn thứ cấp với giá 9 triệu đồng, đem hoán đổi với công ty quản lý quỹ lấy 1 triệu chứng khoán cơ sở và bán ra trên thị trường thứ cấp để hưởng lợi nhuận 1 triệu đồng.

Với cách thức này, cơ chế Arbit sẽ giúp các nhà đầu tư tránh rủi ro về mặt giá trị tài sản ròng khi có sự chênh lệch với giá giao dịch trên sàn niêm yết. Ngoài ra, do nghiệp vụ Arbit có xu hướng khiến giá giao dịch trên sàn thứ cấp luôn xoay quanh và về gần với giá trị tài sản ròng của quỹ, các AP sẽ được hưởng lợi nhờ chênh lệch giá. Với các nhà đầu tư nhỏ lẻ giao dịch trên sàn thứ cấp, họ sẽ đảm bảo mua với giá xoay quanh giá trị NAV của quỹ hoặc khi bán sẽ không bị chiết khấu và thấp hơn nhiều NAV của quỹ. 

Cách nào để hưởng lợi?

Trong giao dịch Arbit, việc thiết lập cơ chế đảm bảo các bên tham gia giao dịch là thành viên lập quỹ có đủ CCQ ETF/chứng khoán cơ cấu để thanh toán theo đúng quy định là điều rất quan trọng. Tại thị trường Việt Nam, theo Thông tư 229/2012/TT-BTC, các AP chỉ được bán CCQ ETF/chứng khoán cơ cấu trên hệ thống của sở giao dịch chứng khoán khi bảo đảm có đủ CCQ ETF/chứng khoán cơ cấu để bán vào ngày thanh toán theo quy định của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD). Để hỗ trợ hoạt động này, hiện tại, VSD đã xây dựng cơ chế vay và cho vay trong giao dịch hoán đổi CCQ thông qua việc ban hành Quy chế tổ chức hoạt động vay và cho vay chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VSD ngày 19/8/2014.

Cụ thể, hoạt động vay và cho vay chứng khoán quy định tại quy chế này (Khoản 2, điều 1) nhằm thực hiện hỗ trợ thanh toán giao dịch chứng khoán trong trường hợp thành viên lưu ký của VSD do sửa lỗi dẫn đến tạm thời thiếu hụt chứng khoán để thanh toán, hoặc hỗ trợ thành viên lập quỹ ETF có đủ chứng khoán để góp vốn và thực hiện giao dịch hoán đổi danh mục với quỹ ETF theo quy định hiện hành.

Điều này đồng nghĩa với việc ngoài 2 trường hợp nêu trên, các thành viên lưu ký sẽ không được thực hiện vay hoặc cho vay chứng khoán với lý do nào khác, kể cả khi sử dụng tài sản của công ty để vay với mục đích hoán đổi. Theo đánh giá của các thành viên thị trường, đây được coi là một vướng mắc cơ bản khiến cho giao dịch Arbit gặp khó, bởi không phải lúc nào AP cũng có tiền hay chứng khoán để thực hiện ngay hoạt động Arbitrage.

Quy định hiện hành cho phép AP hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua CCQ sơ cấp bằng tiền mặt, thông qua cơ chế nhà đầu tư thanh toán tiền cho AP, để AP này thực hiện mua danh mục chứng khoán cơ cấu cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, vì chứng khoán cơ cấu dùng để hoán đổi vẫn phải đứng tên nhà đầu tư, nên thành viên lập quỹ không thể nhận tiền của nhà đầu tư để mua chứng khoán. Điều này gây khó cho các nhà đầu tư trong việc mua đủ danh mục chứng khoán cơ cấu nhằm hoán đổi lấy lô CCQ.

Ngoài ra, đại diện một công ty chứng khoán lớn có trụ sở tại TP. HCM cho rằng, công ty chứng khoán sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các giao dịch Arbit khi hệ thống của VSD chỉ thực hiện thanh toán chứng khoán thứ cấp, dù đã thay đổi từ T+3 xuống T+2 nhưng vẫn khá rủi ro. Bởi lẽ, muốn thực hiện giao dịch Arbit hiệu quả, AP phải mua chứng khoán cơ cấu để hoán đổi chậm nhất vào ngày T-1, hoặc phải thực hiện nghiệp vụ vay chứng khoán cơ cấu.

Do đó, không quá khó hiểu khi các AP không dám mạo hiểm để triển khai hoạt động Arbit, trong bối cảnh không có công cụ nào khác để phòng ngừa rủi ro khi thực hiện giao dịch này.

Tin bài liên quan