Trên TTCK Việt Nam từng diễn ra nhiều vụ việc bị cho là xào xáo số liệu

Trên TTCK Việt Nam từng diễn ra nhiều vụ việc bị cho là xào xáo số liệu

Giảm nghi ngờ “phù phép” sổ sách với IFRS

(ĐTCK) Giới chuyên gia trong và ngoài nước nhìn nhận, một khi Việt Nam sớm áp dụng rộng rãi Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), thì sẽ gia tăng sức hấp dẫn cho TTCK trong thu hút vốn ngoại, thúc đẩy thị trường phát triển theo chiều sâu, nhưng không ít cái khó cần phải vượt qua.

Xóa dần mối ngờ “phù phép” sổ sách

“Hiện có 116 nước yêu cầu toàn bộ hoặc hầu hết các DN nội địa áp dụng IFRS. Đa số các quốc gia còn lại cho phép áp dụng IFRS. Tất cả các tổ chức có tác động quan trọng đến nền kinh tế thế giới như: Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)… đều ủng hộ và hỗ trợ việc áp dụng IFRS trên toàn cầu…”, ông Stephen Taylor, Chuyên gia tư vấn cấp cao về IFRS của Deloitte cho biết tại hội thảo “Kinh nghiệm triển khai IFRS tại các nước đang phát triển”, do Bộ Tài chính phối hợp với Deloitte vừa tổ chức.

Cũng theo ông Stephen Taylor, điểm nổi bật của IFRS là có tính minh bạch cao, mang lại niềm tin cho NĐT trên toàn cầu về những thông tin trong báo cáo tài chính (BCTC) của các DN. IFRS đề cao trách nhiệm giải trình của các DN, nên giúp NĐT biết DN đang sử dụng đồng vốn mà họ đầu tư vào DN ra sao...

Vì tính chất minh bạch như vậy, nên ông Hans Hoogervorst, Chủ tịch Ủy ban chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB) khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng nguyên vẹn bộ chuẩn mực IFRS bởi những lợi ích mà IFRS đem lại cho nền kinh tế, cũng như thị trường vốn, không nên áp dụng theo kiểu từng phần như một số quốc gia.

Sở dĩ như vậy bởi khi đầu tư vào Việt Nam, NĐT nước ngoài không muốn gặp rắc rối kiểu “chuẩn mực IFRS bản sắc Việt Nam”. Bài học này được rút ra từ Ấn Độ, khi nước này “Ấn Độ hóa” IFRS bằng cách áp dụng một số tiêu chuẩn kế toán của Ấn Độ. Hệ quả là NĐT nước ngoài than phiền, vì như vậy là quá rắc rối và rủi ro.

Ở khía cạnh tác động tích cực của triển khai rộng rãi IFRS đến sự phát triển của TTCK, ông Hans Hoogervorst phân tích, kinh nghiệm triển khai IFRS ở nhiều quốc gia cho thấy, sau khi áp dụng IFRS, thì mức độ tin cậy về thông tin của các DN niêm yết, cũng như TTCK ở các nước đó được giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao.

Điều này không chỉ giúp TTCK các nước đó cải thiện khả năng thu hút dòng vốn ngoại, mà còn giúp cho nền kinh tế và DN của các nước này giảm đáng kể chi phí phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn, do định mức tín nhiệm tăng cao.

“Một bài học mà Việt Nam không nên bỏ qua là trước khi Thái Lan, Hàn Quốc áp dụng rộng rãi IFRS, NĐT nước ngoài đặt mối nghi ngờ về việc một số công ty ở các quốc gia này ‘phù phép’ sổ sách để làm đẹp số liệu, gây rủi ro cho NĐT. Tuy nhiên, kể từ khi các nước này áp dụng IFRS thì không còn mối ngờ này…”, ông Hans Hoogervorst nói và nhìn nhận, Báo cáo Việt Nam 2035 đề xuất các Chuẩn mực kế toán Việt Nam cần thống nhất với IFRS, nhằm phát triển thị trường vốn theo chiều sâu và thu hút hơn nữa NĐT nước ngoài.

Do đó, việc áp dụng IFRS sẽ giúp Việt Nam đi đúng hướng với tầm nhìn 2035, các chính sách của ASEAN, cũng như theo kịp đà phát triển của các nền kinh tế thành công khác trên thế giới... 

Nhiều câu hỏi

Trả lời câu hỏi khi Việt Nam áp dụng IFRS, thì có phải trả phí bản quyền cho IASB không, nếu có thì bao nhiêu, ông Hans Hoogervorst cho biết, mức phí này tùy thuộc vào hiện trạng và quy mô của nền kinh tế. Với Việt Nam, mức phí này không đáng kể, không đáng gì so với những lợi ích mà nền kinh tế, DN sẽ được thụ hưởng…

Các DN Việt Nam nhìn nhận, tính ưu việt của IFRS là không thể phủ nhận, nhưng hàng năm, các chỉ tiêu trong chuẩn mực IFRS thay đổi, cập nhật khá nhiều, khiến các DN mệt mỏi khi theo đuổi các sửa đổi này để áp dụng cho chuẩn. Liệu sắp tới tình trạng này có được khắc phục?

Ông Hans Hoogervorst thừa nhận việc thay đổi này ảnh hưởng đến DN, nhưng đó là sự thay đổi cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, qua đó tốt hơn cho DN, cho các nền kinh tế. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm tới sẽ ít có những thay đổi ảnh hưởng đến DN.

Câu hỏi mà các DN, chuyên gia Việt Nam đặt ra là IASB sẽ hỗ trợ gì cho Việt Nam trong quá trình áp dụng rộng rãi IFRS thời gian tới như định hướng của Bộ Tài chính đưa ra? Ông Hans Hoogervorst cam kết IASB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình áp dụng IFRS thông qua nhiều hình thức như: đào tạo, cung cấp tài liệu giảng dạy, hỗ trợ kỹ thuật…

“Với nhiều kinh nghiệm trong tư vấn áp dụng IFRS trên toàn cầu, Deloitte cam kết hỗ trợ Bộ Tài chính, xây dựng lộ trình và áp dụng IFRS tại Việt Nam; đồng thời sẽ tư vấn, trợ giúp các DN có nhu cầu lập BCTC theo IFRS…”, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho hay.

Tin bài liên quan