Các chuyên gia kinh tế tham gia buổi tọa đàm do Trung tâm Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Chương trình VEMBA tổ chức

Các chuyên gia kinh tế tham gia buổi tọa đàm do Trung tâm Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Chương trình VEMBA tổ chức

Giải tỏa mối lo chứng khoán Việt đi xuống

(ĐTCK) Kể từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có màn biểu diễn nổi trội so với các thị trường chứng khoán trên toàn cầu, với mức tăng 14,43% tính tới ngày 10/3, phần nào chứng tỏ những nhận định tích cực về triển vọng năm 2018. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít băn khoăn về khả năng điều chỉnh mạnh cuối năm.

Nét tương đồng chứng khoán Việt - Mỹ

Trong thời gian qua, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều nét tương đồng với thị trường chứng khoán Mỹ, với đà tăng kéo dài và thị trường nhận được trợ lực từ tăng trưởng kinh tế. Bước sang đầu năm 2018, thị trường chứng khoán Mỹ đã có đợt điều chỉnh mạnh đầu tiên vào tháng 2, khi các chỉ số chứng khoán giảm khoảng 7 - 8% trong 2 tuần và thị trường Việt Nam cũng có phản ứng tương tự ngay sau đó.

Tại buổi tọa đàm do Trung tâm Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh cấp cao của Đại học Hawaii tại Hà Nội (còn gọi là Chương trình VEMBA) đồng tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những dự báo mới nhất về thị trường.

Với góc nhìn lạc quan, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lực đẩy từ tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp tích cực, triển vọng của thị trường chứng khoán là tươi sáng. Năm nay, chỉ số VN-Index có thể tăng 30 - 40%, thanh khoản tăng 20 - 25% so với năm ngoái.

Hiện tại, không ít tổ chức, chuyên gia chứng khoán quốc tế đang nhận định, thị trường chứng khoán Mỹ, cũng như nhiều thị trường đang tăng trưởng sẽ điều chỉnh mạnh vào cuối năm nay. Mới đây nhất, Daniel Pinto, đồng Chủ tịch JPMorgan Chase & Co cảnh báo thị trường chứng khoán có thể giảm khoảng 40% trong 2 - 3 năm tới. Liệu đã tới lúc thị trường chứng khoán bước vào chu kỳ 10 năm và bắt đầu đi xuống? Và nguy cơ lao dốc với thị trường Việt Nam như thế nào?

Về vấn đề này, ông Lực cho rằng, với đà tăng như hiện tại, việc thị trường có sự điều chỉnh là không tránh khỏi. Tuy nhiên, mức độ mỗi đợt sẽ không quá lớn. Nói cách khác, sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng hay biến động rất mạnh như lo ngại của nhiều thành viên thị trường.

“Thực tế, thị trường chứng khoán đã có sự điều chỉnh vào tháng 2 vừa qua và từ nay tới cuối năm sẽ có thêm một số đợt. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản hiện tại đã khác nhiều so với giai đoạn khủng hoảng 2007 - 2009 trước đây nên không quá đáng ngại”, ông Lực nói và cho biết thêm, lý do ông tự tin thị trường có thể tăng trưởng 40% trong năm nay là vì theo khảo sát, hơn 800 doanh nghiệp trên sàn đang chứng kiến doanh thu tăng khoảng 22%, lợi nhuận tăng khoảng 16% trong năm 2017. Như vậy, đà tăng có được là nhờ thực lực, không phải con số được thổi phồng.

Cùng chung quan điểm, bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI cho rằng, sự điều chỉnh là yếu tố luôn có đối với các giai đoạn tăng của thị trường. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hỗ trợ bởi các yếu tố nền tảng tốt. Trong thời gian qua, thị trường chứng kiến những đợt bán ra, nhưng đó là do dòng tiền luân chuyển, tìm tới các thương vụ IPO, bán vốn Nhà nước đình đám.

“Năm nay, tính chất bất ổn của thị trường sẽ nhiều hơn, nhưng trong những biến động này là cơ hội cho các nhà đầu tư”, bà Hằng nói. 

Kỳ vọng Nâng hạng và niềm tin vào tư duy đổi mới

Việc nâng hạng thị trường mang lại cho Việt Nam những lợi ích rõ rệt, nhất là kỳ vọng thu hút vốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Năm 2017, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam vào khoảng 2,8 tỷ USD. Nếu được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, con số này có thể đạt 5 - 10 tỷ USD. Đây là nguồn lực rất lớn cho hoạt động, sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ông Lực cho rằng, trong kịch bản tốt nhất, Việt Nam sẽ được thêm vào danh sách xem xét của MSCI vào năm 2019 và 2 năm sau đó sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Có góc nhìn thận trọng hơn, ông Võ Trí Thành, Chuyên gia cao cấp, nguyên Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chỉ 25% khả năng Việt Nam được nâng hạng vào năm 2021. Nguyên nhân xuất phát từ 3 vấn đề. Thứ nhất, việc công bố thông tin đòi hỏi năng lực, nỗ lực và cả nguồn lực, đây là chuyện không hề dễ với đa số doanh nghiệp. Thứ hai là độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài và thứ ba là những yêu cầu về chính sách, thị trường tiền tệ.

Mặc dù vậy, các chuyên gia nhất trí rằng, những thay đổi trong tư duy của Chính phủ, được thể hiện rõ nhất ở việc đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp thúc đẩy quá trình này. Bên cạnh đó, việc CPTPP được ký kết và chuẩn bị có hiệu lực sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện hơn nữa các điều kiện, điều khoản về độ mở của thị trường tài chính, tỷ giá, từ đó giúp thị trường chứng khoán sớm đáp ứng các yêu cầu của MSCI.         

Tin bài liên quan