Giải mã hiện tượng tuột dốc của cổ phiếu VHG

Giải mã hiện tượng tuột dốc của cổ phiếu VHG

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VHG của Công ty cổ phần Cao su Quảng Nam liên tục đi xuống, giảm từ mốc 6.700 đồng lúc đóng cửa phiên cuối cùng năm 2015, xuống còn 2.420 đồng/cổ phiếu hiện nay.     

Điều đáng chú ý là, trong khi cổ phiếu đã xuống mức rất thấp, không bằng cốc trà đá, nhưng tình tài chính của công ty này không có vấn đề gì xấu. Thực tế, doanh nghiệp có thị giá xuống dưới 5.000 đồng/cổ phiếu thường bị lỗ lũy kế, song đến thời điểm này, Cao su Quảng Nam vẫn chưa bị lỗ lũy kế. Vốn chủ sở hữu của Công ty tính đến giữa năm 2016 vẫn ở mức hơn 1.720 tỷ đồng, cao hơn trên 200 tỷ đồng so với mức vốn góp ban đầu của chủ sở hữu. Công ty vẫn có khoản lợi nhuận chưa phân phối lũy kế là hơn 172 tỷ đồng.

Nhìn nhận cổ phiếu VHG, một số nhà quan sát cũng cho rằng, nếu so sánh về tình hình tài chính công ty với thị giá cổ phiếu này thì đây thực sự là một hiện tượng rất đáng quan tâm.

Ông Đoàn Duy Long, Giám đốc Phòng Giao dịch Láng Hạ (Công ty cổ phần Chứng khoán KIS) cho biết, giá cổ phiếu VHG giảm mạnh thời gian qua mang nặng yếu tố tâm lý, bởi lẽ, nếu so sánh các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp này thì có thể đánh giá rằng, mặt bằng giá hiện nay là cơ hội tốt để đầu tư. Theo ông Long, với mức giá chỉ hơn 2.400 đồng/cổ phiếu hiện tại thì rủi ro về giá đối với cổ phiếu VHG gần như không còn.

Trong khi đó, lý giải về sự tuột dốc của VHG, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Cao su Quảng Nam đang chịu “cơn bão” chung của thị trường cao su hiện nay. Vì vậy, việc rút vốn khỏi doanh nghiệp ngành này là một giải pháp an toàn được nhiều nhà đầu lựa chọn trong giai đoạn vừa qua. Việc giá cao su liên tục giảm sâu từ đầu năm 2015 đến nay đã khiến các nhà đầu tư đều phải chùn tay đối với bất cứ cổ phiếu nào ngành cao su. Ngay cả đại gia vang bóng một thời là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai mới đây cũng đã phải quyết định bán 20.000 ha cao su tại Lào cũng là một minh chứng sống động cho tình trạng khó khăn của nghề trồng cao su trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, nhìn những thông tin cụ thể của Cao su Quảng Nam có thể thấy, doanh nghiệp này tuy có tên là công ty cao su, nhưng lĩnh vực cao su lại chỉ chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp này. Công ty hoạt động rất đa dạng, với nhiều ngành nghề khác nhau, như kinh doanh dây cáp điện, sản xuất sản phẩm nhựa, xây dựng công trình dân dụng, kinh doanh cát sỏi, khai thác quặng, trồng rừng, sản xuất cao su…

Cao su Quảng Nam hiện có 3 công ty con, nhưng chỉ có 1 công ty kinh doanh trong lĩnh vực cao su (là Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Quảng Nam); 2 doanh nghiệp còn lại không liên quan gì đến cao su (Công ty cổ phần Khoáng sản Quảng Nam và Công ty cổ phần Thủy sản Viễn Đông).

Chính vì vậy, trong bối cảnh ngành kinh doanh cao su chật vật trong năm 2015 và đầu 2016, nhưng công ty này vẫn không bị lỗ. Trong 6 tháng đầu năm nay, Cao su Quảng Nam vẫn có lãi 7 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này không nói lên nhiều điều với một doanh nghiệp có vốn hàng ngàn tỷ đồng, nhưng với cổ phiếu có thị giá chỉ hơn 2.400 đồng, thì đây rõ ràng là trường hợp đặc biệt.

Tin bài liên quan