“Giấc mơ”ngày mai có hệ thống công nghệ mới

“Giấc mơ”ngày mai có hệ thống công nghệ mới

(ĐTCK) Trong dấu mốc 20 năm ngành chứng khoán, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Bằng chia sẻ một kỷ niệm mà ông không thể nào quên khi TTCK gặp sự cố về giao dịch.

Ông kể: “Sau ngày khai trương sàn TP.HCM tháng 7/2000, một chuyên gia Thái Lan đã hỏi: Là Giám đốc Trung tâm GDCK đầu tiên của Việt Nam, điều gì khiến ông lo lắng nhất?

Tôi trả lời rằng, tôi lo nhất là không có hàng hóa, mất cân đối cung - cầu, nhiều người lao vào đầu tư cổ phiếu khi thị trường tăng trưởng nóng, đổ vỡ thì nhà đầu tư mất tiền và ảnh hưởng đến hoạt động chung… Nhưng vị chuyên gia này trả lời rằng: Tôi không nghĩ đó là điều cần lo lắng, mà phải là vấn đề của công nghệ”.

Ông Bằng kể, lúc đó, ông không hình dung được tại sao họ lại nói như vậy, nhưng sau khi TTCK Việt Nam mở cửa được 3-4 tháng, hệ thống giao dịch gặp trục trặc và ông đã trải nghiệm điểm đáng lo lắng nhất mà vị chuyên gia trên đã nói.

Vào đầu năm 2000, để chuẩn bị cho TTCK Việt Nam mở cửa, hệ thống công nghệ được dự định là nhờ Sở GDCK Hàn Quốc hỗ trợ, nhưng khủng hoảng tài chính khu vực xảy ra, nên kế hoạch này không thực hiện được.

Vào thời điểm đó, Chủ tịch Sở GDCK Thái Lan sang Việt Nam và đặt vấn đề là công suất của Sở GDCK Thái Lan đang rất lớn, Việt Nam có thể sử dụng cùng hệ thống giao dịch của Thái Lan để mở cửa TTCK. Tuy nhiên, ông Bằng cho biết, phương án liên thông giao dịch với TTCK Thái Lan là khó chấp nhận, nên cuối cùng Việt Nam đã chọn phương án Sở GDCK Thái Lan hỗ trợ xây dựng hệ thống giao dịch, còn hệ thống lưu ký, thanh toán thì để FPT xây dựng.

Câu chuyện ông Bằng chia sẻ diễn ra vào năm 2000. Ðến năm 2003, khi Chính phủ chỉ đạo xây dựng Trung tâm GDCK Hà Nội thì bên cạnh những yếu tố về nhân sự, hàng hóa, cơ sở vật chất… phải chuẩn bị, hệ thống công nghệ tại sàn Hà Nội đã được xây dựng một cách chủ động bởi các nhân sự “nhà mình” và đối tác FPT.

Khi thành lập Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) năm 2006, hệ thống công nghệ cũng được xây dựng một cách chủ động bởi nhân sự VSD và đối tác trong nước. Chủ thể đi sau có cái hay hơn người đi trước.

Ðể nâng cấp hệ thống công nghệ cho TTCK, năm 2012, Sở GDCK TP.HCM và Sở GDCK Hàn Quốc (KRX) ký thỏa thuận hợp tác triển khai Gói thầu 04 nhằm trang bị hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ và tích hợp cho toàn bộ TTCK Việt Nam.

Hệ thống mới sẽ phục vụ các hoạt động nghiệp vụ giao dịch, giám sát, thông tin thị trường tại Sở GDCK TP.HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) cũng như nghiệp vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán cho VSD.

Toàn bộ hệ thống dự kiến được tích hợp và đồng bộ hoàn toàn trên một nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại, gồm 2 trung tâm dữ liệu chính và dự phòng thảm họa. Khi bắt tay cùng KRS thực thi gói thầu này, lãnh đạo HOSE đã chia sẻ, gói thầu có nhiều yêu cầu nghiệp vụ mới, nên càng đi sâu nghiên cứu càng thấy phức tạp, thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tế, phải vừa làm, vừa tìm hiểu học hỏi.

Ðây có lẽ là lý do mà đến nay, sau 5 năm triển khai, nền tảng hạ tầng công nghệ hiện đại cho TTCK Việt Nam vẫn chưa hoàn thành…

Vận hành trên nền tảng hệ thống công nghệ của năm 2000 do Thái Lan cung cấp, dù có được nâng cấp, chỉnh sửa, nhưng sự cố giao dịch tại HOSE luôn đứng trước nguy cơ xảy ra. Như chiếc điện thoại đã cũ, tính năng và chất lượng sử dụng khó có thể đáp ứng liên tục với hiện trạng tăng trưởng mạnh mẽ trên TTCK gần đây.

Vào ngày UBCK tổ chức Hội nghị phát triển TTCK 2018, bên cạnh nhiều con số và dự báo lạc quan về tương lai TTCK, hệ thống giao dịch tại HOSE đã gặp sự cố, buộc Sở phải dừng giao dịch vào ngày 23/1 và 24/1.                                  

Ðây là lần đầu tiên, HOSE phải dừng giao dịch 2 ngày. Nhiều lãnh đạo ngành chứng khoán đã thức trắng đêm để cùng các chuyên gia Thái Lan tìm nguyên nhân sự cố, nhưng chưa ai có thể khẳng định, sẽ tìm ra và sửa được lỗi, trong thời gian bao lâu và bao lâu nữa lại… sập.

Sự cố kỹ thuật như một lời cảnh báo: Hãy quay về cái gốc công nghệ. Ở quy mô vốn hóa 160 tỷ USD, tương đương 75% GDP Việt Nam, mọi diễn biến trên TTCK có ảnh hưởng không nhỏ đến rất nhiều chủ thể trong nền kinh tế.

HOSE, nơi tổ chức giao dịch cho hơn 300 doanh nghiệp quy mô lớn, nơi chiếm 90% giá trị vốn hóa thị trường, lại đang vận hành trên hệ thống công nghệ cũ và phụ thuộc vào các chuyên gia Thái Lan. Ðó như một bức tranh tương phản về tính an toàn hệ thống trên TTCK Việt Nam.

Sáng ngày 22/1/2018, tại Hội nghị ngành chứng khoán, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC cho biết, “giấc mơ” thanh khoản 10.000 tỷ đồng đã thành hiện thực ngay những ngày đầu năm mới và đây là thời điểm TTCK cần hệ thống công nghệ hiện đại, đồng bộ để các CTCK triển khai sản phẩm mới, minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VNDS kiến nghị, nền tảng hạ tầng kỹ thuật là điểm rất quan trọng nhà quản lý cần hoàn thiện để các CTCK triển khai sản phẩm ETF, CW.

Ông Nhữ Ðình Hòa, Tổng giám đốc BVSC nêu quan điểm, hạ tầng thị trường cần sớm đồng bộ để có thể triển khai được sản phẩm T+0 và sự đồng bộ này cần thực thi trên toàn hệ thống, có lộ trình rõ ràng…

Hàng loạt kiến nghị chung mục tiêu cần hiện đại hóa hệ thống để hỗ trợ các thành viên thực thi khát vọng phát triển. Và có lẽ vì không thể lên tiếng rằng: “Tôi quá cũ rồi”, nên hệ thống giao dịch tại HOSE đã… tự dừng lại vào chiều cùng ngày, để thay lời muốn nói gửi đến các chủ thể tham gia TTCK Việt Nam.

Sáng sớm 23/1/2018, UBCK và HOSE đã có thông báo tạm dừng phiên giao dịch trong ngày tại HOSE. May mắn là TTCK đã tăng trưởng khá lâu và khá mạnh, nên nhìn chung, nhà đầu tư không có những phản ứng tiêu cực trước sự cố đầu năm 2018.

Một số ý kiến cho rằng, việc dừng giao dịch là quyết định kip thời để củng cố hệ thống theo hướng đặt sự an toàn của nhà đầu tư lên trên hết. Có ý kiến cho rằng, với Việt Nam lần này, đây là khoảng dừng cần thiết khi dừng đúng ngày đội tuyển U23 Việt Nam đấu với U23 Qatar.

Nhưng dù trận giao đấu tuyển U23 Việt Nam với U23 Qatar có đẹp đến mấy thì hệ thống giao dịch tại HOSE vẫn cần phải được vá lỗi và làm mới trong tương lai gần. Ngày mai, ai cũng muốn TTCK mở cửa trở lại…

Tin bài liên quan