Đại diện MBKE tại Hội nghị đầu tư ASEAN 2016

Đại diện MBKE tại Hội nghị đầu tư ASEAN 2016

Gấp rút gọi vốn tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng

(ĐTCK) Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang chạy đua hút vốn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do.

ASEAN cần 110 tỷ USD hàng năm cho hạ tầng

Cuối tuần qua, Hội nghị đầu tư thường niên Invest ASEAN 2016 đã diễn ra tại Singapore với chủ đề “Làn sóng mới của ASEAN: Xây dựng cơ sở hạ tầng để hiện thực hóa cơ hội”. Tại Hội nghị, các diễn giả từ CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), đơn vị tổ chức sự kiện, đã nhấn mạnh nhu cầu gọi vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á. Theo MBKE, đây là vấn đề rất cấp bách để phát triển thương mại nội khối và khuyến khích các doanh nghiệp đa quốc gia thâm nhập ASEAN.

“Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định TPP dự báo sẽ thúc đẩy thương mại nội khối Đông Nam Á lên 1.000 tỷ USD và thu hút thêm 106 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực này. Đây là cơ hội rất lớn để các nước ASEAN phát triển kinh tế và điều tiên quyết để thực hiện điều này chính là hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh”, ông Sadiq Currimbhoy, Chiến lược gia đầu tư toàn cầu của MBKE cho biết.

Ông Currimbhoy lưu ý rằng, nếu ASEAN không tập trung phát triển hạ tầng và hệ thống logistics, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chuyển nhà máy sản xuất sang các khu vực khác thuận tiện hơn. Hiểu rõ điều này, các quốc gia ASEAN đã bắt đầu chạy đua rót vốn vào hạ tầng và dự kiến tổng vốn đầu tư công cho lĩnh vực này sẽ lên đến 84 tỷ USD trong năm nay.

Trong khi đó, số liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, ASEAN sẽ cần đến 110 tỷ USD hàng năm trong giai đoạn từ nay đến 2025 để hoàn thiện hệ thống đường sá, cầu cảng và các nguồn cung năng lượng. Như vậy, vốn đầu tư công sẽ không đủ để chi trả và các nước ASEAN sẽ cần thu hút vốn đầu tư tư nhân. 

Việt Nam: cơ hội từ hình thức đầu tư PPP

Các chuyên gia của MBKE nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần gấp rút gọi vốn tư nhân và vốn nước ngoài để phát triển hạ tầng. Bởi lẽ, thứ nhất, nợ công của Việt Nam đã gần vượt mức trần là 65% GDP, nên ngân sách nhà nước dành cho hạ tầng sẽ gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, nguồn viện trợ ODA cho Việt Nam sẽ bị cắt từ năm 2018. Đây là thách thức lớn vì vốn ODA hiện đang chiếm tới 1/3 kinh phí đầu tư cho các dự án hạ tầng tại Việt Nam và Việt Nam cần đến 300 tỷ USD từ nay đến 2020 để tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng.

“Phương án gọi vốn tư nhân khả thi nhất cho Việt Nam chính là đối tác công - tư (PPP), thông qua hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) hay BT (xây dựng – chuyển giao). Lĩnh vực hạ tầng giao thông và năng lượng đặc biệt khá cởi mở với phương án PPP. Nhà đầu tư tư nhân cũng hào hứng với hai lĩnh vực này, vì sản lượng điện tiêu thụ ở Việt Nam ngày càng tăng và nhu cầu xây dựng đường sá, cầu cảng còn rất lớn”, các chuyên gia MBKE nhận định trong bản báo cáo.

Một lĩnh vực hạ tầng khác được dự đoán sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài chính là hàng không. Trao đổi với ĐTCK, ông Alan Tan, Giáo sư Luật hàng không tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết, nhu cầu đi lại nội địa lẫn quốc tế của người Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là qua các hãng máy bay giá rẻ. Vì vậy, hàng loạt cuộc IPO của các tên tuổi lớn trong ngành như Vietnam Airlines, Tổng công ty Cảng Hàng không và Vietjet Air đã và sẽ hâm nóng sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài muốn đặt chân vào lĩnh vực hạ tầng tại Việt Nam.

Dù vậy, MBKE cũng lưu ý rằng, Việt Nam cần hoàn chỉnh hệ thống luật pháp về hình thức PPP, đồng thời đảm bảo đúng tiến độ giải tỏa mặt bằng. Việc tuyển chọn nhà thầu cũng cần công khai và minh bạch hơn.

Ông John Chong, CEO của MBKE cho biết, với cương vị là ngân hàng đầu tư hàng đầu khu vực, có chi nhánh tại 8 quốc gia châu Á, Mỹ và Anh và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hạ tầng, MBKE sẵn sàng làm cầu nối giữa nhà đầu tư nước ngoài và các dự án hạ tầng tại Việt Nam. Theo ông Chong, nhiều khả năng, Chi nhánh Việt Nam của MBKE sẽ được tăng vốn trong tương lai gần để hoạt động tốt hơn trong lĩnh vực hấp dẫn này. 

Hội nghị Invest ASEAN 2016 của MBKE thu hút hơn 1.000 đại biểu từ 12 quốc gia, trong đó có 48 doanh nghiệp hàng đầu ASEAN và đại diện của 307 quỹ đầu tư toàn cầu. 

Tin bài liên quan