Những câu hỏi ngỏ
Ngay sau bài báo “383 công ty đại chúng xin gia hạn công bố báo cáo tài chính” được đăng tải, thị trường đã xuất hiện nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Một số ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý không nên để tình trạng quá nhiều doanh nghiệp xin gia hạn như vậy, bởi sẽ khiến thị trường có sự bất cân xứng về mặt thông tin, khi khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư sẽ chậm hơn.
“Tôi cho rằng, đã là quy định là phải chấp hành. Nếu không, doanh nghiệp sẽ không có nỗ lực minh bạch thông tin. Tại sao các doanh nghiệp khác làm được, mà nhiều doanh nghiệp lại phải xin gia hạn, phải chăng họ muốn có thời gian để… chế biến dữ liệu?”, nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Long (TP.HCM) nêu quan điểm.
“400 doanh nghiệp là con số không hề nhỏ, chiếm gần nửa thị trường chứng khoán. Đâu đó có thể có doanh nghiệp cần thời gian để thu thập dữ liệu, nhưng điều này cũng cho thấy, dường như quy định tại Thông tư 55/2015 chưa đáp ứng được thực tế”, nhà đầu tư Trần Thùy Linh đưa ra ý kiến.
Doanh nghiệp kêu sức ép
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Kế toán trưởng CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cho biết, 2 năm liên tiếp, CII đều phải xin gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính quý và bán niên.
“Báo cáo tài chính năm kiểm toán có thời hạn công bố 90 ngày thì chúng tôi đáp ứng được, nhưng yêu cầu công bố báo cáo tài chính sau 20 ngày, báo cáo tài chính bán niên soát xét 45 ngày sau khi kết thúc kỳ kế toán là điều rất khó khăn”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, CII hiện là đơn vị kế toán cấp thứ 4, tức là dưới công ty mẹ có công ty con, công ty liên kết; dưới công ty con có công ty “cháu”, công ty liên kết; dưới công ty cháu lại có công ty “con” và liên kết khác… Với hệ thống nhiều tầng lớp như vậy, bản thân công ty con, cháu cũng cần thời gian để thực hiện tổng hợp số liệu, lên báo cáo.
“Áp lực với kế toán rất lớn vì mình không kiểm soát được tiến độ tại các đơn vị. Đôi khi, vì lý do các công ty cấp 2, 3, 4 thuyết minh không rõ ràng thì mình cũng mất thời gian đi xác minh lại, hoặc chỉ cần có sơ suất nhỏ là lại phải ngồi tìm ra xem sai sót ở điểm nào để sửa. Đó còn chưa nói đến quá trình hợp nhất cũng có thể có sai sót phát sinh”, bà Hương nói và cho biết, với áp lực này, bộ phận kế toán của CII và tại công ty thành viên luôn trong tình trạng chịu áp lực để có thể đạt được tiến độ.
Thực tế, ngay ở thời điểm Thông tư 155/2015 ra đời, nhiều doanh nghiệp đã cho rằng, quy định về hạn công bố báo cáo tài chính tại thông tư này tạo sức ép lên doanh nghiệp. Theo quy định cũ tại Thông tư 52/2012/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (liền trước Thông tư 155/2015), thời hạn công bố thông tin có tính đến yếu tố doanh nghiệp cần hợp nhất báo cáo tài chính hay không.
“Nếu xin gia hạn thì thời hạn công bố báo cáo tài chính sẽ trở về tương đương với Thông tư 52/2012. Khi đó, chúng tôi có thể theo kịp được”, bà Hương nói.
Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, với doanh nghiệp có cấu trúc hoạt động càng nhiều cấp, phát sinh nhiều giao dịch nội bộ, có nhiều khoản đầu tư, nhiều công ty liên kết… thì quá trình hợp nhất càng mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, trong danh sách gần 400 doanh nghiệp xin gia hạn công bố báo cáo tài chính, vẫn xuất hiện không ít doanh nghiệp vốn được xem là có hệ thống quản trị tài chính tốt, có hệ thống công nghệ thông tin hiện đại..., chẳng hạn như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã VNM), CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG)...
“Chúng tôi cho rằng, việc quy định lại thời hạn công bố thông tin báo cáo tài chính như Thông tư 52/2012 (tức phân biệt công ty không cần hợp nhất và công ty cần hợp nhất) sẽ phù hợp hơn. Việc quy định như hiện nay khiến doanh nghiệp sơ sót trong việc gia hạn là bị vi phạm, trong khi cơ quan quản lý cũng vất vả hơn vì phải thêm việc soạn công văn chấp thuận”, kế toán trưởng một doanh nghiệp niêm yết lớn trên HOSE nhận xét.