Fed tăng lãi suất là một trở lực lớn với chứng khoán, nhưng...

Fed tăng lãi suất là một trở lực lớn với chứng khoán, nhưng...

(ĐTCK) Sau nhiều lần trì hoãn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau 7 năm duy trì ở mức 0 - 0,25%. Theo ông Ngô Thế Hiển, CTCK SHS, lãi suất thấp là một phần trong chính sách kích cầu nền kinh tế của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2007. 

Mức lãi suất 0 - 0,25% được áp dụng từ tháng 12/2008, ba tháng sau vụ phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers và 10 tháng trước khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đạt đỉnh 10%.

Quyết định tăng lãi suất của Fed vào cuối năm 2015 như là sự khẳng định nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã đi vào trạng thái tăng trưởng ổn định trở lại sau khi chịu tổn thương bởi cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007 - 2009. Tuy vậy, lãi suất USD tăng sẽ tác động tiêu cực lên các nền kinh tế mới nổi, nhất là khi phụ thuộc vào xuất khẩu và vay nợ lớn như Việt Nam.

Trong các giai đoạn tăng lãi suất trước đây của Mỹ, đa số các kênh đầu tư, đặc biệt là kênh đầu tư chứng khoán (bao gồm cả TTCK tại các thị trường mới nổi), vốn chịu tác động xấu khi chi phí vay nợ tăng, đều có xu hướng tăng trưởng tích cực khi Fed tự tin tiến hành thắt chặt dần chính sách tiền tệ.

Tác động từ quyết định tăng lãi suất của Fed tại thời điểm cuối năm 2015 và dự kiến tăng thêm 4 lần trong năm 2016 sẽ giúp đồng USD mạnh dần lên, qua đó khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp dịch chuyển về Mỹ hoặc sang các tài sản được định giá bằng đồng USD từ các thị trường mới nổi, thị trường cận biên.

Đây sẽ là trở lực cho TTCK Việt Nam trong năm 2016, nếu như mức sinh lời cũng như những cơ chế, chính sách thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài không đủ hấp dẫn để giữ chân các NĐT ngoại.

Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định, năm 2016 được kỳ vọng là năm đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh thứ 2 tính từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO nhờ các hiệp định thương mại được ký kết.

Đặc biệt, chính sách nới “room” nếu được triển khai mạnh mẽ trong năm 2016 sẽ là nhân tố tích cực giúp Việt Nam duy trì vị thế là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại.

Tin bài liên quan