Fed tăng lãi suất, chứng khoán “bình thản” trong ngắn hạn, dài hạn không thể “bình chân như vại”

Fed tăng lãi suất, chứng khoán “bình thản” trong ngắn hạn, dài hạn không thể “bình chân như vại”

(ĐTCK) Không nằm ngoài dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất thêm 0,25% lần thứ hai trong năm nay, đưa lãi suất cơ bản USD lên 1-1,25%/năm. TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam tỏ ra khá “bình thản” với thông tin này, nhưng về dài hạn thì không thể “bình chân như vại”.

Khối ngoại vẫn mua ròng

Trong quá khứ, giới đầu tư thường lo ngại việc Fed tăng lãi suất sẽ khuyến khích các nhà đầu tư rút tiền từ nhiều nơi trên thế giới để chuyển về Mỹ, khiến USD sẽ lên giá, từ đó gây sức ép lên các đồng tiền khác, trong đó có VND. Tuy nhiên, diễn biến thực tế tại TTCK Việt Nam lại đang có phần ngược lại.

Các dự báo về khả năng tăng lãi suất của Fed dù được đưa ra từ sớm, nhưng TTCK Việt Nam vẫn giữ nhịp tích cực và khối ngoại duy trì đà mua ròng. Tính đến ngày 15/6/2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 7.979 tỷ đồng trên cả 2 sàn HOSE và HNX. Trong ngắn hạn, xu hướng này được dự báo sẽ còn duy trì.

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Nghiên cứu CTCK Maritime (MSI) cho rằng, ngắn hạn, việc Fed tăng lãi suất sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn ngoại đầu tư vào TTCK Việt Nam, bởi điều này đã nằm trong tính toán.

Dù Fed tăng lãi suất, nhưng tuần qua, VN-Index cũng tăng 1,58% với thanh khoản đạt kỷ lục

Hơn nữa, mức tăng thêm 25 điểm cơ bản là không quá lớn để các nhà đầu tư nước ngoài thay đổi quyết định đầu tư của mình. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm sau khi thông tin được công bố.

Tuy nhiên, dài hạn, theo ông Cường, với việc Fed sẽ còn tăng lãi suất và đồng USD được kỳ vọng hấp dẫn hơn các đồng tiền khác, nên nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc tới yếu tố chi phí cơ hội khi đầu tư vào các thị trường khác.

Bởi thực tế, những yếu tố quyết định xu hướng thị trường và thu hút dòng vốn ngoại là kinh tế vĩ mô ổn định, quy mô TTCK gia tăng, có thêm nhiều cổ phiếu chất lượng cao được niêm yết, bên cạnh việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đặc biệt khi Việt Nam đang hướng đến mục tiêu nâng hạng lên nhóm các thị trường mới nổi, sẽ tăng độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng, diễn biến của đồng USD thời gian tới rất quan trọng, bới nó ảnh hưởng tới cách nhìn nhận cơ hội đầu tư ở các thị  trường mới nổi.

Những lo lắng thường trực mỗi lần Fed nâng lãi suất như đồng nội tệ mất giá, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, chứng khoán giảm điểm... không lặp lại. Tuy nhiên, để duy trì  được  sức hút với giới đầu tư quốc tế, mỗi thị trường phải có được các yếu tố đủ hấp dẫn và mức độ hấp dẫn phải đủ lâu.

Dài hạn, nhiều yếu tố ảnh hưởng

Xét về mặt dài hạn, việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ khiến cho nhu cầu về ngoại tệ thay đổi. Chưa kể, việc tăng lãi suất liên tục lên mức cao hơn sẽ khiến cho dòng vốn chịu tác động tiêu cực, đặc biệt là vốn đầu tư.

Nhìn lại diễn biến trước đây, khi Mỹ áp dụng lãi suất thấp 0%/năm, dòng tiền đã dịch chuyển sang những quốc gia có lãi suất cao, trong đó có Việt Nam. Việc lãi suất tại Mỹ tăng lên khiến nhu cầu đầu tư ngoại tệ (USD) tăng, dòng vốn cũng dịch chuyển, đặc biệt khi Việt Nam đang áp dụng chính sách lãi suất gửi ngân hàng 0%/năm đối với USD.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn là nước nhập siêu lớn, nên rõ ràng, nhu cầu ngoại tệ cuối năm sẽ tác động đến tỷ giá. Giai đoạn cuối năm 2016, Việt Nam chứng kiến dòng vốn đầu tư trên TTCK rút ra rất mạnh, song điều đáng mừng là cho đến nay, dòng vốn ngoại đã quay trở lại, nhưng điều đó không có nghĩa là bền bỉ.

Fed tăng lãi suất, chứng khoán “bình thản” trong ngắn hạn, dài hạn không thể “bình chân như vại” ảnh 1

 Việc Fed tăng lãi suất sẽ gây áp lực lên các doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ là USD

Theo dõi về lãi suất và tín dụng kể từ đầu năm, hầu hết các ngân hàng đều tăng trưởng tín dụng khá mạnh. Đây có thể sẽ là nguyên nhân khiến cho lãi suất giai đoạn cuối năm sẽ khó duy trì như hiện tại.

Nhiều chuyên gia dự báo sẽ có sự biến động trong huy động vốn tương tự như cuối năm 2016. Khi đó, doanh nghiệp có thể sẽ phải cân đối vay bằng ngoại tệ với đồng VND. Điều này sẽ tác động mạnh đến tỷ giá trong giai đoạn cuối năm 2017 và đầu năm 2018.

Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu và những công ty có vay nợ nhiều bằng USD sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Thậm chí, ngay cả những công ty xuất khẩu cũng sẽ chịu tác động từ câu chuyện Fed nâng lãi suất, bởi khi USD tăng sẽ khiến nhu cầu mua sản phẩm tại các thị trường ngoài Mỹ giảm sút.

Việt Nam là nước nhập siêu lớn, nhu cầu ngoại tệ cuối năm sẽ tác động không nhỏ đến tỷ giá, buộc các doanh nghiệp có những hoạt động liên quan đến tỷ giá phải theo dõi sát sao những biến động của thị trường và sử dụng những biện pháp phòng ngừa rủi ro thích hợp.

Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP May Sài Gòn, với cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt như hiện tại, Nhà nước sẽ kiểm soát được vấn đề nhập siêu, nhưng về lâu dài, không thể không lo ngại việc các đồng ngoại tệ sẽ có chiều hướng mất giá so với USD.

Hơn nữa, điều mà các doanh nghiệp lo ngại không hẳn là tỷ giá USD/VND tăng, mà còn lo tác động đến tỷ giá EUR/USD, bởi khi EUR giảm sẽ ảnh hưởng đến giá tiêu thụ trên thị trường châu Âu, vì đây là thị trường xuất khẩu rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện dài hạn. Câu chuyện ngắn hạn là dù Fed tăng lãi suất, nhưng tuần qua, VN-Index cũng tăng 1,58% với thanh khoản đạt kỷ lục!

Tin bài liên quan