Dù lợi ích của việc sử dụng E-Voting khá rõ ràng, nhưng nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn thờ ơ với dịch vụ này

Dù lợi ích của việc sử dụng E-Voting khá rõ ràng, nhưng nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn thờ ơ với dịch vụ này

E-Voting vẫn xa lạ trong mùa ĐHCĐ 2016

(ĐTCK) E-Voting, hệ thống bỏ phiếu điện tử, do Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) xây dựng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi trong lấy ý kiến cổ đông đã hoàn thành để đưa vào áp dụng trong mùa ĐHCĐ năm nay. 

Song điều bất ngờ là nhiều doanh nghiệp vẫn “ngơ ngác” khi được hỏi đến dịch vụ này.

Xuất phát từ thực tế là không phải lúc nào, các cổ đông cũng có thể tham gia họp ĐHCĐ của doanh nghiệp, hệ thống bỏ phiếu điện tử ra đời nhằm giúp đảm bảo quyền biểu quyết của cổ đông với các vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp, mà không bị hạn chế về địa lý và thời gian như trước kia.

Đặc biệt là trong tình huống cổ đông đầu tư tại nhiều công ty cổ phần mà các công ty tổ chức ĐHCĐ cùng ngày, hay nhiều doanh nghiệp có cổ đông trải dài từ Nam ra Bắc rất khó tham dự đông đủ thì chỉ với mạng internet có thể thực hiện bỏ phiếu điện tử. Dịch vụ E-Voting của VSD sẽ cung cấp cho hai sự kiện là lấy ý kiến bằng văn bản, bỏ phiếu thông qua các tờ trình và các nội dung cuộc họp ĐHCĐ.

Theo ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), VSD đã thực hiện test thử và về cơ bản, hệ thống E-Voting đã có thể phục vụ công tác tổ chức ĐHCĐ của các tổ chức phát hành. VSD cũng đang hoàn tất việc xây dựng quy định đối với dịch vụ này.

Ông Thanh cũng cho biết, hiện đã có một vài tổ chức liên hệ với VSD để sử dụng dịch vụ E-Voting, nhưng chưa phổ biến vì đây là một sản phẩm hoàn toàn mới.

Nhìn lại các mùa ĐHCĐ năm trước, có không ít doanh nghiệp niêm yết thất bại trong việc tổ chức đại hội chỉ vì số lượng cổ đông tham gia không đủ tỷ lệ 65% cổ phần có quyền biểu quyết. Ông Nguyễn Hồng Thái, Phó tổng giám đốc CTCP Xây dựng Sông Hồng (ICG) cho biết, trong 3 năm trở lại đây, Công ty thường xuyên phải tổ chức ĐHCĐ thường niên tới lần thứ ba do số lượng cổ đông tham dự không đạt tỷ lệ theo quy định. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc liệu có sử dụng dịch vụ E-Voting trong ĐHCĐ năm nay, lãnh đạo ICG cho biết, Công ty cũng chưa nghiên cứu về dịch vụ E-Voting nên mùa ĐHCĐ 2016, Công ty tiếp tục áp dụng phương thức tổ chức bỏ phiếu truyền thống.

“Đây là một dịch vụ hoàn toàn mới, nên VSD cần có sự phổ biến rộng rải, cụ thể hơn thì các doanh nghiệp mới biết và tìm hiểu”, ông Thái nói.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp khác thì nói rằng chưa biết đến hay có nghe nói nhưng chưa kịp tìm hiểu về dịch vụ này. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có biết đến dịch vụ E-Voting nhưng lại tỏ ra e dè với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc lấy ý kiến cổ đông vì cho rằng trình độ của cổ đông còn chưa đồng đều và không phải nhà đầu tư nào cũng tiếp cận với những ứng dụng mới.

Thực tế, trước khi VSD xây dựng và cung cấp dịch vụ E-voting, đã có một số CTCK cung cấp dịch vụ tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, song số doanh nghiệp áp dụng dịch vụ này chưa nhiều. Đơn cử như dịch vụ ĐHCĐ trực tuyến của FPTS. Đại diện FPTS cho biết, việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến rất hữu ích với doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn, phân bố ở nhiều tỉnh thành, trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các cổ đông thực sự quan tâm đến công ty có cơ hội thực hiện đầy đủ quyền lợi của mình.

Lợi ích của việc bỏ phiếu điện tử khá rõ ràng, giúp tăng khả năng thành công của ĐHCĐ, giúp tiết kiệm chi phí tổ chức đại hội cũng như giúp tổ chức phát hành có được kết quả nhanh, chính xác và làm gia tăng vị thế của tổ chức phát hành, nhất là ở góc độ quản trị doanh nghiệp. Mỗi tổ chức phát hành khi ký kết sử dụng dịch vụ E-Voting với VSD sẽ được cấp 1 tài khoản để đăng tải các thông tin liên quan đến ĐHCĐ, các nội dung cần được cổ đông bỏ phiếu thông qua và bản thân mỗi cổ đông cũng được cung cấp một tài khoản duy nhất để sử dụng cho tất cả các đợt bỏ phiếu.

Có lẽ, để doanh nghiệp niêm yết làm quen với phương thức lấy ý kiến cổ đông mới, cũng cần phải có thêm thời gian!

Ông Thanh cho biết, trong vòng từ 1 đến 3 năm đầu triển khai dịch vụ, VSD chỉ thu phí mang tính chất “tượng trưng”, nghĩa là hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức phát hành tiếp cận với dịch vụ mới. Trong giai đoạn đầu, các nhà đầu tư nước ngoài không trực tiếp tham gia bỏ phiếu điện tử, mà phải thông qua các tổ chức đại diện có văn phòng ở nước sở tại, đó là ngân hàng lưu ký hoặc CTCK để giảm thiểu mức độ phức tạp của công nghệ và quy trình thực hiện.

Cơ sở pháp lý cho E-Voting đã được nêu trong Luật Doanh nghiệp 2015 bổ sung quy định bỏ phiếu điện tử là hình thức tham dự và biểu quyết đối với nội dung, nghị quyết của ĐHCĐ.    

Tin bài liên quan