ESOP sẽ đảm bảo được lợi ích và mục tiêu của DN, cổ đông và người lao động

ESOP sẽ đảm bảo được lợi ích và mục tiêu của DN, cổ đông và người lao động

ESOP, tính hai mặt của công cụ “giữ người”

(ĐTCK) Mùa ĐHCĐ năm nay, thêm nhiều DN trình phương án phát hành cổ phiếu chọn lọc cho người lao động (ESOP) và được thông qua như Coteccons, REE…, nhưng vẫn có DN vấp phải sự phản đối của cổ đông, chẳng hạn C32.

ESOP đang trở thành nhu cầu bắt buộc

Theo dữ liệu khảo sát từ Công ty Lawlink Việt Nam năm 2015, trong số gần 300 DN niêm yết được khảo sát, có 186 DN phản hồi, trong đó 15% DN áp dụng ESOP. Ở nhóm công ty chưa niêm yết, khảo sát trên 12.000 DN cho thấy, 15% DN đã áp dụng ESOP, 10% sẽ áp dụng trong 1 năm tới, trong đó chủ yếu rơi vào nhóm DN có quy mô vừa. Ngoài ra, 25% DN được khảo sát cho biết, sẽ áp dụng ESOP trong 3 năm tới.

Xét về mặt lợi ích, ESOP vừa là công cụ quản trị giúp giữ chân nhân tài, vừa là công cụ tài chính giúp DN tăng vốn, thậm chí với cả những DN đang gặp khó khăn, nếu biết linh hoạt áp dụng. Chẳng hạn, trước khi niêm yết, CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn, vì vậy Ban giám đốc HBC yêu cầu người lao động đóng góp 15% lương hàng tháng vào Quỹ đầu tư phát triển (số tiền này được Công ty trả lãi cao hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng).

Sau một thời gian tích lũy, đến thời điểm HBC niêm yết, lượng vốn đóng góp của cán bộ, nhân viên được quy ra phần trăm sở hữu. Thời điểm đó, giá cổ phiếu HBC tăng cao, mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người lao động.

“Việc phát hành cổ phiếu ESOP như vậy đã diễn ra trong hơn 10 năm nay, mà không có kiện tụng hay tranh cãi gì”, ông Nguyễn Văn An, Phó tổng giám đốc HBC chia sẻ.

Theo GS. Phan Văn Trường, nguyên Chủ nhiệm Chương trình đào tạo kỹ năng quản trị và lãnh đạo, Viện John Von Neumann, trực thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM, trong xu thế hiện nay, phát hành cổ phiếu ESOP không những quan trọng, mà gần như trở thành nhu cầu bắt buộc trong hoạt động của một CTCP.

“Đây là thời kỳ bản lề, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, các DN tham gia cuộc chơi hội nhập đòi hỏi phải thành lập một tổ chức công đoàn độc lập, khác hoàn toàn so với tổ chức công đoàn như hiện nay. Theo đó, xu hướng quản trị DN sẽ lên ngôi, thay vì quản lý. Trong đó, phát hành cổ phiếu ESOP là một trong những chiến lược quan trọng trong hoạt động quản trị của các công ty đại chúng, nếu muốn ổn định chiến lược phát triển dài hạn”, ông Trường nhấn mạnh. 

Chấp nhận rủi ro khi thực hiện

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm DFB Hanco chia sẻ, tính đến nay, Công ty đã tổ chức 2 đợt phát hành ESOP. Lần thứ nhất, cách đây 10 năm, Công ty không thiếu vốn, nhưng với mong muốn phát triển hệ thống nhân viên ngày càng lớn mạnh và giữ chân nhân tài, nên bà Oanh quyết định phát hành ESOP cho tất cả nhân viên.

Sau khi phát hành khoảng 2 năm, Công ty bắt đầu nhận được nhiều yêu cầu bán cổ phần từ người lao động, khi thấy hoạt động kinh doanh bắt đầu đi xuống. Sau khi tái cấu trúc DN, Công ty tiến hành phát hành ESOP lần hai, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đối tượng phát hành được chọn lọc, là những người có khả năng gắn bó lâu dài với DN.

“Thực sự am hiểu ESOP sẽ góp phần giúp DN phát triển. Công ty có kế hoạch niêm yết vào năm 2018”, bà Oanh nói.

Về những trường hợp cổ đông phản đối ESOP, không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân có thể là do chế độ kiểm toán Việt Nam quy định, việc phát hành ESOP không bắt buộc phải hạch toán vào chi phí công ty (khiến lợi nhuận trước thuế trên báo cáo tài chính tăng lên một khoản tương ứng), dẫn đến nguy cơ Ban điều hành DN thao túng về giá phát hành, tạo sổ sách, báo cáo lợi nhuận “ảo”, đưa ra những kế hoạch, chiến lược kinh doanh ngắn hạn mang tính rủi ro cao, có thể mang lại cơ hội đạt lợi nhuận cao, nhưng tiềm ẩn nguy cơ cho DN và cổ đông.

Có DN lên phương án giá bán cổ phần ESOP bằng không, khiến cổ đông cảm thấy thiệt nên phản đối. Đó là chưa kể trường hợp DN phát hành cổ phiếu ESOP chủ yếu cho Ban lãnh đạo, với tỷ lệ không nhỏ và mức giá thấp.

Trao đổi với ĐTCK, bà Lê Thị Thủy, Giám đốc điều hành Công ty Lawlink Việt Nam, người có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn DN phát hành ESOP cho biết, nguyên nhân chính khiến việc triển khai phát hành ESOP thất bại là bởi kỳ vọng mà DN đặt ra đối với chương trình chưa rõ ràng; nhận định về thị trường, chiến lược phát triển kinh doanh chưa xác thực; đội ngũ thực hiện chưa hiểu biết sâu sắc về ESOP cũng như kỹ năng triển khai.  

Theo bà Thủy, những người “lèo lái” DN cần truyền thông được thông điệp: giữa DN nói chung, cổ đông nói riêng và người lao động có chung mục tiêu và lợi ích như nhau. Có như vậy kế hoạch ESOP mới nhận được sự ủng hộ.                                          

Tin bài liên quan