Đường lên sàn của hàng nghìn doanh nghiệp sẽ ngắn lại

Đường lên sàn của hàng nghìn doanh nghiệp sẽ ngắn lại

(ĐTCK) Thông tin từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), dự kiến ngày trong tháng 4, đơn vị này sẽ phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai sở GDCK xem xét sửa đổi Thông tư 196/2011/TT-BTC, nhằm đơn giản hóa các thủ tục đăng ký niêm yết, giao dịch trên TTCK cho doanh nghiệp.

Động thái này hứa hẹn sẽ rút ngắn lộ trình lên sàn của hàng nghìn doanh nghiệp trong thời gian tới.

Cổ phiếu được giao dịch ngay sau IPO

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, ngay sau IPO, tối thiểu là các doanh nghiệp phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, còn những doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí niêm yết, thì hồ sơ IPO được đồng thời xem xét để niêm yết thẳng lên Sở GDCK.

Về cơ chế giao dịch, ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, HNX đang khẩn trương xây dựng phương án gắn đấu giá cổ phần hóa với đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM trình Bộ Tài chính ban hành. Việc cổ phiếu sau khi đấu giá được vào giao dịch ngay trên thị trường tập trung giúp tăng khả năng thành công của các cuộc đấu giá, giúp nhà đầu tư có nơi giao dịch cổ phiếu an toàn và cơ quan quản lý cũng đạt được mục tiêu đề ra. 

Việc cổ phiếu sau khi đấu giá được vào giao dịch ngay trên thị trường tập trung giúp tăng khả năng thành công của các cuộc đấu giá, giúp nhà đầu tư có nơi giao dịch cổ phiếu an toàn và cơ quan quản lý cũng đạt được mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, Sở cũng đang đề xuất phân bảng trên thị trường UPCoM để phân loại các cổ phiếu; trong đó, có bảng 1 là nhóm cổ phiếu của các DN đáp ứng được tiêu chuẩn niêm yết với kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt, quy mô vốn lớn… Đây sẽ là nguồn hàng chất lượng để đưa lên niêm yết sau một thời gian tập dượt trên sàn UPCoM.

Điều này sẽ giúp tạo nguồn cung cổ phiếu lớn cho thị trường chứng khoán, đồng thời giải quyết một “điểm nghẽn” trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước lâu nay - là tính kém thanh khoản của cổ phiếu, khiến nhà đầu tư kém mặn mà. 

Gian nan con đường thúc DN lên sàn

Theo thống kê của UBCK, tính đến thời điểm 31/12/2015, cả nước có hơn 1.000 công ty đại chúng chưa niêm yết. Trong số này, có 256 công ty đã đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Như vậy, số công ty đại chúng chưa được đưa vào giao dịch, niêm yết theo quy định vào khoảng 800 doanh nghiệp.

Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn, với vốn điều lệ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam… và một loạt ngân hàng như SaigonBank,PVCombank, Techcombank, MaritimeBank, Đông Á Bank…

Thời gian qua, dù cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đại chúng lên sàn, nhưng đến nay, vẫn chưa có chế tài rõ ràng đối với những doanh nghiệp “trốn” nghĩa vụ lên sàn. Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định, doanh nghiệp chào bán cổ phiếu ra công chúng nếu không đưa vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán sẽ bị phạt từ 100 đến 150 triệu đồng (trừ trường hợp không đủ điều kiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán theo quy định).

Tuy nhiên, do Nghị định này không có hiệu lực hồi tố, nên để thúc các doanh nghiệp cổ phần hóa trước thời điểm tháng 11/2013 (thời điểm Nghị định có hiệu lực), Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định 51/2014 yêu cầu, trong thời hạn 90 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Nghị định có hiệu lực từ 1/11/2014, nhưng áp dụng hồi tố với cả các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước đó.

Đến năm 2015, nhằm thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, hàng loạt chính sách hỗ trợ tạo nguồn hàng mới cho UPCoM tiếp tục được ban hành và có hiệu lực. Cụ thể, Nghị định 60/2015 được ban hành đã rút ngắn thời gian đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch sau cổ phần hóa từ 90 ngày theo Quyết định 51/2014 xuống còn 60 ngày. Tiếp đó, ngày 13/11/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên thị trường UPCoM. Theo đó, tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 (thời điểm Thông tư có hiệu lực) mà không lên niêm yết sẽ phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 1 năm. Đối với các công ty đại chúng hình thành sau ngày 1/1/2016, thời hạn để đăng ký giao dịch là trong vòng 30 ngày kể từ ngày UBCK có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng.

Trong khi đa phần các văn bản trên mang tính hướng dẫn cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, còn những kẽ hở để doanh nghiệp có thể “né” UPCoM như  khi doanh nghiệp nhà nước thực hiện IPO chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật quy định về cổ phần hóa, chứ không phải hệ thống pháp luật về chứng khoán, nên áp dụng chế tài quy định tại Nghị định 108/2013 là không phù hợp.

Mặt khác, với việc những doanh nghiệp sau khi tiến hành IPO, nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn của công ty đại chúng thì không phải đăng ký giao dịch trên UPCoM, hoài nghi về khả năng các công ty tìm cách để lách quy định này lại được đặt ra?               

Tin bài liên quan