Dưới 100 cổ đông, rút công ty đại chúng có đúng luật?

Dưới 100 cổ đông, rút công ty đại chúng có đúng luật?

(ĐTCK) Thực tế quy định của Luật Chứng khoán về các trường hợp trở thành công ty đại chúng là khá “khó hiểu”, có vẻ không hợp logic.

Thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp thông báo với cổ đông: doanh nghiệp không còn là công ty đại chúng (có văn bản thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) do số lượng cổ đông sụt giảm xuống dưới mức quy định (100 cổ đông).

Điều này khiến cổ đông nhỏ không khỏi hụt hẫng, bởi đi kèm với việc không còn là đại chúng thì không phải tuân thủ các quy định về quản trị. Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với Luật sư Hồ Anh Khoa, Công ty Luật BASICO, xung quanh vấn đề này. 

Dưới 100 cổ đông, rút công ty đại chúng có đúng luật? ảnh 1

Luật sư Hồ Anh Khoa 

Thưa Luật sư, pháp luật Việt Nam hiện quy định nhận diện công ty đại chúng như thế nào?

Theo Điều 25 về "Công ty đại chúng", Luật Chứng khoán 2006, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau: (i) Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; (ii) Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm Giao dịch chứng khoán; (iii) Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm (100) nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười (10) tỷ đồng trở lên.

Trong đó, trường hợp công ty cổ phần mà có ít nhất 100 cổ đông (không kể cổ đông là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) và vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên, sẽ bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký công ty đại chúng trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày trở thành công ty đại chúng (Điều 34 về “Đăng ký công ty đại chúng”, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán).

So với công ty cổ phần thông thường, công ty đại chúng phải tuân thủ theo những quy tắc quản trị, hoạt động đặc thù. Hiện tại, các công ty đại chúng phải tuân thủ quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng theo Thông tư số 121/2012/TT-BTC.

Với quy định “công ty đại chúng là công ty chào bán chứng khoán ra công chúng, hoặc có từ 100 cổ đông và có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên”, như vậy đã hợp lý chưa, thưa ông?

Cần xem xét hợp lý là dưới góc độ nào. Trước hết, theo tôi, thực tế quy định của Luật Chứng khoán về các trường hợp trở thành công ty đại chúng như nêu trên là khá “khó hiểu”, có vẻ không hợp logic.

Điều 25 về “Công ty đại chúng”, Luật Chứng khoán quy định loại hình của công ty đại chúng, chứ không quy định rõ về điều kiện để trở thành công ty đại chúng. Trong khi đó, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, khi quy định về hủy tư cách công ty đại chúng lại nhắc đến: Công ty đại chúng không đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng theo Điều 25 Luật Chứng khoán thì phải thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Nói cách khác, nếu đã quy định điều kiện để trở thành công ty đại chúng, thì để hủy tư cách công ty đại chúng của một doanh nghiệp, doanh nghiệp này phải không còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó nữa. Tuy nhiên, với trường hợp công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thì xác định công ty ấy không còn điều kiện này như thế nào, khi họ đã tiến hành rồi?

Thực tế, để triển khai quy định về điều kiện này, phải trải qua một loạt quy định lòng vòng, song cuối cùng vẫn phải xác định việc không đáp ứng điều kiện công ty đại chúng là khi không bảo đảm đủ số vốn điều lệ tối thiểu 10 tỷ đồng, hoặc có số lượng cổ đông thấp hơn 100 người.

Theo tôi, cần xem xét, chuẩn hóa lại điều kiện để trở thành công ty đại chúng và tính chất của thủ tục đăng ký công ty đại chúng (vì theo các quy định hiện tại, trở thành công ty đại chúng rồi thì công ty mới đặt ra nghĩa vụ đăng ký theo thời hạn được quy định). Khi đó, việc hủy tư cách công ty đại chúng mới đỡ “loạn”.

Không ít cổ đông cho rằng, việc rút công ty đại chúng của các công ty đã chào bán chứng khoán ra công chúng là không phù hợp. Khi chào bán, theo Luật Chứng khoán, công ty đó đã là công ty đại chúng, cổ đông đánh giá các nghĩa vụ công khai minh bạch của doanh nghiệp thì mới quyết định đầu tư. Sau đó, lại lấy lý do là không đủ 100 cổ đông để thoái thác các nghĩa vụ quản trị đối với công ty đại chúng. Vậy việc cho rút công ty đại chúng có đúng luật?

Tôi cho rằng, khi đã đặt ra điều kiện để trở thành công ty đại chúng, thì có một cơ chế để đưa các công ty đó trở về trạng thái không đại chúng là hợp lý. Tuy nhiên, để hạn chế trường hợp “lách” quy định để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin, nghĩa vụ tuân thủ quy chuẩn quản trị điều hành doanh nghiệp, thì phải tập trung vào quản lý điều kiện công ty đại chúng, mà trước tiên phải chuẩn hóa lại hệ điều kiện này.

Tin bài liên quan