Được mất trong đầu tư nhìn từ dòng cổ tức

Được mất trong đầu tư nhìn từ dòng cổ tức

(ĐTCK) Trong bối cảnh thị giá hàng loạt cổ phiếu giảm mạnh theo đà rơi của TTCK hiện nay, những khoản cổ tức bằng tiền được ví như "cơn mưa giữa ngày hạ" để an ủi phần nào tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư, cổ đông nào cũng được hưởng niềm vui này, khi vẫn còn nhiều doanh nghiệp chây ì việc trả cổ tức.

Nhiều doanh nghiệp đều đặn trả cổ tức cao

HĐQT CTCP Thủy sản Bến Tre (mã ABT - HOSE) vừa ra Nghị quyết về việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 30%/mệnh giá (3.000 đồng/CP) trong tháng 8/2018. Đây cũng là mức cổ tức tối thiểu mà HĐQT cam kết trước Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018. Kết thúc quý I/2018, ABT đạt 91 tỷ đồng doanh thu và hơn 9 tỷ đồng lợi nhuận.

Từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu ABT đã "đi ngược" thị trường khi ghi nhận mức tăng hơn 26%, khối lượng giao dịch bình quân hơn 4.000 đơn vị/phiên. Trong hơn 1 tháng qua, giá cổ phiếu ABT giao dịch quanh mức 36.800 đồng -38.000 đồng/CP, khối lượng giao dịch 5.600 đơn vị/phiên. Như vậy, với ABT, tạm ngoại trừ khoảng 85% vốn được nắm giữ bởi cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan, các cổ đông nhỏ lẻ sẽ nắm giữ phần vốn còn lại chắc cũng vui mừng với diễn biến giá cổ phiếu và thông tin chia cổ tức như trên.

Cũng ngược dòng thị trường, cổ phiếu SCS của CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (UPCoM) ghi nhận mức tăng hơn 56% từ đầu năm đến nay (từ mức 113.000 đồng/CP phiên 2/1, lên 177.000 đồng 11/7, thậm chí có thời điểm còn tăng đến 194.000 đồng/CP). Khối lượng giao dịch bình quân 64.600 đơn vị/phiên. Nếu tiếp tục nắm giữ, các cổ đông của SCS sẽ nhận được mức cổ tức không kém so với đà tăng của cổ phiếu.

Mới đây, SCS thông báo về ngày đăng ký cuối cùng (ngày 12/7) nhận cổ tức bằng tiền đợt 2/2017 với  tỷ lệ 30%. Cổ tức sẽ được chi trả trong ngày 24/7. Trước đó, vào tháng 1/2018, SCS đã chi trả cổ tức đợt 1/2017 cũng với tỷ lệ 30% bằng tiền. Theo kế hoạch năm 2018, SCS tiếp tục duy trì chính sách cổ tức bằng tiền mặt là 45%.

Với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 167 tỷ đồng, CTCP Bia và nước giải khát Hạ Long (mã HLB -UPCoM) tạo ra doanh thu 325,5 tỷ đồng và hơn 31 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ trong năm 2017. Ngày 13/7 tới đây là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 50% của HLB.  Trước đó 1 tháng, HLB đã trả cổ tức đợt còn lại của năm 2017 với tỷ lệ 60% bằng tiền mặt.

Duy trì cổ tức cao và đều đặn hàng năm, cổ phiếu NT2 của CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 được coi là “của để dành” đối với nhiều nhà đầu tư. Theo thông báo của NT2, vào ngày 16/7 tới, Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 27,92% cho giai đoạn 2007-2015.

Thời gian thanh toán vào ngày 30/7/2018. Ngoài ra, HĐQT NT2 còn thống nhất trả tạm ứng cổ tức năm 2018 theo tỷ lệ 15% mệnh giá (thời gian chi trả chưa được công bố cụ thể). Như vậy, tính tổng cả 2 đợt, cổ đông NT2 sẽ được nhận 42,92% cổ tức bằng tiền.

Đáng chú ý, CTCP Thương mại Bia Sài gòn Sông Tiền (mã SST - OTC) quyết định trả cổ tức đợt 2/2017 bằng tiền với tỷ lệ "khủng" 139%. Ngày chốt danh sách cổ đông là ngày 19/7 và thanh toán vào ngày 3/8. Tính cả đợt 1, tổng mức cổ tức mà cổ đông SST được nhận trong năm 2017 lên đến 239%.

Nhưng cũng không ít doanh nghiệp liên tục thất hứa

Bên cạnh những doanh nghiệp duy trì đều đặn việc trả cổ tức hàng năm cho cổ đông, trên thị trường vẫn còn nhiều doanh nghiệp thất hứa, thậm chí "lờ" việc trả cổ tức trong thời gian dài.

Chẳng hạn, CTCP Kỹ thuật điện Sông Đà (mã SDE - HNX) vừa thông báo thay đổi ngày thanh toán cổ tức giai đoạn 2011-2012 bằng tiền... lần thứ 13. Danh sách cổ đông đã được SDE chốt vào ngày 14/11/2013 với tỷ lệ 6% năm 2011 và 5% năm 2012.

SDE đã thua lỗ 3 năm liên tiếp từ năm 2015 đến năm 2017, cổ phiếu Công ty rơi vào diện bị cảnh báo từ ngày 14/5/2018 do chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 quá 15 ngày kể từ ngày hết hạn công bố thông tin. Với tình trạng này, cổ phiếu SDE nhiều khả năng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

CTCP Dầu khí Đông Đô (mã PFL - UPCoM) đã 9 lần xin khất việc trả cổ tức đợt 2/2010 bằng tiền mặt cho cổ đông, dù danh sách nhận cổ tức đã được chốt xong hơn 6 năm trước (ngày 9/1/2012). Nguyên nhân chính vẫn là chưa cân đối đủ nguồn tiền để thanh toán cổ tức. Cổ phiếu PFL đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên HNX do thua lỗ liên tiếp 3 năm 2012-2014 và hiện đang giao dịch trên sàn UPCoM với giá 800 đồng/CP.

Tương tự, với lý do nguồn tiền về của các công trình đang thi công  và các nguồn thu khác không đạt dự kiến, nên CTCP Xây dựng số 5 (mã VC5 - UPCoM) cũng đã 7 lần thay đổi ngày thanh toán cổ tức năm 2013 bằng tiền và cổ phiếu cho các cổ đông.

Sau nhiều năm khất lần, tin mừng đến với cổ đông của CTCP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (mã SMA - HOSE) khi Công ty đã thanh toán cổ tức giai đoạn 2012-2014 vào ngày 7/3/2018. Cụ thể, HĐQT SMA quyết định chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ tổng cộng 10%, bao gồm 3% của năm 2012, 4% năm 2013 và 3% cho năm 2014. Cổ đông SMA có được "niềm vui" này là Công ty lãi lớn 38 tỷ đồng năm 2017, trong khi các năm trước đó chỉ khoảng 5-7 tỷ đồng, thậm chí năm 2014 còn chưa tới 400 triệu đồng.

Thực tế, với các doanh nghiệp thường xuyên chây ì cổ tức, đa phần là có kết quả kinh doanh bết bát. Bởi vậy, để làm vui lòng cổ đông, nhà đầu tư, có lẽ điều mà doanh nghiệp nên cải thiện đầu tiên chính là hiệu quả kinh doanh. 

Tin bài liên quan