Một nhà đầu tư nước ngoài  tìm hiểu thủ tục đầu tư tại CTCK Maybank KimEng

Một nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu thủ tục đầu tư tại CTCK Maybank KimEng

Đột biến dòng vốn ngoại

(ĐTCK) Những thông tin mới nhất được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chia sẻ cho thấy, dòng vốn ngoại đang phát đi tín hiệu đột biến từ đầu năm 2014 đến nay.

Quý I/2014, vốn ngoại vào ròng gấp đôi cả năm 2013

Trái ngược với sự tháo chạy vội vã của NĐT nội trong những phiên giao dịch gần đây, nhất là phiên giảm điểm lịch sử ngày 8/5 (VN-Index giảm 32,88 điểm), thị trường ghi nhận sự “xuống tiền” khá mạnh mẽ của khối ngoại. Điển hình là ngay trong phiên giao dịch ngày 8/5, khối ngoại mua ròng gần 280 tỷ đồng trên cả HOSE và HNX, cao nhất trong 4 phiên giao dịch đầu tháng 5.

Với cái nhìn bao quát hơn khi trao đổi với ĐTCK, Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho biết, diễn biến dòng vốn ngoại trong những tháng đầu năm nay rất tích cực. Trong quý I/2014, vốn đầu tư nước ngoài vào ròng trên TTCK tăng gần gấp đôi so với cả năm 2013. Trong tháng 4 vừa qua, giá trị mua của NĐT nước ngoài tương đương 80% tổng lượng mua của cả 4 tháng đầu năm nay của khối này. Diễn biến này cho thấy, NĐT nước ngoài tiếp tục đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Với cái nhìn cận cảnh hơn về diễn biến dòng vốn ngoại, thống kê của HNX vừa công bố cho thấy, trong tháng 4, NĐT nước ngoài đã chuyển nhượng tổng cộng 44,57 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 695 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch mua vào chiếm ưu thế với 26,15 triệu cổ phiếu, trong khi bán ra 18,41 triệu cổ phiếu.

Đà hứng khởi của dòng vốn ngoại trong 4 tháng qua được duy trì trong các phiên giao dịch đầu tháng 5 này. Khối ngoại đã mua ròng trong cả 4 phiên giao dịch đầu tháng 5/2014 (tính đến ngày 8/5), với giá trị 386 tỷ đồng trên cả HOSE và HNX.

Sẽ còn hứng khởi

“Như nhu cầu đầu tư của khối ngoại vào TTCK Việt Nam đang có triển vọng tăng, cùng những nỗ lực cải cách mà các cơ quan quản lý đang triển khai, TTCK Việt Nam sẽ thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn ngoại trong thời gian tới”, ông Long nói và cho biết, mới đây, UBCK hướng dẫn thực hiện Thông tư 74/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về giao dịch trên TTCK, theo hướng cho phép CTCK nước ngoài sử dụng tài khoản tổng để đặt lệnh mua, bán cùng một loại chứng khoán trong một phiên giao dịch, đã hỗ trợ NĐT nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam thuận lợi hơn. Điều này đang góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho TTCK Việt Nam trong nỗ lực thu hút hiệu quả hơn dòng vốn ngoại.

Theo ông Long, Bộ Tài chính, UBCK đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường đang và sẽ có tác động tích cực TTCK, thu hút dòng vốn ngoại hiệu quả hơn. Ngoài Hội nghị xúc tiến đầu tư “Việt Nam - điểm đến của NĐT Nhật Bản” do Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì vừa diễn ra tại Nhật Bản, UBCK đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm nâng hạng cho TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market) trên bảng phân loại của MSCI. Khi trở thành thị trường mới nổi, tỷ trọng đầu tư vào TTCK Việt Nam của các NĐT tổ chức lớn trên thế giới sẽ tự động được điều chỉnh tăng thêm. Điều này giúp TTCK Việt Nam hút thêm dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, qua đó góp phần quan trọng để cải thiện tính thanh khoản, cũng như hỗ trợ sự phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng của TTCK.

Lãnh đạo UBCK cho biết thêm, sắp tới, bản dịch tiếng Anh các quy định pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán, cũng như các nội dung liên quan mà NĐT nước ngoài quan tâm, sẽ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của UBCK, nhằm giúp NĐT nước ngoài hiểu rõ hơn về TTCK Việt Nam. Quy trình, thủ tục cấp mã số giao dịch chứng khoán cũng đang được cơ quan quản lý xem xét, để tiếp tục tiết giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, qua đó rút ngắn thời gian tiếp cận TTCK Việt Nam cho NĐT nước ngoài. Ngoài ra, việc thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các DNNN lớn sẽ tạo ra nguồn cung hàng hóa dồi dào, có chất lượng cao, góp phần giúp TTCK Việt Nam nhanh chóng tiếp cận những điều kiện để được coi là một thị trường mới nổi.

“Trong nhóm thị trường mới nổi và cận biên, TTCK Việt Nam được NĐT nước ngoài đánh giá đang là một trong những thị trường có sức hấp dẫn hàng đầu thế giới”, TS. Alan T. Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital nói và cho rằng, điều này cộng với diễn biến vĩ mô có thêm những tín hiệu tích cực, lượng vốn ngoại vào ròng TTCK Việt Nam trong năm nay có thể đạt 500 - 600 triệu USD.

“Khối ngoại mua ròng gần 2.000 tỷ đồng từ đầu tháng 4 đến nay”

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC)

Đột biến dòng vốn ngoại ảnh 1
Dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực. Trên thị trường cổ phiếu, NĐT nước ngoài đã mua ròng gần 2.000 tỷ đồng tính từ đầu tháng 4/2014 đến nay. Kể từ quý III/2013 đến nay, nhất là trong quý I/2014, số lượng NĐT nước ngoài mở tài khoản tại HSC tăng lên đáng kể so với cùng kỳ nhiều năm trước. Điểm đáng chú ý qua các cuộc tiếp xúc mới đây với nhiều đối tượng NĐT nước ngoài mà HSC ghi nhận được là ngoài có ý định tiếp tục giải ngân vào thị trường cổ phiếu trong thời gian tới, khối ngoại còn đang chuẩn bị kế hoạch cụ thể, tham gia các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của một số DN lớn sắp diễn ra.

Một diễn biến khác cũng thể hiện mức độ quan tâm lớn của khối ngoại đối với TTCK Việt Nam là họ đang giải ngân mạnh vào trái phiếu chính phủ. Giá trị danh mục trái phiếu chính phủ toàn thị trường hiện khoảng 24 tỷ USD, thì khối ngoại nắm tới 25% (6 tỷ USD), vượt qua mức đỉnh của năm 2008 là 1 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng mạnh, tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất giảm... là những yếu tố chính kích thích dòng vốn ngoại gia tăng hoạt động giải ngân vào trái phiếu chính phủ Việt Nam.

“Nhiều quỹ lớn lên kế hoạch giải ngân vào TTCK Việt Nam”

Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS)

Đột biến dòng vốn ngoại ảnh 2
Dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam từ đầu năm đến nay diễn biến tích cực, ngay cả trong những thời điểm thị trường sụt giảm mạnh như phiên giao dịch ngày 8/5 vừa qua. Điều này không chỉ thể hiện qua hoạt động mua ròng của khối ngoại, mà hạn mức NĐT nước ngoài dành cho giải ngân vào thị trường Việt Nam trong kế hoạch năm nay, tiếp tục ổn định.

Chuyển động từ thị trường cho thấy, nhiều khả năng không lâu nữa, thị trường sẽ đón nhận dòng vốn mới đến từ khối ngoại. Với những thông tin mà chúng tôi có được trong thời gian gần đây, chưa bao giờ một số quỹ đầu tư lớn đang quản lý danh mục đầu tư hàng chục tỷ USD trên thế giới (không phải các quỹ đầu tư mạo hiểm) lại dành sự quan tâm lớn đến TTCK Việt Nam như hiện tại.

Tính chất quan tâm của họ khác với các thời điểm trước đây là chủ yếu dừng lại ở hoạt động nghiên cứu, thăm dò thị trường, thì nay họ cho rằng, đã hội đủ các yếu tố để xem xét hạn mức vốn cụ thể sẽ giải ngân vào TTCK Việt Nam.

Sở dĩ NĐT nước ngoài đang tiến gần hơn đến quyết định giải ngân vào TTCK Việt Nam là bởi tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng dần theo quỹ đạo ổn định. Họ ưa thích kịch bản nền kinh tế tăng trưởng chậm, nhưng chắc như từ đầu năm đến nay. Các chính sách cũng như hiệu quả triển khai các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tuy chưa mang lại nhiều kết quả như mong đợi, nhưng đang đi đúng hướng. Một điều mà khối ngoại mong đợi từ nhiều năm nay là thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty, đang được đáp ứng khi Chính phủ rốt ráo triển khai.

Tin bài liên quan