Ông John Chong

Ông John Chong

Dòng vốn từ Malaysia sắp đổ vào Việt Nam

(ĐTCK) Ông John Chong, Giám đốc điều hành Tập đoàn Maybank Kim Eng (MBKE) - tập đoàn dịch vụ tài chính hàng đầu Malaysia cho biết, hiện có rất nhiều nhà đầu tư tổ chức của Malaysia muốn đầu tư vào TTCK Việt Nam, trong đó MBKE sẽ nâng vốn đầu tư lên 1.100 tỷ đồng trong thời gian tới.

Theo ông, dòng vốn đầu tư của Malaysia vào Việt Nam năm 2015 tập trung vào lĩnh vực nào?

Hiện dòng vốn đầu tư của Malaysia đang tập trung vào các doanh nghiệp dầu khí của Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác, chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội. 

Ông có thể cho biết, tỷ suất lợi nhuận của MBKE khi đầu tư ở thị trường Việt Nam so với Malaysia và các nước trong khu vực?

Tôi không thể chia sẻ con số cụ thể về tỷ suất lợi nhuận mà chúng tôi đạt được, nhưng chúng tôi rất hài lòng với kết quả đầu tư tại Việt Nam trong thời gian qua.

Chính vì vậy, chúng tôi tiếp tục nâng đầu tư vào Việt Nam ở thời điểm năm ngoái lên 2 lần và trong 2 năm tới, MBKE sẽ lên 50 triệu USD (tương đương 1.100 tỷ đồng) vốn đầu tư vào Việt Nam. MBKE sẽ tiếp tục đầu tư mạnh trong vòng 5 năm tới cho việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường đội ngũ nghiên cứu phân tích để hỗ trợ tốt hơn cho các khách hàng định chế.

Hiện Việt Nam được ưu tiên trong các lựa chọn đầu tư của MBKE so với các nước trong khu vực ASEAN. 

Tỷ giá VND/USD mới đây được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng thêm 1%, ông nhận thấy nhà đầu tư nước ngoài có phản ứng như thế nào?

Tỷ giá được điều chỉnh gần đây không làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào cơ hội tại Việt Nam trong trung và dài hạn. Thậm chí, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn chung vẫn lạc quan về các cải cách đúng hướng, cải thiện môi trường đầu tư và đặc biệt trong năm nay, tăng trưởng GDP có cơ hội vượt mức 6%, lần đầu tiên trong 4 năm qua.

Việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá 2 lần kể từ đầu năm, theo quan điểm của chúng tôi, mang yếu tố khách quan nhiều hơn, do đồng USD đã mạnh lên rất nhiều so với phần lớn các đồng tiền khác. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng thì Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng này.

Nói như vậy, chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cố gắng ổn định tỷ giá, mang lại sự yên tâm cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Kể cả sau 2 lần điều chỉnh tỷ giá, VND vẫn là một trong những đồng tiền giữ giá tốt nhất trong khu vực trong hơn 2 năm qua.

Chúng tôi hiểu rằng, ổn định tỷ giá, ổn định vĩ mô là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Nhưng đồng thời, chúng tôi ủng hộ Ngân hàng Nhà nước linh hoạt trong điều chỉnh tỷ giá để đảm bảo tính thị trường và tránh phải sử dụng quá nhiều dự trữ ngoại hối để bình ổn. 

Khi cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng lên không và các doanh nghiệp cần phải làm gì để nắm bắt cơ hội, theo ông?

Khi ASEAN là một thị trường thống nhất, các nhà làm chính sách cần thiết lập một khung pháp lý chung cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động. Còn các doanh nghiệp cần nắm bắt thời cơ và đề ra chiến lược hành động để trở thành các công ty đa quốc gia.

Hiện nguồn vốn FDI vào Việt Nam mới chỉ chiếm 17% trong nội khối ASEAN và sẽ gia tăng trong tương lai. Nhưng để thu hút nguồn vốn này bền vững, Việt Nam phải có chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân lực và phát triển thị trường vốn hơn nữa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Hiện rất nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài muốn đầu tư vào TTCK Việt Nam, đặc biệt là vào những doanh nghiệp lớn như Vinamilk, nhưng giới hạn sở hữu nước ngoài đã hết. Được biết, Việt Nam đang nghiên cứu sản phẩm chứng chỉ lưu ký chứng khoán không có quyền biểu quyết (NVDR) để tăng tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một trong những cơ chế khả thi, Thái Lan đã áp dụng thành công để gọi vốn nước ngoài, Việt Nam nên sớm áp dụng.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi được ký kết sẽ là yếu tố tích cực đối với thị trường Việt Nam. Việt Nam cần hạ thấp hàng rào kỹ thuật hay rào cản thuế quan để thu hút đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt cần phải cải thiện trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh), các báo cáo tài chính, bản cáo bạch bằng tiếng Anh phải theo chuẩn quốc tế, đồng thời nâng cao trình độ quản trị công ty. Chúng tôi đang tính đến việc thành lập một công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam. Dựa trên mức độ xếp hạng tín nhiệm này, nhà đầu tư nước ngoài có thể đổ vốn vào đây.

Tin bài liên quan