Dòng tiền mới kích hoạt tài khoản “ngủ đông”

Dòng tiền mới kích hoạt tài khoản “ngủ đông”

(ĐTCK) Quý I/2014, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, con số vượt dự kiến của cả những CTCK lạc quan nhất. Dòng tiền thông minh đã hướng vào chứng khoán, kích hoạt nhiều tài khoản “ngủ đông”, tạo ra nhiều vòng quay khó tưởng tượng.
Tại CTCK FPT (FPTS), thuộc Top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất, vốn có thế mạnh trong việc thu hút NĐT đại chúng, trong quý I/2014 đã có thêm 2.170 tài khoản mở mới, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, số lượng tài khoản mở sau Tết (tháng 2, 3) tăng mạnh, đạt 1.773 tài khoản, tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ. Đại diện công ty này cho hay, ngoài việc nhiều NĐT đến mở tài khoản để giao dịch, có rất nhiều tài khoản cũ giao dịch trở lại. Số lượng tài khoản có giao dịch trong 3 tháng đầu năm 2014 tăng khoảng gần 30% so với 3 tháng trước đó.

Còn tại CTCK SHBS,  một CTCK đang nỗ lực trở lại sau thời gian thua lỗ và tái cấu trúc, quý I năm nay, có thêm 300 tài khoản, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong đó, NĐT tập trung mở tài khoản nhiều vào sau Tết, chiếm 85% số lượng tài khoản mở mới. Trong số gần 11.000 tài khoản cũ, nhiều NĐT đã giao dịch trở lại.

“Từ đầu năm đến nay, số lượng tiền nộp vào tài khoản luôn cao hơn so với số tiền rút ra và hiện tại xu thế chưa thay đổi”, lãnh đạo SHBS cho biết.

Ghi nhận tại nhóm CTCK quy mô khác nhau như vậy cho thấy, tình hình khả quan đang diễn ra với thị trường chứng khoán, niềm tin vào thị trường đang đến với nhiều NĐT.

Sau cả năm 2012 quay lưng với thị trường, đầu năm nay, anh M., chủ 2 cửa hàng thép lớn tại Hà Nội đã dành thời gian đáng kể cho chứng khoán. Tiền vốn lưu động mua bán hàng, tiền tiết kiệm, tiền huy động từ người thân, sơ sơ cũng vài tỷ đồng đều được quy ra cổ phiếu. Nhiều bạn bè của M. cũng hành động tương tự.

Vốn nhạy bén với kinh doanh, những NĐT như M. ít khi bỏ qua các cơ hội kiếm tiền trên thị trường chứng khoán.

Còn bà T., một đại gia tại Hà Nội, trong suốt 2 năm qua chỉ giao dịch nhỏ giọt, khoản vốn vài chục tỷ đồng chủ yếu được cho vay chợ đen hưởng lãi suất cao, nay lãi suất xuống thấp, tiếp cận vốn ngân hàng đã dễ dàng, việc cho vay khó hơn, chứng khoán lại sôi sùng sục, nên từ sau Tết, bà đã đổ vốn vào thị trường. Bà T. toàn “đánh” theo chiến thuật “ăn non” bằng vốn tự có, mà lợi nhuận đã hiện thực hóa trong vòng 2 tháng qua lên tới 40%. Bà kể, nhiều NĐT chơi margin, lợi nhuận đã được gần 100%.

Theo thống kê, trong quý I/2014, VN-Index tăng 20%, HNX-Index tăng trên 30%. Cổ phiếu có mức tăng giá từ 20% trở lên trên 2 sàn là 416/696 mã; cổ phiếu có mức tăng giá từ 50% trở lên là 168/696 mã. Tất nhiên, không nhiều NĐT mua đúng đáy, bán trúng đỉnh, nhưng thị trường tăng trên diện rộng như vậy, phần lớn NĐT tham gia thị trường đều có lợi nhuận ở mức cao.

So sánh với việc gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán dù có mức độ rủi ro cao hơn nhưng lại có lợi nhuận gấp cả chục lần, đủ để “lòng tham” lấn át sự “sợ hãi”. Ngoài ra, tiền của NĐT ra – vào thời điểm này rất linh hoạt, do việc chuyển tiền trực tuyến giữa tài khoản tiền gửi tại ngân hàng và tài khoản giao dịch chứng khoán rất thuận tiện.

Về cơ bản, lượng tiền của NĐT sẽ tỷ lệ thuận với thanh khoản của thị trường, song không thể phủ nhận dòng tiền rất lớn đến từ đòn bẩy tài chính của các CTCK. Đơn cử như FPTS, Công ty đã dành toàn bộ vốn chủ sở hữu gần 750 tỷ đồng cho vay margin. Đại diện Công ty cho biết, hiện FPTS vẫn chưa dùng hết số vốn này, nhưng nếu NĐT có nhu cầu cao hơn, Công ty sẽ tìm các biện pháp để đáp ứng. Còn tại SHBS, năm 2014, lượng vốn dành riêng cho việc hỗ trợ tài chính cho NĐT vào khoảng 300 tỷ đồng.

“Nếu nhu cầu của NĐT tăng cao hơn con số này, chúng tôi đã chuẩn bị giải pháp hỗ trợ thông qua Ngân hàng mẹ SHB, bằng cách cho NĐT chứng khoán tại SHBS vay vốn tại các chi nhánh của SHB”, lãnh đạo SHBS chia sẻ.

Dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định tỷ lệ margin là 50:50, song ở nhiều CTCK, con số này được điều chỉnh linh hoạt là 40:60; 30:70. Cùng với xu hướng lãi suất cho vay giảm mạnh, lãi suất margin giờ cũng chỉ phổ biến 12-14%/năm. Trong thị trường “con bò”, mức lãi suất như vậy không khiến NĐT bận tâm.

Nhiều NĐT còn được phép đánh bằng “tiền hơi”, có nghĩa là CTCK cho mượn tiền 100% không tính lãi suất, khi cổ phiếu về tài khoản, NĐT bán cổ phiếu, lãi được rút ra, lỗ bù tiền vào, CTCK hưởng phí. Cũng có một bộ phận NĐT VIP mua bán chứng khoán ngay trong phiên, khối lượng cực lớn. Vòng quay tiền do đó tăng rất mạnh, dư nợ bình quân margin quý I/2014 theo ước tính của giới chuyên môn tăng ít nhất 100% so với cuối năm 2013 tại hầu hết các CTCK.

VN-Index đã vượt 600 điểm, HNX-Index gần chạm 90 điểm, tuy lồi lõm từ đầu tháng 4 trở lại đây, nhưng giá trị giao dịch trên 2 sàn vẫn duy trì trung bình 3.400 tỷ đồng/phiên. Thị trường chứng khoán, theo nhận xét của nhiều NĐT, đang thuận lợi về cả điểm số và thanh khoản.

Dù vẫn còn nghi ngại sau thời gian dài ủ ê, song rất nhiều thành viên đã nghĩ đến kịch bản uptrend (thị trường sẽ tạo ra nhiều đợt tăng giảm, nhưng xu hướng đỉnh sau sẽ cao hơn đỉnh trước). Nếu nhìn nhận như vậy, NĐT sẽ luôn duy trì cổ phiếu trong tài khoản và những đợt thị trường điều chỉnh giảm là cơ hội để mua vào, dù sau giai đoạn tăng nóng, NĐT sẽ bình tâm lại, lựa chọn cổ phiếu cũng như dùng đòn bẩy thận trọng hơn.

Tin bài liên quan