Ông Phan Dũng Khánh

Ông Phan Dũng Khánh

Dòng tiền khối ngoại ổn định sẽ hỗ trợ thị trường

(ĐTCK) Trong 2 - 3 năm gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng chuyển sang “lướt sóng” như nhà đầu tư nội, nhưng họ mua đáy, bán đỉnh khá chuẩn như 2 đợt tăng giảm mạnh trong năm ngoái. VN-Index giảm điểm đang kích thích khối ngoại và các dòng tiền đầu cơ tham gia thị trường. Trong tháng 5 này, nếu dòng tiền khối ngoại ổn định sẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ thị trường.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) chia sẻ với ĐTCK. 

Ngay phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, thị trường giảm mạnh hơn 17 điểm, lệnh bán diễn ra trên diện rộng. Điều gì khiến nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường, thưa ông?

Cuối kỳ nghỉ lễ, các phương tiện truyền thông đưa tin, Trung Quốc đưa giàn khoan Hưng Vượng xuống biển Đông để tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí. Dù chưa rõ Trung Quốc sẽ hạ đặt giàn khoan ở đâu, nhưng nhiều nhà đầu tư lo ngại sự kiện năm 2014 sẽ lặp lại (thời gian này năm ngoái, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam).

Bên cạnh đó, một số tin đồn tiêu cực thỉnh thoảng lại xuất hiện, tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư. Thông tư 02/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ không hoãn thực hiện, dẫn đến nhiều khoản vay sẽ “nhảy” nhóm nợ từ 1, 2 sang 3, 4, điều này có ảnh hưởng đến cổ phiếu ngân hàng.

Thông tin giá xăng dầu có thể tăng mạnh trong thời gian tới do giá dầu thế giới tăng, thuế môi trường tăng từ đầu tháng 5 cũng gây tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư. Một lý do nữa đó là tâm lý “bán tháng 5 và đi chơi” (sell in May and go away - câu ngạn ngữ trên TTCK Mỹ) cũng tác động đến thị trường.

Những yếu tố trên đã làm 2 nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh nhất đến TTCK là dầu khí và ngân hàng giảm giá mạnh, có mã giảm sàn như BID, kéo theo nhiều mã khác giảm giá, khiến tình trạng giảm giá diễn ra trên diện rộng vào phiên chiều.

Trong khi các nhà đầu tư nội bán mạnh thì khối ngoại lại tăng mua. Có thể hiểu động thái này như thế nào, thưa ông?

Trong 2 - 3 năm gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng chuyển sang “lướt sóng” như nhà đầu tư nội, nhưng họ mua đáy, bán đỉnh khá chuẩn như 2 đợt tăng giảm mạnh trong năm ngoái. Năm nay, họ bán khá mạnh trong tháng 3 khi VN-Index ở mức 600 điểm. Hiện tại, VN-Index giảm xấp xỉ 50 điểm đã kích khích khối ngoại và các dòng tiền đầu cơ tham gia thị trường trở lại. Đây là những dòng tiền thuần túy lướt sóng nên việc mua bán này có thể tạo ra lợi nhuận trong ngắn và trung hạn.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, số lượng doanh nghiệp kinh doanh tốt tăng lên, thua lỗ giảm đi cũng là cơ sở cho dòng tiền của khối ngoại tham gia mạnh vào những thời điểm thị trường giảm điểm. Trong những năm gần đây, khối ngoại đã làm việc này rất tốt, đem lại cho họ lợi nhuận đáng kể.

Vậy tình trạng VN-Index giảm điểm sâu, nhà đầu tư bán ra trên diện rộng có kéo dài hay không? Dự báo trong ngắn hạn, thị trường sẽ có xu hướng ra sao?

Tâm lý “bán tháng 5 và đi chơi” vẫn đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư nên thị trường có thể sẽ mang gam màu xám trong tháng 5 này. Tuy nhiên, nếu dòng tiền của khối ngoại ổn định, duy trì đều đặn như hiện nay, các chính sách vĩ mô ủng hộ cho dòng tiền như sớm ban hành quyết định nới “room” cho khối ngoại hay không hạn chế dòng tiền như Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ hỗ trợ thị trường tăng điểm trở lại.

Theo ông, hiện có phải là cơ hội để nhà đầu tư mạnh về tài chính mua vào hay không?

Nhà đầu tư ngắn hạn, có mức chịu đựng rủi ro thấp vẫn nên ưu tiên nắm giữ tiền mặt trong lúc này. Nhưng đối với các nhà đầu tư trung và dài hạn thì thị trường giảm là cơ hội tốt để giải ngân từng phần vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng, nhất là các doanh nghiệp có kế hoạch phát triển rõ ràng, chính sách minh bạch, dự án tiềm năng, có giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực. Những khoản đầu tư này có cơ hội mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư khi thị trường phục hồi.

Tin bài liên quan