Dòng tiền đầu tư nội - ngoại vào cuộc đua đấu giá

Dòng tiền đầu tư nội - ngoại vào cuộc đua đấu giá

(ĐTCK) Nếu dấu ấn của hoạt động đấu giá tháng 9 là việc nhà đầu tư đã chi trên 365 tỷ đồng để mua 8,7 triệu cổ phiếu của CTCP Du lịch Bưu điện tổ chức tại Sở GDCK Hà Nội thì sang tháng 10, cuộc đấu giá cổ phần của Tổng công ty Ðầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (Idico) dự kiến sẽ tạo ấn tượng mạnh, khi dòng tiền và dòng người đăng ký mua rất dồi dào.

Ngày 5/10, Idico sẽ chính thức đấu giá 55 triệu cổ phiếu tại Sở GDCK TP. HCM. Cuộc đấu giá thu hút 582 nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng ký mua hơn 146 triệu cổ phiếu, gấp gần 3 lần khối lượng chào bán. Cùng với đó, có 25 tổ chức trong nước đăng ký mua 33,3 triệu cổ phiếu và 40 tổ chức nước ngoài đăng ký mua hơn 89 triệu cổ phiếu, gấp gần 2 lần khối lượng chào bán.

Yếu tố nào khiến đợt đấu giá được quan tâm nhiều như vậy? Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, đó là tiềm năng phát triển mảng khu công nghiệp tại doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Văn Ðạt, Tổng giám đốc Idico cho biết, Khu công nghiệp Hựu Thạnh (Long An) của Idico có quy mô hơn 500 héc ta đang giải phóng mặt bằng, triển khai hạ tầng theo kiểu cuốn chiếu. Bên cạnh đó, Công ty sở hữu quỹ đất hơn 400 héc ta tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II (mở rộng) nằm ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành phần sang nền và hạ tầng cơ bản, hiện đang thu hút nhà đầu tư.

Tương tự phân khúc nhà ở trên thị trường bất động sản, quỹ đất cho khu công nghiệp đang trở nên khan hiếm và đắt giá hơn trong bối cảnh làn sóng đầu tư nước ngoài hay mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp trong nước ngày một rõ nét.

Giá đất xung quanh các khu công nghiệp tại Bình Dương và Ðồng Nai có đà tăng tự nhiên tối thiểu 15%/năm và tăng đột biến từ năm 2016 đến nay, có nơi lên tới 50% như Dĩ An, Bình Dương. Việc sở hữu quỹ đất công nghiệp là một lợi thế trong bối cảnh này.

Cuộc bán vốn tại Idico có một điểm khác biệt lớn. Trước đây, tại các doanh nghiệp như VNM, Vissan, SAB, PLX..., việc mua lại cổ phần nhà nước thường là cuộc đua giữa các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, tại Idico, cả ba nhà đầu tư chiến lược đã đặt cọc đều là doanh nghiệp trong nước. Số vốn nhà đầu tư chiến lược bỏ ra để sở hữu 135 triệu cổ phần, tương đương 45% vốn của Idico, vào khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Ðấu giá là cơ hội mở ra cho người có tiền tham gia mua, sở hữu một phần doanh nghiệp. Không chỉ có các nhà đầu tư bên ngoài, nhiều người lao động của Idico cho biết họ cũng sẽ tham gia vào đợt IPO này. Với mức giá khởi điểm 18.000 đồng/cổ phần, nếu dự đoán giá thành công trung bình là 20.000 đồng/cổ phần thì số vốn thu được là 1.100 tỷ đồng.

Sức nóng cuộc đấu giá Idico có thể khiến mức giá đấu thành công sẽ vượt trên dự đoán 20.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, giá đấu càng cao thì sức ép tạo nên lợi nhuận để tương xứng với mức giá này đến với doanh nghiệp và các nhà đầu tư trúng giá sau đó sẽ càng lớn.

Cuộc đua dù có đông người tham dự, nhưng cần nhất là sự bình tĩnh đánh giá, bởi giá trị doanh nghiệp chỉ có vậy, đẩy giá lên cao sẽ tạo rủi ro chung cho thị trường.

Sau cuộc đấu giá Idico, thị trường sẽ đón thêm các cuộc bán vốn Nhà nước tại PV Oil, Becamex, Thanh Lễ… cũng như thoái vốn Nhà nước tại SAB, VNM và một số tổng công ty nhà nước khác.

Dòng tiền còn nhiều cơ hội chọn lựa, đồng thời các DN chuẩn bị bán vốn cũng không lo ế ẩm nếu có tiềm năng phát triển tốt và đủ minh bạch thông tin.

Tin bài liên quan