Dòng tiền đang có hướng đi “lạ”

Dòng tiền đang có hướng đi “lạ”

(ĐTCK) Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 9/11 với phần thắng thuộc về ông Donald Trump khiến thị trường chứng khoán quốc tế biến động mạnh. Thị trường chứng khoán Việt Nam ít bị tác động, nhưng động lực tăng có dấu hiệu giảm khi dòng tiền đang chuyển hướng.

Chứng khoán quốc tế: Các chỉ số tương lai biến động mạnh

Chỉ số tương lai E-mini Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ biến động 8,12% từ mức thấp nhất đến mức cao nhất, đóng cửa tăng 5,22%, chỉ số Nikkei 225 Futures trên thị trường chứng khoán Nhật biến động 8,92% và đóng cửa tăng 3,79%. Đây là 2 trong các thị trường có biến động mạnh nhất với kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 9/11.

Đòn bẩy cao là nguyên nhân khiến giới đầu tư trên thị trường tương lai dễ hoảng loạn, nói cách khác, một biến động nhỏ ban đầu có thể dẫn đến nguy cơ đổ vỡ nếu tất cả thị trường “nín thở”.

Dòng tiền đang có hướng đi “lạ” ảnh 1

Thị trường vàng tương lai tưởng như là kênh trú ẩn an toàn sau cùng vẫn lãnh chịu hậu quả, giá hợp đồng tương lai của vàng giao tháng 12/2016 (GCZ6) biến động 7,03% và đóng cửa giảm 3,94%.

Thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng không phải ngoại lệ, chứng chỉ quỹ ISHARES đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 7 - 10 năm đã bị bán ra mạnh, giảm 2,95% vì quan ngại chính sách của Donald Trump sẽ thiên về thúc đẩy lạm phát và có thể khiến lãi suất tăng nhanh hơn kỳ vọng. Điều này cũng khiến giới đầu tư rút vốn khỏi các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi.

Chứng chỉ quỹ Ishares MSCI Emerging Markets (EEM) giảm mạnh so với mức cao nhất tuần, giảm 6,96%, vì kỳ vọng lãi suất ở Mỹ tăng nhanh sẽ thúc đẩy kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), trong đó dòng vốn rút khỏi thị trường mới nổi và chảy về Mỹ.

Nhà đầu tư nhận thấy yếu tố chính trị đang và sẽ tác động mạnh mẽ lên tất cả các loại tài sản, từ cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa đến tiền tệ. 

Chứng khoán Việt Nam: giảm động lực tăng

Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động không lớn do chưa phát triển những công cụ phái sinh. Tuy nhiên, những vị thế sử dụng đòn bẩy tài chính lớn đã cảm nhận được rủi ro trong phiên giao dịch ngày 9/11. VN-Index biến động 2,88%, sau đó phục hồi, chốt phiên giảm 0,93%.

Câu chuyện tăng giá đáng chú ý tuần qua là cổ phiếu ngành than, khoáng sản và cao su tự nhiên. Giá các loại hàng hóa phục vụ sản xuất công nghiệp như đồng, than và cao su tự nhiên phục hồi mạnh khiến giới đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu của các công ty khai khoáng, xuất khẩu cao su tự nhiên.

Cần phải nói thêm về những số liệu kinh tế khả quan của Trung Quốc, thị trường tiêu thụ đồng và cao su tự nhiên lớn nhất thế giới. Cụ thể, tăng trưởng sản xuất công nghiệp lạc quan, doanh số bán xe tháng 10 tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tăng xuất phát từ sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là cơ sở kỳ vọng giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng ổn định. Theo đánh giá của chúng tôi, giá hàng hóa phục hồi nhưng chưa xác lập xu hướng tăng nên sóng của cổ phiếu hưởng lợi từ giá hàng hóa mới chỉ bắt đầu.

Trở lại với xu hướng thị trường nói chung, các cổ phiếu cốt lõi của thị trường như VNM, VIC, VCB, HPG, GAS, BVH, CTD chưa thể hiện xu hướng rõ rệt trong ngắn hạn. Vì vậy, chúng tôi chỉ đánh giá thị trường niêm yết phù hợp để nắm giữ, chứ chưa phù hợp để tăng trạng thái. Các cổ phiếu nắm giữ cũng phải thỏa mãn tiêu chí doanh nghiệp có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định, cổ phiếu xác lập xu hướng tăng giá trong dài hạn.

Xu hướng của dòng tiền thời gian gần đây là chuyển sang những cổ phiếu mới niêm yết/đăng ký giao dịch, ví dụ nhóm đồ uống. Bên cạnh đó, dòng tiền tiếp tục tìm cơ hội ngắn hạn ở cổ phiếu vật liệu xây dựng, với kỳ vọng kết quả kinh doanh cả năm tích cực. Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng cũng sẽ là tiêu điểm của dòng tiền giai đoạn tới.

Tuy nhiên, cơ hội trên thị trường chuyển từ các mã vốn hóa lớn sang cổ phiếu vốn hóa nhỏ và hàng mới, theo chúng tôi, đây là những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu xu hướng tăng đã kéo dài và đang giảm dần động lực tăng tiếp.

Tin bài liên quan