Doanh nghiệp tìm đường “xuất ngoại”

Doanh nghiệp tìm đường “xuất ngoại”

(ĐTCK) Sau khi vươn lên vị trí số 1 về thị phần thép tại Việt Nam, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư ra nước ngoài.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát đã chia sẻ như vậy khi được hỏi về triển vọng đầu tư của Tập đoàn trong thời gian tới. Ông Long cho biết, Hoà Phát đã nhận được gợi ý về việc xem xét, cân nhắc phương án mua lại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, rộng hơn là cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại gia số 1 ngành thép này, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên hiện không còn nhiều ưu thế. Đơn cử như không còn nguồn than cốc tại chỗ, phải nhập khẩu, trong khi vị trí địa lý của nhà máy lại cách xa cảng biển, khó khăn cho việc vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm.

“Chưa có tài liệu chính thức để nghiên cứu, song chúng tôi cũng không hứng thú lắm”, ông Long cho hay.

Vị doanh nhân này nói thêm, các dự án mới của Hòa Phát nếu đầu tư sẽ có quy mô trên 2 triệu tấn/năm. Hiện tập đoàn này đang khảo sát một số địa điểm như Dung Quất, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và một số nước xung quanh. Như vậy, rất có thể trong tương lai gần, Hòa Phát sẽ đầu tư ra nước ngoài.

Một doanh nghiệp khác là Tổng công ty Viglacera - CTCP cũng đang tập trung hoàn thiện thủ tục thành lập liên doanh sản xuất vật liệu xây dựng tại Cuba, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2016 nhằm cung cấp sản phẩm gạch ốp lát và sứ vệ sinh cho thị trường Cuba nói riêng và Châu Mỹ Latinh nói chung. Trước đó, vào đầu tháng 4 năm nay tại Cuba, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Viglacera đã  ký kết Thỏa thuận hợp tác thành lập liên doanh sản xuất vật liệu xây dựng với Nhóm doanh nghiệp công nghiệp xây dựng (Geicon) thuộc Bộ Xây dựng Cuba.

Theo khảo sát của Viglacera, nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ cho thị trường Cuba rất lớn, đặc biệt là nhu cầu cải tạo và xây dựng mới nhà ở của người dân và nhu cầu vật liệu xây dựng cho các dự án phát triển khách sạn nhằm đáp ứng lượng du khách tăng đột biến, xa hơn nữa, liên doanh sẽ cung cấp vật liệu xây dựng cho cả khu vực châu Mỹ Latinh.

Hiện nay, gần 50% đội ngũ bán hàng của CTCP Vĩnh Hoàn là người nước ngoài bản địa của các thị trường xuất khẩu trọng tâm.
Tìm kiếm những không gian kinh doanh mới, bên cạnh thị trường trong nước đang dần trở nên bão hòa, sẽ là định hướng chiến lược được nhiều doanh nghiệp Việt Nam tập trung trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương được ký kết giữa Việt Nam và các nước, đầu tư, kinh doanh trên thị trường quốc tế sẽ ngày càng có tiềm năng và phổ biến hơn.

Để kinh doanh ở tầm quốc tế, bên cạnh nguồn nhân lực trong nước có sẵn từ doanh nghiệp, yếu tố không thể thiếu với các doanh nghiệp Việt Nam là sử dụng nhân lực nước ngoài.

Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn, khi đã cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu (Vĩnh Hoàn hiện có hơn 150 khách hàng tại hơn 30 quốc gia,) nguồn lực trong nước là không đủ, Vĩnh Hoàn đã thu hút và tuyển dụng khá nhiều nhân sự cao cấp tại nước ngoài. Công ty đã rất nỗ lực và quyết tâm xây dựng thành công lực lượng bán hàng đa quốc tịch và có kinh nghiệm quốc tế, quản lý các văn phòng đại diện bán hàng tại Mỹ, Singapore và Trung Quốc. Hiện nay, gần 50% đội ngũ bán hàng của Công ty là người nước ngoài bản địa của các thị trường xuất khẩu trọng tâm.

CTCP VCS Stone cũng đã thiết lập những cơ sở kho hàng và văn phòng bán hàng tại miền Nam, bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ, riêng trong năm 2015 đã mở thêm 3 cơ sở kho hàng và văn phòng giao dịch tại Chicargo, Atlanta, Houseton. Nhờ những giải pháp mạnh mẽ như vậy, Mỹ hiện là thị trường lớn nhất, chiếm hơn 50% thị phần doanh thu và là thị trường có tốc độ tăng trưởng lớn nhất của Vicostone.

Tin bài liên quan