Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng tích cực nửa cuối năm

Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng tích cực nửa cuối năm

Doanh nghiệp thủy sản dự báo lãi lớn

(ĐTCK) Thời điểm công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết đang đến gần. Trong số các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng tích cực, thủy sản là lĩnh vực được dự báo sẽ lãi lớn.

Kết quả ấn tượng

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm và cá tra là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 1,6 tỷ USD và gần 1 tỷ USD, tăng 7,6% và 21% so với cùng kỳ năm 2017.

Các con số này cho thấy, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản đang tăng trưởng tích cực và sẽ phản ánh một phần qua kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành. Trên sàn giao dịch chứng khoán, hiện có 3 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tiêu biểu là VHC, ANV và IDI. Cho đến nay, các số liệu ban đầu được Đầu tư Chứng khoán cập nhật cho thấy, kết quả kinh doanh đều khả quan.

Theo chia sẻ của ông Trương Công Khánh, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI (IDI), ước tính 6 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, đạt lần lượt 43,7% và 51,7% chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận năm. Biên lợi nhuận ròng ước đạt khoảng 10%, cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán sản phẩm tại hầu hết các thị trường đều tăng.

Ông Khánh cho biết thêm, ngoài Trung Quốc đang là thị trường truyền thống chiếm hơn 45% doanh thu của IDI, Công ty đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Sau nỗ lực tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính, “ông vua thủy sản” một thời Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) đã trở lại đường đua với kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm tăng trưởng khả quan.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, đại diện Công ty chia sẻ, ước tính trong 6 tháng đầu năm, ANV đạt doanh thu 1.674 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 183 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 200% so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả này, Công ty đang tiến khá gần đích kế hoạch kinh doanh năm nay.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 vào tháng 4, trước thắc mắc của cổ đông về việc đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay chỉ 295 tỷ đồng là quá khiêm tốn, ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ANV trả lời rằng, đây là con số đặt ra trên cơ sở thận trọng.

“Công ty đang ấp ủ một dự án quy mô lớn, hiện đang chờ phê duyệt từ lãnh đạo địa phương, dự kiến công bố khi có xác nhận chính thức, có thể trong quý III/2018. Nếu dự án được thông qua, lợi nhuận của ANV trong thời gian tới sẽ còn tăng mạnh so với hiện tại”, lãnh đạo cao nhất ANV cho hay.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) - nhà xuất khẩu cá tra có thị phần lớn nhất Việt Nam cũng được dự báo sẽ có kết quả hoạt động nửa đầu năm tích cực. Một trong những nguyên nhân chính là tình hình tiêu thụ tại các thị trường lớn của VHC, bao gồm Mỹ và Trung Quốc đều khả quan.

Ngoài lợi thế không phải chịu thuế chống bán phá giá tại Mỹ, diễn biến tăng giá của USD so với VND thời gian qua giúp Vĩnh Hoàn được hưởng mức chênh lệch tỷ giá khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, qua đó gia tăng lợi nhuận cho Công ty.

Ngoài ra, tại thị trường Trung Quốc, VHC đang bắt đầu tăng tốc bằng việc đẩy mạnh hợp tác với các nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại thị trường này, với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2017.

Dù khiêm tốn hơn cá tra về tốc độ tăng trưởng, nhưng xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm vẫn duy trì được xu hướng leo dốc so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm là mặt hàng chịu sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trên sàn chứng khoán, hiện có 2 cái tên nổi bật trong ngành là Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) và Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC).

Với FMC, nhờ tập trung hoạt động tại phân khúc cao cấp nên việc giá tôm nguyên liệu giảm trong 6 tháng đầu năm không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của Công ty. Trong 6 tháng đầu năm, FMC ước đạt sản lượng 7.787 tấn tôm các loại, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tiêu thụ đạt 76,6 triệu USD. Giá trị xuất khẩu chiếm khoảng trên 90% doanh thu của FMC.

Trong khi đó, tại MPC, hiện nay công suất hoạt động tại các nhà máy đều đã lấp đầy, buộc Công ty phải đầu tư tăng công suất nhà máy. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực khi rút ngắn khoảng cách chênh lệch với giá tôm ở thị trường thế giới, ở mức khoảng 10%, nên dù doanh thu khó tăng mạnh nhưng lợi nhuận sẽ được cải thiện đáng kể.

Đáng chú ý, với diễn biến hiện tại, lãnh đạo MPC cho hay, lợi nhuận thực tế nhiều khả năng sẽ vượt xa so với kế hoạch 990 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. 5 tháng đầu năm, MPC dự tính đã hoàn thành 33% chỉ tiêu lợi nhuận.

Triển vọng kèm rủi ro

Không chỉ được dự báo lãi lớn trong nửa đầu năm, từ nay tới cuối năm, các doanh nghiệp thủy sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà leo dốc, bởi đây là thời điểm “mùa vụ” với nhiều dịp lễ, tết quan trọng.

Đáng chú ý, sau cuộc họp sơ kết 6 tháng của Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn giữ mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2018 đạt mức 10 tỷ USD, dù 6 tháng mới đạt 40% kế hoạch. Điều này đòi hỏi ngành thủy sản phải nỗ lực hoàn thành mục tiêu, mà tiên phong là những doanh nghiệp đầu tàu như MPC hay VHC.

Một thông tin đáng chú ý sẽ hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản trong những tháng cuối năm là từ ngày 1/7, Trung Quốc áp dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với 221 mặt hàng thủy hải sản từ các quốc gia ưu tiên thuộc WTO, trong đó có Việt Nam. Theo đó, thuế nhập khẩu cá tra giảm từ 10% - 12% xuống còn 7%. Điều này được cho là sẽ tác động tích cực đến biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đang có hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh triển vọng, ngành thủy sản vẫn phải đối mặt với những rủi ro từ thị trường và nguồn nguyên liệu.

Sau thời gian “sốt giá” vì khan hiếm nguồn cung bắt đầu từ cuối năm 2016, giá cá tra nguyên liệu đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Hiện tại, giá cá nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long - “thủ phủ cá tra” của Việt Nam dao động trong khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng so với mức giá kỷ lục hơn 33.000 đồng/kg cách đây hơn 1 tháng. Một trong những nguyên nhân là do giá bán tăng, kích thích các hộ nông dân nuôi trồng khiến nguồn cung gia tăng.

Cũng theo ước tính của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 3,56 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 1,76 triệu tấn, tăng 5%, sản lượng nuôi trồng đạt 1,79 triệu tấn, tăng 6,4%.

Diễn biến này giúp giá cá khó có thể tăng thêm, thậm chí, theo một số đơn vị trong ngành, giá cá tra sẽ có xu hướng giảm dần về cuối năm. Dù vậy, so với bình quân năm 2017, giá cá tra năm nay ở mức cao hơn. Điều này là cơ sở đảm bảo cho tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành.

Riêng với ngành tôm, sau giai đoạn khủng hoảng kéo dài từ năm 2011 - 2016, nhiều hộ nuôi tôm bỏ nghề do thua lỗ kéo dài dẫn đến mất vốn. Điều này khiến nguồn nguyên liệu khan hiếm, thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy, việc hoạt động không hết công suất dẫn đến chi phí sản xuất cao, kém cạnh tranh.

Tuy nhiên, hiện tại, đã có những tín hiệu tích cực với doanh nghiệp trong ngành khi diện tích nuôi đang tăng lên, người nuôi có xu hướng nuôi rải vụ, nuôi quanh năm dù vẫn có những quý cao điểm.

Bên cạnh đó, một trong những mối bận tâm chính của các doanh nghiệp thủy sản là xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng tại các thị trường như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). Hiện nay, EU vẫn đang áp dụng thẻ vàng đối với cá tra Việt Nam, dẫn đến xuất khẩu sang thị trường này có dấu hiệu suy giảm.

Trong khi đó, Mỹ hạn chế các nhà xuất khẩu cá tra tham gia vào thị trường bằng việc dựng lên các rào cản kỹ thuật về thuế và đạo luật Nông nghiệp Mỹ (Farmbill). Do đó, có chưa đến 3 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này.

Chưa kể, dù tiềm năng tăng trưởng lớn nhưng xuất khẩu cá tra tại thị trường Trung Quốc cũng tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Động thái giảm thuế nhập khẩu của chính quyền Đại lục được xem như một biện pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu sang đường chính ngạch, hạn chế xuất tiểu ngạch, nhưng thực tế, tình trạng xuất theo đường biên mậu vẫn đang diễn ra, khiến việc kiểm soát chất lượng sản phẩm đứng trước những rủi ro.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đưa ra thông điệp cảnh báo doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các kiểm soát về chất lượng, nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong thời gian tới.

Tin bài liên quan