Năm 2017, ngành ô tô Việt Nam được dự báo sẽ có diễn biến khó lường khi chịu tác động từ nhiều yếu tố, đặc biệt là lộ trình giảm thuế nhập khẩu từ ASEAN (mức thuế giảm từ 40% xuống 30% trong năm 2017 và 0% vào năm 2018); việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đối với xe du lịch động cơ xăng trong năm 2017, động cơ dầu năm 2018 và xe tải năm 2022...
Trong bối cảnh này, mỗi doanh nghiệp ô tô “đối diện” thử thách trong tâm thế khác nhau, lạc quan hoặc thận trọng.
Đối với lĩnh vực phân phối xe con, Công ty cổ phần Ô tô Hàng Xanh (HAX), đại lý chính thức của Mercedes Benz, đã có một năm 2016 thắng lợi với lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỷ đồng, gấp 2,7 lần lợi nhuận năm trước đó. Đáng chú ý, nếu trước đây HAX chỉ hoạt động tại khu vực phía Nam thì hiện tại, Công ty đã tiến công ra thị trường miền Bắc với 2 chi nhánh tại Hà Nội.
Nối tiếp đà thắng này, HAX đặt kế hoạch năm 2017 với doanh thu 4.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, lần lượt tăng 49% và 24% so với thực hiện 2016. Trong đó, Chi nhánh Kim Giang (Hà Nội) mới đi vào hoạt động nhưng Công ty đã đặt mục tiêu tham vọng là lãi trước thuế đạt 13 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT HAX cho biết, Chi nhánh Kim Giang thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Sản xuất, thương mại và dịch vụ ô tô PTM (PTM), công ty con mà HAX sở hữu gần 93% vốn. Với việc mua lại PTM, HAX có thể tận dụng nhiều yếu tố sẵn có, từ nhà xưởng tới đội ngũ nhân viên, nên đặt nhiều kỳ vọng vào chi nhánh này.
Nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc, cổ phiếu HAX có diễn biến tích cực. Trong vòng 1 năm qua, thị giá cổ phiếu đã tăng 33.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 177,5%. Tính riêng từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HAX đã tăng hơn 12.000 đồng/cổ phiếu, hiện đang giao dịch quanh mức 53.000 đồng/cổ phiếu.
Trái với vẻ lạc quan của HAX, Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (SVC) đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2017 khá thận trọng. Cụ thể, SVC đặt kế hoạch doanh thu 14.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 130 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với năm 2016.
Đại diện SVC cho biết, đây đã là kế hoạch khá thách thức, được HĐQT SVC xây dựng trên cơ sở tăng trưởng chung của thị trường ô tô ở mức 10% - 20%, tuy nhiên còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Theo đó, nửa cuối năm 2017, Công ty có thể chịu ảnh hưởng nhất định bởi tâm lý người tiêu dùng chờ thuế suất về 0% để mua xe, thậm chí, nhiều khả năng khách hàng sẽ chờ đến năm 2018 khi bãi bỏ hoàn toàn thuế nhập khập. Trong khi đó, doanh thu chủ yếu của SVC đến từ mảng tiêu thụ ô tô.
Diễn biến giá cổ phiếu SVC thời gian qua khá tích cực, khi thị giá tăng 17.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng 55,16% trong 1 năm qua. Đáng chú ý, trong phiên 13/3/2017, thị giá cổ phiểu SVC đạt mức giá cao nhất 56.400 đồng/cổ phiếu.
Đối với doanh nghiệp xe tải, năm 2013 - 2015 được đánh giá là giai đoạn bùng nổ, khi nhu cầu xe tải tăng cao. Tuy nhiên, kể từ năm 2016, thị trường đã bắt đầu bão hòa. Hoạt động tại phân khúc này, Công ty cổ phần Ô tô TMT (TMT) năm 2016 đạt 2.528 tỷ đồng doanh thu, giảm 25% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 7,5%, đạt gần 48 tỷ đồng.
Dù vậy, năm 2017, TMT đặt kế hoạch công ty mẹ tham vọng với doanh thu thuần bán hàng 4.876 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 155 tỷ đồng và 124 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2016. Theo TMT, cơ sở để xây dựng kế hoạch này là dựa trên lợi thế độc quyền lắp ráp và sản xuất xe tải Sinotruk tại Việt Nam, đồng thời đang hợp tác với TATA - hãng sản xuất ô tô lớn của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, TMT có lợi thế cạnh tranh từ việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu. Cụ thể, việc Thông tư 63/2012/TT-BTC điều chỉnh thuế nhập khẩu tăng từ 15% lên 25% với các xe nhập khẩu nguyên chiếc có hiệu lực từ 20/12/2015 sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe như TMT.
Với kết quả kinh doanh sụt giảm năm 2016, cổ phiếu TMT chịu tác động tiêu cực khi giảm 22.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm hơn 61% trong vòng 1 năm qua, hiện đang giao dịch tại mức giá 13.900 đồng/cổ phiếu.
Với Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS), 2016 là một năm không thuận lợi. Cụ thể, việc thị trường đã bão hòa, nhu cầu đầu tư mua sắm, trang bị xe ô tô tải không còn đột biến khiến năm 2016, HHS đạt doanh thu 1.577 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với con số 3.508 tỷ đồng đạt được năm 2015. Lợi nhuận sau thuế đạt 140,5 tỷ đồng, bằng 29% so với năm trước đó.
Trong bối cảnh này, Công ty đặt mục tiêu 1.700 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 163 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - tăng nhẹ 7,8% và 6,3% so với kết quả của năm 2016.
Giá cổ phiếu HHS cũng sụt giảm từ vùng giá 11.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới 4.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí có thời điểm, thị giá HHS chỉ còn hơn 3.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự HHS, “anh lớn” trong ngành là Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THA), đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2017 gần 64.000 tỷ đồng, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 5.063 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2016.